Xây dựng đội ngũ inhouse influencer – Đại sứ thương hiệu cây nhà lá vườn
Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với nhân viên trong tiếng Anh là Employee Advocacy. Employee Advocacy là một trong những chiến lược Branding sử dụng chi phí thấp nhất nhưng đổi lại hiệu quả cao nhất trên thị trường hiện nay.
Hiểu một cách đơn giản, Employee Advocacy là việc vận động, khuyến khích đội ngũ nhân viên chia sẽ những nội dung của doanh nghiệp với mạng lưới gia đình, bạn bè và người quen của họ.
Thông qua sự chia sẻ của nhân viên, doanh nghiệp có thể tiếp cận đến một nhóm đối tượng rộng lớn hơn với chi phí vô cùng thấp, hoặc chi phí bằng 0. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể nâng cao nhận thức thương hiệu và nâng cao mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp mình trong mắt khách hàng, hoặc các ứng viên tiềm năm.
Câu chuyện về doanh nghiệp ở Việt Nam
Một trong những doanh nghiệp đã thành công trong việc biến nhân viên trở thành đại sứ thương hiệu cho doanh nghiệp phải kể đến Shopee Việt Nam.
Vào năm 2019, khi Shopee bắt đầu tham gia nền tảng Tiktok cho đến nay, thương hiệu này đã có hơn 1.1 triệu lượt theo dõi và liên tục được xuất hiện trên trang xu hướng của nền tảng. Điều này phải kể đến hashtag #LifeAtShopee (Cuộc sống tại Shopee) do chính nhân viên của doanh nghiệp này sáng tạo và chia sẻ. Những video này xoay quanh môi trường, con người, công việc, sản phẩm, .. tại Shopee.
Những video có gắn hashtag này đã nhận được vô vàn sự quan tâm của người dùng Tiktok. Với hơn 62 tỉ lượt xem trên Tiktok, và liên tục hiện trên Xu hướng, những video do chính nhân viên chia sẻ đã mang về cho doanh nghiệp này sự tăng trưởng về doanh thu và nhận diện thương hiệu.
Vì sao doanh nghiệp cần nhân viên tham gia vào việc xây dựng thương hiệu?
Employee Advocacy mang đậm yếu tố con người
Employee Advocacy, hay xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với nhân viên là một thuật ngữ tương đối mới. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn như Genesys, DELL, Reebok, StarBucks, Unilever, .. đều đã đưa chương trình này vào áp dụng. Và sự đầu tư này đã cho thấy hiệu quả.
Ở thời đại 4.0 hiện nay, mỗi khách hàng đều bị bao vây và quấy rầy bởi rất nhiều quảng cáo mỗi ngày. Do đó, họ bắt đầu cảm thấy nhàm chán và phản cảm bởi những nội dung mà thương hiệu đưa ra, những bài blog với nội dung thuyết giáo.
Họ thèm khát cảm giác “con người” và đó là một trong những lý do những bài blog dài 3000 chữ dày đặc nội dung đang dần mất chỗ đứng. Trong khi video blog, podcast, và hiện nay là influencer marketing, đang dần chiếm lĩnh thị trường.
Lý do đằng sau đó chính là yếu tố con người. Họ chọn tin vào một giọng nói, họ tin vào một gương mặt, họ tin vào một con người, và vì thế, họ đưa ra quyết định mua! Và yếu tố con người ở đây có thể chính là một nhân viên trong doanh nghiệp của bạn!
Giúp tiếp cận số lượng khán giả lớn với chi phí 0 đồng
Với sự thay đổi của thuật toán trên các nền tảng MXH, việc tiếp cận người theo dõi của doanh nghiệp một cách tự nhiên đã trở thành một điều viển vông. Theo báo cáo của Social Flow, khả năng tiếp cận người theo dõi tự nhiên 2020 đã giảm ít nhất 42% so với năm trước đó. Điều này đã buộc doanh nghiệp phải chi trả nhiều tiền vào các chiến dịch quảng cáo trong khi chi phí quảng cáo không ngừng tăng cao.
Một người trung bình có 400 bạn bè trên Facebook, nếu nhân viên này chia sẻ nội dung của doanh nghiệp và được 50% bạn bè nhìn thấy. Vậy là doanh nghiệp đa có thể tiếp cận đến 200 khách hàng tiềm năng mà chẳng cần mất chi phí nào.
Nếu doanh nghiệp có 100 nhân viên sẵn lòng nói về doanh nghiệp trên mạng xã hội, thì đã có thể tiếp cận đến 20,000 người. Một báo cáo của Cisco đã nêu rõ, người tiêu dùng tin tưởng những nội dung do nhân viên chia sẻ hơn 8 lần so với những nội dung được doanh nghiệp sản xuất.
Nâng cao văn hóa doanh nghiệp và sự cam kết của nhân viên
Doanh nghiệp tốn rất nhiều công sức và chi phí để có thể tuyển dụng được các nhân tài về công ty. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư rất nhiều vào việc phát triển những tài năng này và giữ họ lại trong doanh nghiệp.
Nếu lùi lại 20 năm trước, thuật ngữ “Văn hóa doanh nghiệp” rất hiếm khi được nói tới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định sự tham gia, ra đi hay ở lại của rất nhiều người lao động trẻ. Và 80% doanh nghiệp ngày nay đều đã có những kế hoạch rõ ràng để nâng cao văn hóa doanh nghiệp.
Tăng doanh thu cho doanh nghiệp
Như đã đề cập ở trên, nhân viên có nhiều mối quan hệ hơn doanh nghiệp, và những mối quan hệ này thường thân thiết hơn mối quan hệ mà doanh nghiệp có với khách hàng của mình. Điều này là một lợi thế mà doanh nghiệp không thể không tối ưu hóa.
Trong một nghiên cứu, Ogilvy – Agency quảng cáo hàng đầu đã chỉ ra rằng, trong các điểm chạm khác nhau, truyền miệng có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua hàng của khách hàng. Nhân viên hiểu rõ về doanh nghiệp hơn bất kỳ ai khác, và nếu họ sẵn lòng chia sẻ những thông tin này với bạn bè của mình, doanh nghiệp đã có một chiến lược Branding truyền miệng vô cùng hiệu quả.
Bên cạnh đó, khi một vài nhân viên bắt đầu chia sẻ về doanh nghiệp một cách công khai, những nhân viên khác trong doanh nghiệp cũng sẽ cảm thấy được truyền cảm hứng. Hãy tạo điều kiện để nhân viên nói về doanh nghiệp, và cả tổ chức sẽ được hưởng quả ngọt.
Làm thế nào để nhân viên trở thành đại xứ thương hiệu của doanh nghiệp?
Xây dựng văn hóa minh bạch
Một trong những điều quan trọng nhất tạo nên sự thành công của #LifeAtCompany chính là sự tự nhiên và chân thật của những chia sẻ này. Những nội dung này được sáng tạo và chia sẻ dựa theo tinh thần tự nguyên của nhân viên, do đó, những lời bình luận của họ cũng sẽ mang cảm giác chân thật và gần gũi với người đọc hơn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo trải nghiệm của thương hiệu được xuyên suốt qua tất cả các kênh, bao gồm cả các kênh mạng xã hội của nhân viên. Để thực hiện được chuyện này, doanh nghiệp cần đưa ra các chính sách về sử dùng hình ảnh, logo của doanh nghiệp sao cho phù hợp.
Do đó, doanh nghiệp cần cân bằng giữa sự kiểm soát nội dung (censorship) và để nhân viên thoải mái trong việc đăng tải, chia sẻ về doanh nghiệp. Hạn chế các quy định về review bài viết, hoặc đưa những bài viết có sẵn cho nhân viên đăng tải. Vì như thế, doanh nghiệp đang tước đi yếu tố “con người” và sử dụng mạng xã hội của nhân viên như những tài khoản ảo (clone account).
Làm rõ những lợi ích cho nhân viên
Đứng ở vai trò là một thương hiệu, doanh nghiệp cần phải trả lời cho câu hỏi “Tại sao tôi phải nói về doanh nghiệp trên các trang mạng xã hội của tôi?“
Nhân viên chắc chắn sẽ không thõa mãn với câu trả lời rằng “Vì điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh”.
- Khen thưởng:
Doanh nghiệp có thể cân nhắc khen thưởng cho những nhân viên sẵn sàng chia sẻ nội dung của doanh nghiệp lên trang cá nhân. Hơn nữa, ghi nhận và thể hiện sự cảm ơn đối với những nhân viên vô cùng sôi nổi và tích cực thảo luận về doanh nghiệp trên mạng xã hội. Nếu có những nhân viên Sử dụng những món quà nhỏ, như voucher, phiếu quà tặng, .. để thể hiện sự trân trọng đối với nhân viên của mình.
- Khả năng phát triển nghề nghiệp:
Việc chia sẻ những thông tin, trải nghiệm của mình với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp sẽ làm cho profile của nhân viên đó trở nên đáng tin cậy hơn. Bên cạnh đó, khi thường xuyên chia sẻ quan điểm và thông tin về 1 dịch vụ, chính nhân viên sẽ trở thành một chuyên gia trong mắt người xung quanh. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội kết nối, và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Khi nói đến xây dựng thương hiệu cá nhân từ việc chia sẻ nội dung doanh nghiệp, chúng tôi không thể không nhắc đến anh Michael Ngô – Giám đốc Quốc gia của ELSA Speak Việt Nam. Anh Michel Ngô là một trong những “đại sứ thương hiệu” nổi bật nhất tại ELSA Speak. Với những chia sẻ về ngành Giáo dục nói chung, và ELSA nói riêng, anh Michael đã xây dựng thương hiệu là một chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ Giáo dục tại Việt Nam, và là một người lãnh đạo thông thái, quyết đoán, vui tính, và chân thành.
Quan trọng nhất, làm cho nhân viên cảm thấy hạnh phúc trong công việc
Tất cả mọi chính sách, mọi khuyến khích của doanh nghiệp sẽ không hiệu quả nếu nhân viên không hài lòng với công việc hiện tại của mình. Do đó, doanh nghiệp cần gỡ bõ các rào cản về vật lý, tâm lý, tinh thần để nhân viên có thể cảm thấy an toàn, thoải mái và hạnh phúc với doanh nghiệp.
Nhận biết nhân viên đang mong mỏi điều gì trong công việc là một phần nhiệm vụ của một người quản lý. Tìm hiểu họ đang thiếu điều gì, cần điều gì, và tạo điều kiện để họ đạt được mục tiêu là một cách tuyệt vời để làm cho nhân viên cảm thấy hạnh phúc.
Đừng chỉ tập trung vào tiền. Nhiều tiền hơn không đảm bảo “đại sứ thương hiệu” của doanh nghiệp hạnh phúc hơn.
Kết luận
Employee advocacy, hay xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với nhân viên là một trong những xu thế của tương lai. Với chi phí thấp, hiệu suất cao, chắc hẳn đây là một chiến lược Branding mà doanh nghiệp không nên bỏ qua.
Bên cạnh đó, việc sở hữu một đội ngũ “đại sứ thương hiệu” trong nhà sẽ là một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn cho doanh nghiệp. Tăng nhận diện thương hiệu, tăng doanh thu bán hàng, tăng khả năng tuyển dụng được những ứng viên tài năng, và tăng sự hạnh phúc của toàn thể nhân viên trong doanh nghiệp là những lợi ích nổi bật của chiến lược này. Trao quyền cho nhân viên và tạo điều kiện cho họ phát triển sự nghiệp, chính là công thức hoàn hảo để tạo ra sự hạnh phúc cho đội ngũ “đại sứ thương hiệu” cho doanh nghiệp.