Để trở thành một trong những doanh nghiệp bán lẻ nổi tiếng ở Việt Nam, FPT Shop đã xây dựng và triển khai chiến lược marketing một cách hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu và phân tích chiến lược kinh doanh của FPT Shop trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu tổng quan về Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom)
Theo Wikipedia, FPT là một trong những công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam với lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin. Theo thống kê của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, đây là doanh nghiệp lớn thứ 14 của Việt Nam vào năm 2007.
Được thành lập ngày 31/01/1997, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) khởi đầu với tên gọi Trung tâm Dịch vụ Trực tuyến. Hơn 10 năm qua, từ một trung tâm xây dựng và phát triển mạng Trí tuệ Việt Nam với 4 thành viên, giờ đây, FPT Telecom đã trở thành một trong những nhà cung cấp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông và dịch vụ trực tuyến với tổng số hơn 2.000 nhân viên và hàng chục chi nhánh trên toàn quốc (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ…).
Theo VNReport thì FPT là doanh nghiệp tư nhân lớn thứ ba của Việt Nam trong năm 2012. Tiêu chí để Vietnam Report lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân là những doanh nghiệp có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%. Năm 2019, doanh thu FPT đạt 27.717 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 4.665 tỷ đồng, tăng 20,9% so với năm 2018. Doanh thu và lợi nhuận từ thị trường nước ngoài tăng trưởng cao, đạt mức tăng 41% so với cùng kỳ.
Một số lĩnh vực hoạt động chính của FPT bao gồm:
- Cung cấp hạ tầng mạng viễn thông cho dịch vụ Internet băng thông rộng
- Đại lý cung cấp các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, Internet
- Dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng Internet, điện thoại di động
- Dịch vụ tin nhắn, dữ liệu, thông tin giải trí trên mạng điện thoại di động
- Đại lý cung cấp trò chơi trực tuyến trên mạng Internet, điện thoại di động
- Đại lý cung cấp dịch vụ truyền hình, phim ảnh, âm nhạc trên mạng Internet, điện thoại di động
Về FPT Shop
Được thành lập vào tháng 8/2007, FPT Shop là chuỗi cửa hàng bán lẻ chuyên về các sản phẩm kỹ thuật số như Điện thoại di động, Máy tính bảng, Máy tính xách tay và phụ kiện điện tử … FPT Shop là trung tâm bán lẻ đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 9001: 2000 quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Định hướng của FPT Shop không chỉ cung cấp cho khách hàng với các sản phẩm chính hãng mới nhất, chất lượng nhất mà còn là nơi để khách hàng trải nghiệm sản phẩm thoải mái dưới sự tư vấn của đội ngũ nhân viên và kỹ thuật được đào tạo bài bản. Điểm khác biệt của FPT Shop còn là các chính sách hậu mãi riêng biệt như Bảo hành Vàng: Bảo hành cho cả trường hợp bị rơi vỡ, vào nước, chính sách 1 đổi 1 trong vòng 30 ngày, ….
Phân tích mô hình SWOT của FPT Shop
Mô hình SWOT là một công cụ nổi tiếng được nhiều doanh nghiệp biết đến và áp dụng bởi tính hữu ích trong việc giúp các nhà quản lý phân tích các yếu tố quan trọng bên trong và ngoài doanh nghiệp để từ đó thiết lập nên các chiến lược cũng như kế hoạch kinh doanh phù hợp.
SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một mô hình nổi tiếng giúp doanh nghiệp có thể phân tích cũng như xây dựng được chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả.
Trong 4 yếu tố của mô hình SWOT, điểm mạnh và điểm yếu là 2 yếu tố để đánh giá nội bộ doanh nghiệp. Đối với 2 yếu tố này, doanh nghiệp có thể kiểm soát và thay đổi được. Thường các yếu tố này có liên quan tới hoạt động công ty, tài sản thuộc về doanh nghiệp, phát triển sản phẩm,…
Bên cạnh đó, 2 yếu tố còn lại là cơ hội và thách thức là các yếu tố tác động bên ngoài thường liên quan đến thị trường và mang tính vĩ mô. Doanh nghiệp có thể sẽ không thể kiểm soát được 2 yếu tố bên ngoài này. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội, nhưng cũng phải quan tâm và đề phòng tới những thách thức từ bên ngoài có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đối với FPT, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thương hiệu này có thể được phân tích như sau.
Điểm mạnh (Strengths)
Về điểm mạnh trong mô hình SWOT của FPT, thương hiệu này có một số những điểm mạnh nổi bật dưới đây.
Đội ngũ nhân viên xuất sắc, có trình độ cao
Một thế mạnh của FPT là tập đoàn này sở hữu đội ngũ nhân viên xuất sắc, có trình độ cao. Họ đều là những nhân viên trẻ, năng động, có trình độ cao, nhiệt tình và sáng tạo. Đó là tài sản quý báu nhất và là nền tảng tạo ra mọi thành công của FPT.
Nhiều cán bộ của FPT đã giành được những chứng chỉ quốc tế như CCNA, CCNP, CCIE về mạng của CISCO, các chứng chỉ quốc tế về các thế hệ máy chủ MINI RS/6000, AS/400, SUN, HP…
Tiềm lực tài chính mạnh
Nguồn lực về vốn lớn (hơn 700 tỷ đồng), ngoài ra còn có sự đầu tư của Tập đoàn FPT là điều kiện để FPT Shop dễ dàng nâng cao công nghệ.
Công nghệ hiện đại
Sử dụng FPT.AI Conversation để tạo trợ lí ảo, nhằm tư vấn bán hàng và tự động giải đáp những câu hỏi thường gặp của khách hàng trên website thương mại điện tử và Facebook
Thương hiệu nổi tiếng
Với công ty mẹ là đại diện phân phối với nhiều nhà cung cấp lớn, cũng như là đơn vị nhập khẩu hầu hết các dòng điện thoại vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, các chuỗi bán lẻ khác vẫn phải lấy hàng từ FPT Shop. Điều này khiến FPT Shop luôn có hàng trước so với đối thủ với giá cả cạnh tranh hơn, bảo hành nhanh hơn.
Cùng với thương hiệu uy tín của mình, FPT Shop luôn là thương hiệu được đánh giá cao và là điểm đến được nhiều người lựa chọn.
Điểm yếu (Weaknesses)
Bên cạnh những điểm mạnh, FPT cũng có những điểm yếu cần phải khắc phục.
Một số những điểm yếu chính trong mô hình SWOT của FPT có thể được kể đến như sau:
Không quá chú trọng vào quảng cáo trực tuyến
Một điểm yếu của FPT đó là chưa chú trọng đầu tư vào quảng cáo trực tuyến.
Lĩnh vực quảng cáo trực tuyến chưa có sự đột phá, các thông tin liên quan đến sản phẩm, FPT Shop không chú trọng đến truyền thông.
Phụ thuộc vào nhà cung ứng
FPT Shop không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, mà nhập sản phẩm từ các nhà cung ứng nên bị phụ thuộc vào họ. Nếu không có bất kỳ chiến lược nào, rất có thể xảy ra một số rủi ro từ phía cung ứng như gián đoạn chuỗi cung ứng, trực tiếp ảnh hưởng tới thiếu hụt sản phẩm để cung cấp cho khách hàng.
Cơ hội (Opportunities)
Để tận dụng điểm mạnh và khắc phục điểm yếu, FPT có thể nắm bắt một số những cơ hội có lợi để phát triển thương hiệu và tăng doanh số bán hàng như sau:
Nhu cầu gia tăng
GDP Việt Nam ngày càng tăng nhanh chóng và luôn duy trì ở mức cao, điều này có nghĩa mức sống của người dân ngày càng cao và thu nhập đã cải thiện hơn so với các năm trước đó. Cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu được cho là nguyên nhân chính giúp ngành bán lẻ trở thành một lĩnh vực tiềm năng.
Hưởng lợi từ chuyển đổi số
Làn sóng chuyển đổi số toàn cầu với tăng trưởng kép trong giai đoạn 2019-2022 có thể đạt hơn 16%, mang lại cơ hội tăng trưởng cho FPT Shop.
Cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế
Việt Nam gia nhập WTO mở ra cơ hội mới cho tập đoàn FPT xâm nhập thị trường quốc tế. Các hàng rào thuế quan đang được xoá bỏ, cơ sở hạ tầng thông tin đang được phát triển mạnh mẽ.
Thách thức (Threats)
Bên cạnh cơ hội thì FPT cũng cần đối mặt với một số những thách thức. Các thách thức chính trong phân tích SWOT của FPT có thể được liệt kê như sau:
Sự gia nhập của các đối thủ ngày càng nhiều
Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ làm cho việc cạnh tranh của FPT không chỉ dừng ở các công ty trong nước. Tăng trưởng nhanh chóng hướng tới tự do hoá và toàn cầu hoá các dịch vụ đã tạo ra sự cạnh tranh mãnh liệt trong lĩnh vực riêng về thị trường bán lẻ cho cả quốc gia và quốc tế.
Cạnh tranh từ các kênh thương mại điện tử
Với sự xuất hiện của các kênh thương mại điện tử (Tiki, Lazada, Shopee…), hành vi mua hàng của người tiêu dùng dần thay đổi bởi sự thuận tiện của nó mang lại. Điều này sẽ khiến cho thị trường cạnh tranh hơn và đòi hỏi các nhà bán lẻ hiện tại phải tăng cường kênh bán hàng online chuyên nghiệp với dịch vụ tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Giá cả biến động
Công nghệ là một trong những mặt hàng có tốc độ biến động giá cả rất nhanh. Chính điều này trực tiếp ảnh hưởng tới việc phân phối sản phẩm và lợi nhuận của FPT Shop
Sự bùng nổ của COVID-19
COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới. Cùng với diễn biến khó lường của dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn. Điều này dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc chính phủ liên tục ra chỉ thị giãn cách xã hội khiến các cơ sở kinh doanh bị trì trệ, trực tiếp làm ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động. Từ đó, làm giảm sức mua của người tiêu dùng.
AMIS aiMarketing – Bộ công cụ Marketing hợp nhất trên một nền tảng
Phân tích chiến lược Marketing Mix của FPT Shop
FPT Shop là một trong những doanh nghiệp bán lẻ nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Để đạt được thành công này, FPT Shop đã triển khai những chiến lược Marketing Mix theo mô hình 4P một cách hiệu quả.
Vậy chiến lược Marketing của FPT Shop là gì? FPT Shop đã triển khai chiến lược Marketing Mix như thế nào?
Chiến lược Marketing của FPT Shop về sản phẩm (Product)
Sản phẩm luôn là cốt lõi của mọi doanh nghiệp, và một sản phẩm tốt cần đáp ứng được nhu cầu cũng như mong muốn của khách hàng, nếu không sẽ bị đối thủ giành mất thị phần hay thậm chí bị đào thải khỏi thị trường
Về sản phẩm, FPT sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng với chất lượng cao. Một số mặt hàng chính mà FPT cung cấp bao gồm:
- Dòng sản phẩm máy tính xách tay
- Dòng sản phẩm điện thoại
- Dòng máy tính bảng
- Dòng phụ kiện điện thoại
Chiến lược Marketing của FPT Shop còn tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm khi đáp ứng được những nhu cầu của đối tượng khách hàng của FPT như dòng đồng hồ thông minh, phụ kiện cho mọi dòng máy tính, điện thoại…
Ngoài ra, khách hàng thường tin tưởng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của FPT vì những sản phẩm này được định ra là những sản phẩm có nguồn gốc và chất lượng rõ ràng, nguồn gốc xuất xứ chính hãng.
Vào năm 2016, FPT Shop đã chính thức được ủy quyền chính hãng bán Macbook và Apple Watch. Điều này đồng nghĩa với việc FPT Shop trở thành đại lý uỷ quyền cấp cao nhất của Apple bán đủ các sản phẩm bao gồm iPhone, iPad, Macbook và Apple Watch.
Đồng thời, việc nhập khẩu trực tiếp từ Apple sẽ giúp cho nhà bán lẻ chủ động nguồn hàng hơn so với trước đây và giúp người dùng tiếp cận về sản phẩm sớm và nhanh hơn.
Chiến lược Marketing của FPT Shop về giá (Price)
Giá (Price) là một trong bốn yếu tố cấu thành quan trọng trong marketing mix. Nó đóng vai trò quyết định trong việc mua hàng của người tiêu dùng, còn đối với công ty, giá có vai trò quyết định việc cạnh tranh trên thị trường. Việc đưa ra chiến lược giá trong marketing có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo McKinsey, chỉ cần cải thiện yếu tố giá 1% sẽ làm tăng lợi nhuận lên 6% . Điều đó có tác động hơn cả việc giảm 1% chi phí biến đổi (làm tăng lợi nhuận 3,8%) hoặc giảm 1% chi phí cố định (làm tăng 1,1% lợi nhuận).
Về chiến lược định giá sản phẩm, FPT đã sử dụng chiến lược định giá sản phẩm linh động (Dynamic Pricing Strategy).
Định giá linh động có thể được hiểu là định giá theo yêu cầu hoặc định giá dựa trên thời gian. Đây là một chiến lược giá linh hoạt trong đó giá bán dao động dựa trên thị trường và nhu cầu của khách hàng.
Quá trình đưa ra quyết định đằng sau chiến lược định giá linh động này diễn ra như sau: Những thuật toán được phát triển dựa vào machine-learning sẽ giúp doanh nghiệp phát triển các mô hình thuật toán mới dựa vào nhu cầu thị trường và các chiến lược của đối thủ cạnh tranh. Quá trình dựa trên dữ liệu này cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh giá sản phẩm của họ liên tục trong vòng vài giây.
Với chiến lược này, FPT thường xuyên đưa ra các chiến lược điều chỉnh giá sản phẩm thông qua các hình thức khuyến mãi định kỳ theo tháng và theo sự kiện nhằm thu hút khách hàng đến với hệ thống.
Ngoài ra, hiểu được tâm lý khách hàng thường ngần ngại khi bỏ ra số tiền lớn để mua hàng, thương hiệu này nhanh chóng triển khai chiến lược hỗ trợ trả góp với lãi suất 0%. Với thủ tục và điều kiện đơn giản, FPT Shop ghi nhận đến 60% người mua máy trên 10 triệu đồng thanh toán bằng hình thức trả góp.
>> Đọc thêm: 10 chiến lược định giá phổ biến trong Marketing
Chiến lược Marketing của FPT Shop về hệ thống phân phối (Place)
Thông qua việc sử dụng đúng hệ thống phân phối, một công ty có thể tăng doanh số và duy trì những số liệu tích cực trong một khoảng thời gian dài hơn. Điều này có nghĩa là một thị phần lớn hơn và tăng doanh thu và lợi nhuận.
Xác định vị trí chính xác là một hoạt động quan trọng mà nó được tập trung vào việc tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu vào đúng thời điểm.
Với mạng lưới phân phối rộng khắp, FPT đã thành công trong việc tiếp cận khách hàng của mình. Hệ thống FPT Shop đang được phủ sóng toàn quốc, ngay ở những trung tâm trong những thành phố lớn thì các cửa hàng FPT được phân bố “dày đặc”. Hiện tại, hệ thống FPT Shop trải rộng khắp 3 miền với hơn 150 cửa hàng.
Bên cạnh đó, thương hiệu này cũng cho ra mắt hệ thống F.Studio – chuỗi cửa hàng được ủy quyền chính hãng của Apple. Thiết kế của mỗi cửa hàng F.Studio đều theo đúng quy định của Apple toàn cầu, và phải trải qua vòng kiểm duyệt khắt khe bởi các chuyên gia của Apple.
F.Studio mang đến trải nghiệm không gian mua sắm sang trọng, đẳng cấp như tất cả các cửa hàng Apple trên thế giới. Từ đó, mỗi khách hàng đến đây đều cảm thấy mình đang mua sắm ở chính cửa hàng của Apple.
Ngoài kênh phân phối truyền thống, FPT Shop còn xây dựng kênh phân phối trực tuyến. Với sự ảnh hưởng của COVID-19 khiến người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi ra ngoài, mua sắm trên các kênh online dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Lợi ích của việc mua sắm trực tuyến có thể kể tới như: tham khảo sản phẩm dễ dàng, so sánh giá, thanh toán không tiếp xúc…
Với kênh bán hàng trực tuyến, FPT Shop dễ dàng tiếp cận những khách hàng ở xa, chưa có điều kiện đến cửa hàng mua sản phẩm.
Chiến lược Marketing của FPT Shop về xúc tiến hỗn hợp (Promotion)
Xúc tiến là một hoạt động kinh doanh cần thiết để bắt kịp nhịp độ với thị trường tiêu thụ. FPT Shop thực hiện chiến lược xúc tiến bằng các chương trình khuyến mãi FPT shop như mua hàng có quà tặng, cấp học bổng cho sinh viên, gửi tiết kiệm giảm giá 50%…
Những chiến lược này cho thấy chiến lược Marketing của FPT được nhắm trực tiếp vào những người có đam mê về máy tính và các thiết bị công nghệ khác, hơn thế nữa FPT bên cạnh bán điện thoại còn laptop là sản phẩm chính tạo ra lợi nhuận không nhỏ đối với những sản phẩm của hãng.
Bên cạnh chiến lược giảm giá, FPT Shop còn kết hợp với các KOLs nhằm quảng bá thương hiệu của mình. Bằng cách này, FPT Shop có thể tận dụng được độ nổi tiếng những người có tầm ảnh hưởng trên cộng đồng mạng xã hội, những người có lượng like và follow khủng, người hoạt động ở nhiều những lĩnh vực khác nhau để tăng độ nhận diện, cũng như thu hút khách hàng tiềm năng.
Một trong những lần hợp tác KOLs nổi bật nhất của FPT Shop có thể kể tới Hậu Hoàng – Youtuber nổi tiếng với gần 7.5 triệu người đăng ký. Với nội dung hài hước, bắt kịp xu hướng, lồng ghép chi tiết quảng cáo hợp lý đến nay đã thu hút hơn 32 triệu lượt xem trên youtube. Thương hiệu này đã thành công trong việc thu hút khách hàng và nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu.
Tổng kết
Để trở thành một trong những doanh nghiệp bán lẻ nổi tiếng ở Việt Nam, FPT Shop đã xây dựng và triển khai chiến lược marketing một cách hiệu quả.
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc đã hiểu hơn về case study chiến lược marketing của FPT Shop, từ đó tham khảo để triển khai những chiến lược marketing phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
Ghé thăm blog của chúng tôi để cập nhật kiến thức hay mỗi ngày nhé!
Tham khảo thêm một số nội dung hay khác:
Phân tích chi tiết chiến lược marketing của Lifebuoy
Phân tích Chiến lược marketing của Mirinda – Dẫn đầu trào lưu Viral Music Video Marketing
Phân tích chiến lược marketing của Gucci – Hành trình trở thành “Luxury Brand”