Nếu nghệ thuật không khiến bạn cảm thấy một cảm xúc nào đó, hoặc không khiến bạn cảm thấy gì, thì ấy có thật sự là nghệ thuật hay không? Và điều gì để xác định xem như thế nào mới là một tác phẩm nghệ thuật đẹp?
Bài viết này sẽ đào sâu vào khía cạnh triết học của nghệ thuật để khai mở mối quan hệ của nó với cái đẹp. Trong bài viết, chúng ta sẽ vén mở bức màn bí mật về tâm lý học nghệ thuật, về khái niệm của cái đẹp trong nghệ thuật, và điều gì khiến “nghệ thuật” vừa vang danh lại vừa đẹp đẽ, nên hãy chắc chắn là bạn sẽ đọc tới cuối bài nhé!
Về cơ bản, nghệ thuật là biểu hiện của một tập hợp những suy nghĩ và cảm xúc mạnh mẽ, được phô bày ra ngoài dưới dạng những sản phẩm vật lý như tranh vẽ, ảnh chụp, đồ thủ công, tác phẩm điêu khắc, âm nhạc hay điện ảnh, v.v. Qua nghệ thuật, người nghệ sĩ có thể truyền tải cảm xúc của họ, những gì trực giác thôi thúc họ làm, những lời đáp cho thế giới, và cả những mong muốn của họ. Thêm vào đó, họ có thể chia sẻ với thế giới những trải nghiệm cá nhân của chính mình thông qua nỗ lực tạo tác nghệ thuật. Và bạn biết gì không, điều ấy không phải lúc nào cũng mĩ miều.
Quan điểm về việc liệu nghệ thuật có luôn phải khiến người ta hài lòng về mặt thẩm mỹ hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi. Các nhà triết học gọi phản ứng của con người trước những gì đẹp mắt là một “phản ứng thẩm mỹ”. Nhưng sẽ sao đây nếu nhiều người không cùng có chung “phản ứng thẩm mỹ” này? Điều ấy có khiến thứ được nhìn trở nên kém hấp dẫn hay kém đẹp mắt hơn không? Cái đẹp trong nghệ thuật là một sự trừu tượng mơ hồ không có mấy giá trị khi người ta diễn giải các chất liệu nghệ thuật. Cuối cùng thì cái đẹp là gì kia chứ? Và ta có thể giải thích định nghĩa của nó chỉ bằng lời hay không? Bạn có thể nói rằng cái đẹp khơi gợi những cảm giác thoải mái khi người ta nhìn vào nó. Nhưng dù sao, những gì bạn nhìn thấy cũng tác động vào những cảm xúc phức tạp trong lòng bạn, thay đổi quan điểm của bạn về khái niệm “cái đẹp”.
Nhìn lại, có thể thấy nhiều loại nghệ thuật đã thay đổi xã hội và để lại những tác động có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng có thể được gọi – dựa theo phong cách nghệ thuật – là cách mạng hoặc đương đại, trong đó có âm nhạc, văn học, biểu diễn, v.v. Trong lịch sử, những gì được coi là đẹp có mối quan hệ mật thiết với những gì được coi là “tốt”.
Mặc dù nghệ thuật thực sự mang đầy sức mạnh xúc cảm, nhưng không phải lúc nào nghệ thuật cũng dễ nhìn. Nghệ thuật là phải có tính cách mạng và khiến người ta lo ngại. Những gì bạn cảm nhận được phải đánh vào những giá trị cốt lõi của bạn, kích hoạt những phản hồi về mặt nhận thức, và khơi gợi những cảm giác mà bạn chưa từng có trước đây. Ta có thể tóm gọn tất cả bằng một câu nói của Bansky: “Nghệ thuật phải làm dịu lại những khó chịu và làm nhiễu loạn những gì dễ chịu.” Và thật vậy, nghệ thuật cho phép người nghệ sĩ khám phá mọi cung bậc của cảm xúc, từ sự hạnh phúc cho đến sự sợ hãi, niềm đau và cả những nỗi buồn. Bạn sẽ thấy sự khó chịu đó trong tác phẩm Dante and Virgil in Hell vẽ bởi William Adolphe Bouguereau, một bức tranh chạm đến các khái niệm về lòng tham của con người, sự hiểm độc và cả cái mưu gian. Những vũ công Tây Ban nha tại Cối xay gió Đỏ, Spanish Dancers at the Moulin Rouge, của Giovanni Boldini sẽ chẳng thể khiến bạn phát khiếp cho tới khi bạn nhận ra bàn tay đặt trên vai người vũ nữ chẳng thuộc về một cơ thể nào. Boldini tinh tế nắm bắt khái niệm của sự hai mặt và của tính không gian trong những nét vẽ của ông. Nghĩ lại thì, có nhiều tác phẩm có thể không được đánh giá là đẹp mắt, nếu như ta đánh giá chúng dựa chưa việc khi nhìn ngắm tác phẩm ta có cảm thấy thoải mái hay không.
Ví dụ như, nghệ sĩ người Serbia, Marina Abramovic, đã biến nỗi đau thể xác khủng khiếp và trạng thái tâm lý của bà thành một thứ mà người ta gọi là nghệ thuật của sức chịu đựng, bên cạnh nhiều hình thái khác. Trong những màn trình diễn nghệ thuật của mình, bà thể hiện sự đau đớn của bản thân, cùng sự tuyệt vọng và đau khổ. Nghệ thuật có thể phản ánh nỗi đau, do đó việc phân loại nghệ thuật theo tiêu chuẩn của cái đẹp trở nên khá khó khăn. Video năm 1975 của Abramovic ghi lại hình ảnh bà đang chải tóc, chải cho tới khi tướm máu trong khi lặp đi lặp lại một câu chú “Nghệ thuật phải đẹp, nghệ sĩ phải đẹp” – Art must be beautiful, artists must be beautiful. Video tinh tế gợi ý về những kỳ vọng quá cao mà xã hội đặt vào những người nghệ sĩ – đặc biệt là phụ nữ.
Theo nhiếp ảnh gia Joseph Nierters, cảm nhận về nghệ thuật có tính chủ quan cao, và khái niệm về cái đẹp nằm ở việc tác phẩm có truyền tải thành công thông điệp của người nghệ sĩ hay không, cũng như việc tác phẩm có ảnh hưởng thế nào đối với người xem. Chiara Leonardi cho rằng, nghệ thuật vẫn còn gắn liền với người tạo ra nó, nhưng những đánh giá về cái đẹp lại phụ thuộc vào người quan sát tác phẩm và ảnh hưởng của văn hóa tới quan điểm của người nhìn. Khi bị tách biệt khỏi các yếu tố bên ngoài, cái đẹp không được coi là nghệ thuật. Và cũng lạ thay, người ta nên nghi ngờ những thứ nghệ thuật có vẻ ngoài đẹp đẽ.
Nếu chức năng của nghệ thuật là ghi lại những trải nghiệm của con người, thì nghệ thuật phải bao gồm đủ cả thăng trầm trong đời sống, những tích cực và tiêu cực, khiến nghệ thuật trở thành bàn đạp cho cảm xúc của con người và là tâm điểm nghiên cứu của triết học gia. Họa sĩ người Pháp Georges Braque tóm gọn điều ấy trong câu nói “Nghệ thuật sinh ra để làm gián đoạn đời sống, khoa học sinh ra để đảm bảo lại sự vận hành của nó.” Ian Malcomson trả lời câu hỏi liệu người ta có thể tìm thấy cái đẹp trong nghệ thuật hay không: Nếu cái đẹp là kết quả của quá trình sáng tạo và tưởng tượng mà qua đó ta cảm nhận được niềm vui thú, thì cứ để điều ấy được đánh giá dưới quan điểm và diễn giải mang tính cá nhân. Không một ai, ngay cả những nhà phê bình, có thể nói với ta xem điều gì được coi là đẹp và điều gì không.
Nghệ thuật là công cụ được sử dụng bởi người nghệ sĩ, và bất cứ thứ gì họ tạo ra cũng có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải được dán mác là đẹp đẽ. Cái đẹp là một khái niệm mơ hồ, gắn liền với các vấn đề về sở thích, sự chấp nhận và cả những dụng ý. Những gì được coi là dễ chịu thay đổi tùy theo các nền văn hóa vì mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân lại có định nghĩa riêng về cái đẹp. Thoát khỏi những tiêu chuẩn và quy tắc truyền thống về nghệ thuật sẽ giúp bạn nhận ra sự thú vị và tính thử thách trong các tác phẩm. Khi vẻ đẹp là một phẩm chất được coi trọng, có khả năng cao rằng mỗi người lại có một nhận thức khác nhau về cái đẹp. Có thể nói rằng nghệ thuật là cánh cửa dẫn lỗi tới tâm hồn một con người, dù nó có phức tạp hay không, và nhận xét về việc một nội dung nghệ thuật có đẹp hay không là vấn đề về nhận thức của mỗi cá nhân.
Tổng hợp và biên tập: iDesign | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: Should Art Be Beautiful, M.Awada