Cùng đặt ra một câu hỏi. Nếu một ngày doanh nghiệp của bạn bị mất logo, thì còn lại gì để người dùng nhận ra thương hiệu của bạn?
Có một thứ hiệu quả nhưng lại chưa được mọi người chú trọng, đó là Brand Voice – tiếng nói của thương hiệu bạn!
Chắc chắn không ít thông tin đã thuyết phục bạn rằng việc sở hữu một logo là chìa khóa không thể thiếu trong quy trình xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Bạn cần xây dựng một bộ nhận diện trực quan xung quanh chiếc logo đó để nhất quán hình ảnh trong mắt khách hàng. Tuy nhiên trên hành trình phát tiển nhận diện thương hiệu, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều bỏ lỡ một khía cạnh quan trọng: Tiếng nói thương hiệu.
Brand Voice là gì và tại sao nó lại quan trọng đến vậy?
Giống như tiếng nói của một người, “tiếng nói thương hiệu” về cơ bản là cách mà bạn làm câu chuyện của mình vang lên trong đầu khán giả. Nó phải thể hiện được đặc điểm tích cách thương hiệu mà bạn đã tạo ra cho doanh nghiệp của mình. Tiếng nói ấy sẽ là giai điệu hòa quyện trong tất cả các hoạt động giao tiếp của doanh nghiệp, bất kể đó là trên mạng xã hội hay thông qua dịch vụ khách hàng.
Để hiểu rõ hơn về tiếng nói thương hiệu, cách đơn giản nhất là xem các thương hiệu nổi tiếng đã khai thác nó như thế nào. Cùng lấy mục “chi tiết sản phẩm” (product details) của chiếc váy sơ mi kèm đai từ nhà bán lẻ thời trang trực tuyến ASOS dưới đây làm ví dụ:
Ngay dòng đầu tiên ở phần Product Details, ASOS đã viết “worth making plans for” (xứng đáng để bạn cân nhắc), thay vì một dòng thông tin thông thường như “cottonmade from 20% cotton” (làm từ 20% cotton) mà hầu hết người mua hàng có xu hướng bỏ qua? Cách thể hiện thông tin này cho thấy rất rõ một tiếng nói hết sức thông minh, hấp dẫn và thú vị của ASOS.
Ở một ví dụ khác, sau đây, cùng xem ứng dụng giao đồ ăn nổi tiếng Baemin đã dự báo thời tiết như thế nào:
Thay vì nói rằng “Thời tiết miền Bắc trở rét, nhiệt độ dao động từ 8-12 độ C”, Baemin đã chọn phương thức thể hiện độc đáo hơn khi mượn lời than thở của một nhóm người đặc biệt: “Các FA miền bắc 3 phần bất lực, 7 phần lạnh giá, đồng loạt than thở về tiết trời rét buốt suốt mấy ngày nay”. Dễ thấy cách nói này đã thể hiện được những nét tính cách mà Baemin đã và đang xây dựng – trẻ trung, năng động, dí dỏm và đáng yêu.
Trên đây là hai ví dụ vô cùng rõ ràng cho thấy cách một doanh nghiệp sử dụng Brand Voice của họ để thu hút sự chú ý khách hàng cũng như kết nối cảm xúc qua các điểm chạm nhỏ nhưng tinh tế.
Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thể hiện thương hiệu một cách nhất quán có thể tăng doanh thu lên 33%. Vậy nên, bên cạnh yếu tố giải trí, việc sử dụng tiếng nói thương hiệu nhất quán hoàn toàn có thể giúp bạn giữ chân khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng của mình! Bởi, một thương hiệu càng nhất quán, khả năng khách hàng nhớ đến thương hiệu đó càng cao. Sự nhất quán cho thấy phong thái chuyên nghiệp của thương hiệu, điều này giúp khách hàng cảm thấy họ có thể tin tưởng và cho phép bạn mang đến nhiều trải nghiệm cụ thể một cách tích cực hơn.
Không chỉ vậy, bạn có biết rằng 61% người tiêu dùng sẽ cân nhắc hơn việc mua hàng từ các thương hiệu mà họ thấy có cách thể hiện nội dung độc đáo? Vậy việc bạn cần làm chính là khai thác tốt tiếng nói thương hiệu của mình. Các doanh nghiệp thường không thể kiểm soát được tất cả những gì mình nói trên trực tuyến, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cách bạn nói điều đó. Ví dụ, nếu bạn là nhân viên kinh doanh bất động sản, bạn thường tập trung phần lớn vào các nội dung thảo luận xung quanh các chủ đề liên quan đến bất động sản, nhưng sẽ có lúc bạn bàn luận các vấn đề không liên quan khác. Vậy cách dễ nhất để độc giả nhận ra bạn, chính là qua tiếng nói thương hiệu, hay cũng chính là cách mà bạn bàn luận về vấn đề đó.
Tiếng nói thương hiệu chắc chắn mang một vai trò lớn trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu của bạn so với các đối thủ cạnh tranh. Và một lần nữa, tiếng nói thương hiệu giúp bạn duy trì sợi dây liên kết giữa nội dung và thương hiệu trong tâm trí người theo dõi.
Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố đáng chú ý khi bạn quản lý tiếng nói thương hiệu của mình, đó chính là giọng điệu thương hiệu (Brand Tone).
Phân biệt Tiếng nói thương hiệu (Brand Voice) và Giọng điệu thương hiệu (Brand Tone)?
Giống như chúng tôi đã đề cập ở trên, tiếng nói sẽ phản ánh tính cách tổng thể của thương hiệu mà bạn đã xây dựng, nó cần nhất quán và không thay đổi.
Brand Voice của bạn nên đáp ứng được một số yêu cầu nhất định:
- Khác biệt và độc nhất: khi bắt tay xây dựng một tiếng nói thương hiệu, hãy bỏ ngay suy nghĩ bắt chước cách nói hài hước của Baemin, cách thể hiện thông tin thú vị như ASOS hay bắt chước brand voice của bất kì thương hiệu nào. Mỗi thương hiệu đều mang những tính cách và đặc điểm khác nhau. Bạn phải tạo ra một tiếng nói đại diện cho chính thương hiệu của bạn.
- Dễ dàng được nhận diện: Hiểu đơn giản, khách hàng có thể đọc một phần nội dung và nhận ra nó đến từ thương hiệu của bạn không? Phải đảm bảo câu trả lời là có.
- Hỗ trợ và bổ sung: Nó nên có khả năng tương tác với phần còn lại trong bộ nhận diện thương hiệu của bạn. Nói cách khác, tiếng nói là một “mảnh ghép” hoàn hảo trong bức tranh toàn cảnh về “hình dáng” thương hiệu của bạn.
- Sự đồng nhất: Cho dù bạn đang đăng một bài viết thú vị trên trang Facebook của mình hay đang trả lời email của khách hàng, thì tiếng nói thương hiệu của bạn phải được quan tâm hàng đầu và trở thành mối liên hệ nội dung đồng nhất cho tất cả mục tiêu mà bạn cung cấp.
Đến đây, khi tiếng nói thương hiệu của bạn đã được nhất quán, giọng điệu của bạn có thể thay đổi tùy thuộc vào mục đích nó được sử dụng. Nói cách khác, tiếng nói thương hiệu của bạn bao trùm chung chung trên những nội dung mà bạn giao tiếp, trong khi giọng điệu thể hiện cách chi tiết bạn nói điều đó và sẽ gắn liền với thái độ và cảm xúc trong từng trường hợp cụ thể.
Ví dụ, giọng điệu bạn trả lời một bình luận trên mạng xã hội có thể sẽ phấn khích hơn so với giọng điệu bạn phản hồi một khách hàng đang giận dữ phàn nàn qua email. Tương tự, giọng điệu khi đăng một thông báo về sản phẩm phải thể hiện được nhiều hứng khởi hơn là một thông điệp về giờ mở cửa của bạn.
Nói chung, giọng điệu thương hiệu (brand tone) sẽ được ứng biến trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng vẫn dựa trên nền tảng của tiếng nói thương hiệu (brand voice).
Những thông tin trên đây đã giúp các chủ doanh nghiệp hiểu được lí do mà tiếng nói thương hiệu lại quan trọng đến vậy. Tiếp theo, hãy cùng phân tích và xây dựng nên tiếng nói thương hiệu của riêng bạn nhé!
7 bước để tạo tiếng nói thương hiệu của bạn
Dưới đây là những bước cụ thể giúp bạn tìm ra được brand voice phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.
Bước 1: Nhắc lại tuyên bố sứ mệnh của doanh nghiệp
Trước khi xây dựng bất kỳ bộ phận nào của bộ nhận diện thương hiệu, bạn cần hiểu sâu và ghi nhớ tuyên bố sứ mệnh ban đầu mà doanh nghiệp đã đặt ra. Việc tạo ra tiếng nói thương hiệu cũng không phải một ngoại lệ.
Hãy cùng lật lại một chút và trả lời các câu hỏi: Tại sao bạn thành lập công ty của mình? Giá trị cốt lõi trong mọi hoạt động của công ty là gì?
Lấy tuyên bố sứ mệnh của Hiệp hội Bệnh Alzheimer như một ví dụ:
Chúng ta có thể thấy rằng rằng, ở mục “Sứ mệnh của chúng tôi” (Our mission), Hiệp hội đã nêu rất rõ nhiệm vụ của họ là “chấm dứt bệnh Alzheimer và tất cả các chứng sa sút trí tuệ khác – bằng cách đẩy nhanh nghiên cứu toàn cầu, thúc đẩy giảm nguy cơ và phát hiện sớm, đồng thời tối đa hóa dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ có chất lượng.” Để thực hiện sứ mệnh này, họ cam kết những “Giá trị cốt lõi” nhất là tính chính trực, tính toàn diện, tính đa dạng, cam kết hướng đến sự xuất sắc, v.v.
Để dễ hiểu hơn, Malu sẽ lấy một ví dụ khác về thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam:
Có thể chúng ta đều đã quen thuộc với tập đoàn hàng đầu quốc gia – Vingroup. Một sứ mệnh rõ ràng “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người” cùng 6 giá trị cốt lõi “Tín – Tâm –Trí – Tốc – Tinh – Nhân”, Vingroup đang trên những bước tiến trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt. Và chúng ta chưa từng phải nghi ngờ về Tuyên bố sứ mệnh ấy, một phần bởi Vingroup đã truyền đạt được tinh thần đó qua brand voice của họ.
Qua hai ví dụ, ta có thể khẳng định tiếng nói thương hiệu sẽ liên tục nhấn mạnh và củng cố những đặc điểm cụ thể của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng và hãy đảm bảo rằng bạn sẽ luôn chủ động trong việc kiểm soát những đặc điểm đó. Nói cách khác, tiếng nói – cách bạn nói chuyện với khán giả – cần phải bắt nguồn từ tuyên bố sứ mệnh và có sự liên kết trở lại với những giá trị cốt lõi mà bạn đã đặt ra.
Nếu bạn còn đang loay hoay đi tìm đặc điểm thương hiệu, bạn có thể tham khảo biểu mẫu sau đây:
Khi bạn đã hoàn thành và đang nắm giữ một ý tưởng độc đáo cho tiếng nói thương hiệu, vậy chúng ta tiếp tục xem cần phải áp dụng nó như thế nào cho hiệu quả?
Bước 2: Kiểm tra tất cả nội dung mà bạn đã sản xuất
Trước đây, nếu bạn đã tạo ra nội dung cho thương hiệu – cho dù đó là một biểu ngữ quảng cáo, một loạt bài đăng trên mạng xã hội hay toàn bộ blog – thì đây là lúc bạn cần kiểm tra và đánh giá tất cả những điều đó. (Trong trường hợp bạn chỉ mới khởi chạy doanh nghiệp và chưa có bất kỳ nội dung nào, hãy bỏ qua bước này và theo dõi các bước tiếp theo.)
Đừng quên nhìn lại nội dung trên:
- Website
- Landing page
- Quảng cáo
- Bài đăng trên blog
- Video
- Bài đăng trên mạng xã hội
- Bảng chỉ dẫn trong cửa hàng
Trong những bài đăng/ nội dung đó, liệu bạn có nhận thấy những chủ đề hay từ ngữ được xuất hiện với tần suất lớn? Hoặc, một số bài viết tạo cảm giác rất nghiêm trọng trong khi những bài viết khác thì nhẹ nhàng hơn? Hãy note lại tất cả những điểm tương đồng và khác biệt mà bạn nhận thấy.
Dưới đây là một Landing page của thương hiệu quần áo Spanx, nó được sử dụng cho việc khuyến khích khách hàng giới thiệu bạn bè của họ để được giảm giá:
Hãy để ý dòng chữ đầu tiên trong nội dung hiển thị chính, Spanx nhấn mạnh “Chia sẻ tình yêu thương!” (Share the love!) với một năng lượng vui tươi và phấn khích. Khách hàng cũng sẽ cảm nhận được năng lượng này trong các bài đăng trên Instagram của họ. Ví dụ, trong bài đăng dưới đây, Spanx đã tạo ra cảm giác rất vui vẻ khi nói rằng “Đố bạn biết điểm chung giữa ngày nghỉ cuối tuần và quần jean của Spanx là gì? Đó là đều được mọi người yêu thích!” (What do long weekends and Spanx denim have in common? Everyone loves them!):
Dù là một nội dung hiển thị trên landing page, hay nội dung hiển thị trên instagram, ta đồng ý rằng Spanx đã sử dụng cùng cách nói hoạt bát, thú vị và vui vẻ khi giao tiếp với khách hàng.
Tiếp theo, sau khi bạn xem hết các nội dung của mình, hãy phân tích ngôn ngữ và giọng điệu cùng hiệu suất hoạt động của chúng. Tức là, bạn có thể đánh giá ngôn ngữ hay giọng điệu đang hoạt động “tốt” nếu đáp ứng được mục tiêu mà bạn đặt ra cho nội dung đó khi đăng lên – số lượt chia sẻ, số lượt nhấp chuột, số lượt thích, số bình luận,… Bài viết nào của bạn có lượt tương tác tốt nhất và kém nhất? Từ đây, hãy thống kê lại những điểm chung giữa những nội dung gây được sự chú ý và giữa những nội dung kém thu hút người đọc.
Bước 3: Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh của bạn
Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng. Bạn phải biết đối thủ cạnh tranh đã nói chuyện với khán giả của họ (hay cũng chính là khán giả của bạn) như thế nào? Họ sử dụng giọng điệu gì, họ xây dựng một hay rất nhiều giọng điệu khác nhau? Có một mẹo nhỏ dành cho bạn. Nếu bạn đọc qua nội dung blog hoặc các bài đăng trên mạng xã hội của họ và bắt đầu cảm thấy rằng bạn có thể định hình được thương hiệu là ai sau 10 phút, rất có thể họ đang sử dụng một số loại brand voice đã xác định.
Khi đã “đào” ra được đặc điểm tiếng nói thương hiệu của họ, hãy đánh giá xem chúng có phù hợp với ngành của bạn hay không. Bạn thấy có nên áp dụng cách tiếp cận tương tự để trò chuyện với khán giả hay không? Hay liệu nó có phù hợp với sứ mệnh thương hiệu của riêng bạn? Thậm chí bạn phải tiếp tục phân tích các bình luận trên các trang mạng xã hội để biết chính xác được “hình dáng” tiếng nói của họ.
Lý tưởng nhất, bạn tuyệt đối đừng tạo ra tiếng nói thương hiệu giống hệt với đối thủ cạnh tranh của mình, vì điều này sẽ dễ làm cho khán giả của bạn nhầm lẫn thương hiệu của bạn với thương hiệu của họ. Trong nội dung phía trên, chúng tôi cũng đưa ra yêu cầu khác biệt mà một tiếng nói cần có để mang lại lợi thế độc đáo cho thương hiệu của bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải hiểu được những yếu tố khách quan – cả thất bại và thành công của đối thủ cạnh tranh – để bạn có thể nghĩ ra những phương thức tiếp cận tới khán giả mới lạ.
Bước 4. Xác định khán giả của bạn và lắng nghe họ
Nghiên cứu đối tượng khách hàng mục tiêu chi tiết cũng là một bước cực kì quan trọng để tìm ra được một brand voice phù hợp. Vì dù ý tưởng có độc đáo mà người cần nghe lại không cảm thấy thích thú, thì ý tưởng đó sẽ vô giá trị. Đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn là ai? Họ nằm trong độ tuổi nào? Họ đã kết hôn chưa? Họ bận tâm về vấn đề xã hội hay vẫn đề tài chính nhiều hơn? Phác họa chân dung khách hàng càng rõ, bạn càng dễ tìm ra phương án phù hợp.
Hoặc, nếu bạn đã kinh doanh và có một lượng khách hàng trung thành, đây sẽ là thời điểm tốt để biết được suy nghĩ của họ về bạn. Giống như điều bạn đã làm trong quá trình kiểm research, điều quan trọng là phải đánh giá được các phần của thương hiệu mà họ kết nối và những tính cách thương hiệu của bạn mà họ có thể hình dung ra trong thời gian gian thương hiệu của bạn không có bất kì sự nhận diện cụ thể nào.
Cách tốt nhất để biết được tất cả những điều đó ư? Hãy hỏi họ!
Bạn có thể dễ dàng tạo một cuộc thăm dò trên mạng xã hội, gửi một cuộc thăm dò vào email khách hàng hoặc kiểm tra các bình luận trên blog của bạn. Hãy thử hỏi những điều như:
– Mô tả thương hiệu của chúng tôi trong ba từ.
– Nếu thương hiệu của chúng tôi là một người, thì đó sẽ là ai?
– Bạn có nghĩ rằng cách giao tiếp của chúng tôi phù hợp với sản phẩm /dịch vụ mà chúng tôi đang cung cấp không?
Chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều phản hồi nếu biến điều này thành một cuộc thi hoặc giảm giá sản phẩm của bạn cho 50 người đầu tiên làm khảo sát.
Khi bạn nhận được phản hồi, hãy so sánh mức độ trùng lặp của những gì họ nói về thương hiệu của bạn với những gì bạn đã nói về bản thân. Nếu cả hai ở trong cùng một lập trường, thì bạn biết tiếng nói thương hiệu của mình đã đi đúng hướng!
Lưu ý rằng giọng nói thương hiệu lý tưởng mà khán giả muốn nghe có thể không phải là giọng nói mà bạn mong đợi họ muốn nghe.
Một công ty trò chơi đã tạo ra một sản phẩm đầy ngổ ngáo và ngớ ngẩn, Cards Against Humanity. Họ tự hào là một sản phẩm đứng đầu về việc gây khó chịu. Tuy nhiên, thay vì xa cách với khách hàng, giọng điệu châm biếm của họ chính xác là thứ thu hút mọi người đến với thương hiệu của họ. Mọi người biết rằng họ có thể dựa vào thương hiệu để tiến tới một giới hạn (thường xuyên đi sâu vào lĩnh vực chính trị không rõ ràng), hứa hẹn tạo ra một trò đùa hay trong quá trình chơi.
Điều quan trọng cần lưu ý là CAH cam kết bằng sự hấp dẫn của trò chơi bằng tiếng nói thương hiệu của họ, bất kể họ đang chạy một chiến dịch nghỉ lễ hay đưa ra một sản phẩm mới. Họ thậm chí còn coi đó là tính cách thương hiệu của mình để tạo ra hình thức phản đối của riêng mình, tập hợp mọi người tham gia vào chính nghĩa của họ thông qua những lời châm biếm và cà khịa.
Bước 5: Viết ra bạn là ai và sẽ giao tiếp như thế nào
Như đã đề cập ở trên, tiếng nói thương hiệu là một “mảnh ghép” quan trọng trong hình dáng thương hiệu tổng thể mà bạn muốn xây dựng.
Vậy hãy viết ra những tính từ mô tả chính xác nhất những tính cách thương hiệu của bạn, một cách chi tiết và cụ thể. Thử trả lời câu hỏi: Nếu thương hiệu của bạn thực sự có thể nói như một người, thì tiếng nói ấy sẽ nghe như thế nào? Bạn có thể cần bàn luận những đặc điểm này với người khác hoặc đơn giản chỉ là cầm bút viết tất cả suy nghĩ của bạn ra giấy mà không cần bận tâm điều gì.
Khi bạn đã viết ra tất cả những điều này, chắc chắn bạn đã sẵn sàng để đưa ra 3 tính từ mô tả thương hiệu của mình. Chọn những từ bao hàm tất cả các đặc điểm chính mà bạn nghĩ là quan trọng để truyền đạt tính cách của mình. Ví dụ: “Baemin là một thương hiệu trẻ trung, năng động và dí dỏm”.
Đừng cố gắng rập khuôn nó, hãy chọn những đặc điểm phù hợp với những gì thương hiệu của bạn cung cấp và đặc biệt là củng cố tuyên bố sứ mệnh của bạn. Có tiếng nói thương hiệu đích thực là một trong những cách chính yếu để thu hút khán giả của bạn, vì vậy đừng lo lắng nếu bạn có những đặc điểm hơi khác so với mong đợi.
Sau đó, bạn sẽ muốn “giải nghĩa” từng đặc điểm, bao gồm những diễn giải chi tiết về đặc điểm cùng một chính sách cụ thể về những điều nên làm và không nên làm về cách bạn sẽ sử dụng nó. (Chúng ta sẽ nói thêm về vấn đề này trong các phần tiếp theo.) Nếu bạn đang chưa biết làm thế nào, hãy thử sử dụng biểu mẫu dưới đây:
Bước 6: Kiểm nghiệm brand voice mới của bạn (đánh giá và điều chỉnh)
Ở bước 5, bạn đã viết xuống các tính từ mà bạn mong muốn cùng bộ quy định xung quanh tiếng nói thương hiệu. Bây giờ, hãy thử brand voice đó của bạn trên một quy mô nhất đinh, như trên internet chẳng hạn.
Viết một bài đăng mẫu trên blog bằng giọng điệu mới được xác định, sau đó hãy đi hỏi bạn bè, đối tác hoặc một người hiểu rõ về doanh nghiệp của bạn xem họ nghĩ gì. Nếu bạn được “bật đèn xanh”, hãy thử gửi email đến một nhóm độc giả thân thiết và chân thành (bạn bè hoặc gia đình) để xem họ có thích những gì bạn đang đưa ra hay không, hoặc họ sẽ cảnh bao bạn “quay xe” kịp thời.
Ngoài ra, hãy đánh giá cách thức hoạt động của tiếng nói thương hiệu với các yếu tố khác của thương hiệu. Giọng điệu của bạn có phù hợp với những bộ phận còn lại trong bộ nhận diện của bạn không? Đảm bảo rằng bạn đang xây dựng hình ảnh “nhất quán”. Chắc chắn bạn sẽ muốn thương hiệu của mình kết hợp hài hòa với nhau, không làm mọi người khó chịu hoặc nhầm lẫn.
Lỡ như bạn cảm thấy hụt hẫng trong quá trình thử nghiệm, xin đừng lo lắng mà hãy thử chuyển từ internet sang đăng bài trên các kênh truyền thông xã hội để xem phản ứng của khán giả như thế nào. Bạn có thể thấy rằng, có lẽ phản ứng của khán giả sẽ khác với những gì bạn nghĩ ban đầu, họ có thể phản ứng tích cực hơn với phiên bản tiếng nói đã được điều chỉnh.
Công ty dao cạo Gillette đã thực hiện nghiêm túc vấn đề này trong vài năm gần đây, thay đổi cách nhìn về thương hiệu thông qua một video nhằm mục đích chống lại chủ nghĩa nam giới độc hại.
Họ đã thay đổi “câu thần chú” của họ trong 30 năm qua: “Những điều tốt nhất mà người đàn ông đạt được” (“The Best a Man Can Get”), và thách thức khán giả của họ thay vào đó phấn đấu để trở thành “Những điều tốt nhất mà người đàn ông có thể trở thành” (“The Best a Man Can Be”).