Chúng ta thường bắt gặp những hình lưới hay thiết kế dạng lưới trong các máy ảnh, ứng dụng chụp ảnh trên điện thoại hay các bản vẽ trong photoshop. Vậy rốt cuộc những hình lưới này có tác dụng gì, đóng vai trò, ảnh hưởng gì trong việc thiết kế ? Hãy cùng Malu Design cùng bạn giải đáp những thắc mắc trên nhé !
1. Grid là gì ?
Grid (lưới) hay đầy đủ hơn là grid system (hệ thống lưới) là một thuật ngữ quen thuộc đối với giới làm đồ hoạ. Đây được coi là công cụ “tủ” giúp các graphic designer có thể căn lề, kích thước, phân chia ranh giới trong bố cục thiết kế nhằm tạo ra một tổng thể ngăn nắp, chỉn chu, có quy luật. Grid system được coi là xương sống, là bộ khung trong hầu hết các thiết kế như dàn trang, website, app.
2. Các thể loại grid ?
Khi bắt đầu một thiết kế một sản phẩm, các designer thường sử dụng một hay nhiều loại lưới để tổ chức, sắp xếp các chủ thể theo một bố cục nhất định. Việc làm này tạo ra sự cân bằng trong thiết kế cũng như góp phần tạo sự thuận mắt cho người xem khi nhìn vào sản phẩm thiết kế. Mặc dù bị “gò bó” trong những công thức toán học cố định tuy nhiên trong nhiều thời điểm, grid vẫn giúp các nhà thiết kế tạo ra sự đột phá, độc đáo trong từng ấn phẩm của mình.
Về cơ bản, hệ thống lưới được bố trí dựa trên hai trường phái: đối xứng hoặc không đối xứng. Các lưới đối xứng sẽ tuân theo một đường trung tâm. Các lề dọc, lề ngang được thiết kế bằng nhau, các cột trong bố cục đối xứng cũng sẽ có cùng một chiều rộng tạo ra sự hài hoà về mặt tổng thề. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, hệ thống lưới không đối xứng sẽ có kích thước của cả lề và cột khác nhau. Dưới đây là 5 thể loại lưới cơ bản được sử dụng trong nhiều ấn phẩm thường ngày:
Manuscript Grid – lưới bản thảo
Trong các bộ tài liệu Word, tạp chí, báo, ebook chính là ví dụ điển hình cho việc sử dụng lưới bản thảo. Các lưới bản thảo được thấy rõ trong một văn bản tài liệu bởi việc tách bạch phần đầu trang, chân trang và khoảng trắng ở mỗi cạnh (lề). Hiểu một cách đơn giản, bố cục lưới bản thảo được tạo ra từ một hình chữ nhật nhằm tạo ra một bộ khung giới hạn cho văn bản.
Column Grid – lưới cột
Lưới cột được sử dụng nhằm tổ chức bố cục thiết kế dưới dạng cột. Các tạp chí thường sử dụng lưới cột như một cách hữu hiệu để dễ đọc được các văn bản. Ngoài ra, lưới cột còn được sử dụng phổ biển trên các trang web hay bog trực tuyến. Hệ thống lưới cột thường được chia chủ yếu trong khoảng từ hai đến sáu cột. Văn bản và hình ảnh trong một lưới cột được đặt theo các đường thẳng đứng và dòng chảy tạo nên cột. Hình ảnh có thể được đặt bên trong một cột hoặc nhiều hơn nhằm tạo bố cục hình ảnh khác nhau.
Modular Grid – lưới mô đun
Các lưới mô đun cũng tương tự như lưới cột khi sở hữu các cột, tuy nhiên đồng thời có thêm các hàng. Lưới mô đun có mô đun kich thước bằng nhau, điều này giúp dễ dàng hơn trong việc sáng tạo, phá vỡ các quy tắc nhằm sử dụng các không gian theo nhiều cách khác nhau.
Lưới mô đun thường được thấy trong nhiều các trang web thương mại điện tử, ngoài ra điển hình nhất cho việc sử dụng lưới mô đun chính là màn hình chính của smartphone (các ứng dụng được sắp xếp cạnh nhau theo dạng lưới mô đun) hay Instagram cũng sử dụng lưới mô đun để hiển thị nguồn cấp dữ liệu của bạn.
Hierarchical Grid – lưới phân cấp
Lưới phân cấp được sử dụng chủ yếu trong thiết kế web. Mục đích của lưới phân cấp là tổ chức các yếu tố theo thử tự quan trọng. phần “mắt lưới” có không gian lớn nhất được ưu tiên cho các nội dung quan trọng nhất.So với các loại lưới còn lại, lưới phân cấp ít được sử dụng và ít phổ biến hơn.
Composite Grid – lưới tổng hợp
Trộn lưới là hình thức phổ biến nhằm tạo thiết kế bố trị sáng tạo và hấp dẫn hơn. Một tài liệu nhiều trang sẽ tuần theo các phép đo giống nhau của lưới bản thảo nhưng đồng thời xuất hiện các lưới khác nhau cho các phần khác của định dạng. Sử dụng lưới tổng hợp một cách sáng tạo sẽ làm cho thiết kế của bạn trông dễ chịu hơn. Tuy nhiên để làm được điều này, chúng ta phải tốn kha khá thời gian để thực hành.
Lời kết
Trên đây là tổng hợp những điều cơ bản về lưới và các thiết kế dạng lưới mà mỗi designer đều nên nắm lấy trước khi bắt tay vào việc thiết kế các sản phẩm. Mong rằng, với những thông tin bổ ích này sẽ giúp các bạn có được cái nhìn tổng quan về hệ thống lưới trong thiết kế cũng như tìm ra thể loại lưới phù hợp trong các thiết kế của riêng mình.