meo mo quan net

Mở quán net là một lĩnh vực kinh doanh đơn giản và có thể sinh lợi nhuận cao. Nhưng không giống với những mặt hàng buôn bán khác, người chủ tiệm net buộc phải có những kiến thức đặc thù nhất định, như cấu hình máy, tựa game hot, hệ thống mạng kết nối,… Đó là chưa kể việc kinh doanh tiệm net có thể ngốn của bạn khoản chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn.

Tiếp tục loạt bài viết về những lĩnh vực kinh doanh đơn giản, Malu xin gửi tới bạn kinh nghiệm mở quán net vừa tiết kiệm chi phí, vừa đem lại khoản doanh thu kếch xù “vạn người mê”.

Trước khi tìm hiểu những mẹo kinh doanh quán net hiệu quả, bạn cần phải ý thức những khoản chi phí ban đầu mình cần phải bỏ ra:

1. Chi phí đầu tư ban đầu để mở quán net

Bạn cần phải lên kế hoạch để chuẩn bị cho những khoản đầu tư sau đây, trước khi bắt đầu kinh doanh tiệm net:

Chi phí cho máy tính và các linh kiện phụ tùng có liên quan

Quán net thì không thể thiếu máy tính và các phụ kiện có liên quan (như chuột, bàn phím, hay tai nghe).

Theo kinh nghiệm “thực chiến” của các chủ quán net, chi phí đầu tư cho một chiếc máy case cấu hình tầm thấp (đủ để chơi các tựa game online cơ bản như LOL, Đột kích, AOE, Fifa Online 3; có bộ màn hình phụ kiện thuộc phân khúc giá rẻ) là khoảng 16 – 18 triệu đồng/máy.

Với những phòng net lựa chọn máy có cấu hình tầm trung, là bộ có cấu hình tương đương máy cấu hình thấp, nhưng có màn hình và linh kiện cao cấp hơn, bạn phải bỏ ra tầm 20 triệu đồng/máy.

khong gian quan net

Với cấu hình cao cấp, trong khoảng ngân sách cho mỗi máy khoảng 25 – 30 triệu đồng, quán net của bạn có thể vô tư cài đặt những tựa game đòi hỏi card đồ họa khủng (dành cho các tựa như Overwatch, PUBG,…). Cấu hình này phù hợp với các mô hình quán net kiểu Cyber Games nhiều hơn.

Nếu bạn có dự định mở quán net với quy mô trong khoảng từ 10 – 20 máy, tổng chi phí dành riêng cho bộ case và phụ kiện có thể rơi vào khoảng:

  • Cấu hình thấp: 180 triệu – 300 triệu đồng
  • Cấu hình trung: 200 triệu – 400 triệu đồng
  • Cấu hình cao cấp: 250 triệu – 500 triệu đồng

Chi phí cho hoạt động quản trị hệ thống và kết nối mạng Internet

Với bất kỳ quán net nào, phần mềm quản trị hệ thống là cần thiết để quản lý thời gian chơi của khách, quản lý số máy tính trống và điều tiết lượng khách ra vào quán.

Hiện nay có khá nhiều các hệ thống quản lý phòng net với các tính năng khác nhau, phù hợp với nhu cầu riêng của chủ tiệm. Dưới đây là một số phần mềm quản trị phổ biến nhất, cùng phí sử dụng dịch vụ:

1. Phần mềm Gcafe

Gcafe là phần mềm quản lý máy chủ trong quán net phổ biến nhất hiện nay. Ưu điểm của Gcafe là sử dụng nền tảng Windows Server đơn giản để quản trị. Phần quản trị server game tương thích và hỗ trợ tất cả những tựa nổi tiếng trong thời gian gần đây, như LOL, Fifa Online 3,…

g cafe

Về nhược điểm, các máy sử dụng hệ thống quản lý Gcafe thường gặp khá nhiều khó khăn trong việc cài đặt tựa game mới vào máy. Điều này dẫn tới việc nếu khách hàng muốn cài tựa mới để chơi sẽ phải cần tới sự trợ giúp của kỹ thuật viên (hoặc chủ quán net).

Về chi phí, Gcafe thu phí dịch vụ của mỗi máy trạm là 7.000đ/tháng. Máy chủ cấu hình tham khảo là 20,5 triệu đồng.

2. Phần mềm CSM của VNG

CSM là phần mềm quản trị máy chủ quán net do chính VNG phát triển và phân phối.

Ưu điểm của phần mềm này là hỗ trợ máy chủ sử dụng hệ điều hành Linux, Ubuntu. Điều này giúp máy chủ có thể yên tâm tránh xa các vấn đề liên quan tới virus hoặc tấn công mạng. Phần mềm CSM miễn phí cài đặt, sử dụng thuận tiện kèm theo hệ thống phần mềm tính tiền CSM, phần mềm tự đồng cập nhật game CSM Click,…

CSM Click

Nhược điểm của CSM là có chứa nhiều quảng cáo, không thường xuyên cập nhật game mới nên còn chưa được nhiều chủ quán game mặn mà lựa chọn.

Giá máy chủ tham khảo cho phần mềm CSM là 13,5 triệu đồng

3. Phần mềm ISM

ISM là phần mềm quản trị hệ thống có giá máy chủ tham khảo là 20 triệu đồng. Ngoài chi phí cho máy chủ, phần mềm còn thu phí bản quyền cho hệ thống trong khoảng 2 triệu đồng/năm.

Ưu điểm của phần mềm này là khả năng tự cập nhật game từ máy chủ trung tâm xuống máy chủ tiệm net, đảm bảo khách hàng chơi game không bị gián đoạn. Hệ thống phần mềm có tính bảo mật cao, nên người sử dụng không phải bận tâm các vấn đề về virus hay tấn công mạng.

Nhược điểm của phần mềm này là đòi hỏi máy chủ có cấu hình cao, yêu cầu phí dịch vụ cũng cao. Hệ thống ISM chủ yếu tập trung ở khu vực phía Bắc, chưa cung cấp dịch vụ ra toàn quốc.

4. Phần mềm NXD

Đây là phần mềm quản lý hệ thống máy chủ do NetzoneSoft sản xuất. Ưu điểm của NXD là có nhiều hệ thống máy chủ dự phòng, sử dụng hệ điều hành Linux, tính đa dụng cao (thích hợp với quán net có nhiều cầu hình máy khác nhau).

nxd

Nhược điểm của NXD là không có phần mềm tính tiền, không có phần mềm cập nhật game tự động.

Giá máy chủ khuyến nghị là 17 triệu đồng.

Về chi phí lắp đặt mạng Internet, chủ quán net sẽ phải đầu tư cho hệ thống modern, dây LAN, bộ switch trong khoảng chi phí từ 3 – 5 triệu đồng ban đầu.

Tổng kết, tổng chi phí chủ tiệm phải đầu tư cho hệ thống quản lý máy chủ và chi phí lắp đặt mạng Internet sẽ vào khoảng 20 – 25 triệu đồng.

Chi phí dành cho nhân sự

Chi phí dành cho nhân sự của quán net khá là đơn giản, bạn chỉ cần thuê từ 1 – 2 người trông coi quán sau khi mở cửa là ổn.

Bình quân, chi phí cho người trông coi tiệm net sẽ rơi vào khoảng từ 3 triệu đồng/người/tháng.

Các loại chi phí khác

Để mở quán net, bạn còn phải bỏ một khoản chi phí kha khá cho các hoạt động như:

  • Mua sắm bàn ghế cho khách ngồi chơi net.
  • Trang bị điều hòa, quạt thông gió cho các phòng.
  • Chi phí tân trang, bài trí cửa hàng.

chi phi de mo quan net

Theo kinh nghiệm của những chủ quán net đi trước, tổng chi phí cho các hoạt động trên có thể rơi vào khoảng từ 10 – 20 triệu đồng đầu tư ban đầu.

Tổng kết các loại chi phí

Tổng kết lại, để mở một quán net, bạn phải chuẩn bị sẵn cho mình tổng chi phí đầu tư ban đầu như sau:

  • Quán net bình dân: 270 triệu đồng.
  • Quán net tầm trung: 330 triệu đồng.
  • Quán net cao cấp: 400 triệu đồng.

Bạn có thể tham khảo thêm các phương thức quản lý chi phí kinh doanh hiệu quả để sử dụng ngân sách một cách tiết kiệm và thông minh nhé.

2. Mẹo mở quán net thành công

Dưới đây là một số kinh nghiệm bạn cần lưu tâm để mở kinh doanh quán net trong tương lai.

Lựa chọn mặt bằng kinh doanh rộng rãi

Khách hàng khi lựa chọn quán net để giải trí thường mong muốn tìm cho mình một không gian rộng rãi, thoảng mát và thoải mái. Diện tích cho một phòng 10 máy cũng phải rơi vào khoảng từ 15 – 20 m2. Số lượng máy lớn hơn đi đôi với việc diện tích cũng phải lớn hơn.

dien tich phong net rong rai

Đặc biệt, khi lựa chọn mặt bằng kinh doanh, bạn cũng phải tính đến trường hợp phân chia rõ ràng giữa phòng cho khách hút thuốc và phòng không cho. Trải nghiệm trong phòng kín với hàng chục con người hút thuốc xung quanh không phải là dễ chịu với bất kỳ khách hàng nào.

Giá thuê mặt bằng cho quán net có thể dao động từ 3 – 10 triệu/tháng (tùy vào địa điểm thuê). Có thể chủ mặt bằng sẽ yêu cầu bạn trả tiền một cục theo quý (hoặc 6 tháng một), nên bạn cần phải chuẩn bị trước.

Để xác định mặt bằng phù hợp với mô hình kinh doanh của mình, bạn cần lập một bản kế hoạch kinh doanh cụ thể, khoa học và rõ ràng.

Thường xuyên cập nhật tựa game mới

Chơi mãi một tựa game chắc chắn sẽ khiến khách hàng cảm thấy nhàm chán. Mà xu hướng cập nhật của ngành giải trí này thì liên tục. Hôm nay, có thể LOL và PUBG nổi đình đám, nhưng trong vài tháng nữa, thời thế sẽ thay đổi.

cap nhat tua game moi cho quan net

Hơn ai hết, chủ quán game phải thường xuyên cập nhật cho mình trào lưu mới. Game nào hot, đỉnh, bạn phải là người biết và cập nhật đầu tiên.

Quan tâm tới các vấn đề pháp lý

Mở quán net là một loại hình kinh doanh đặc thù. Có nhiều những quy định pháp lý có liên quan tới nó, như địa điểm kinh doanh phải đặt cách trường học trên 200 m, hoặc dịch vụ chỉ được cung cấp giới hạn trong khoảng từ 8h sáng đến không quá 10h tối.

Vấn đề về hệ thống điện và phòng chống cháy nổ cũng rất quan trọng. Đảm bảo được yếu tố này, vừa giúp quán net của bạn dễ dàng được các cơ quan chức năng chấp thuận cho kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn cho khách hàng vào chơi tại quán.

gaming gang da lat 407905

Ngoài ra, bạn cũng nên đăng ký hoạt động kinh doanh cho quán net của mình, để được pháp luật bảo vệ. Có 2 loại hình doanh nghiệp phù hợp với hoạt động kinh doanh Internet công cộng:

  • Hộ kinh doanh cá thể: Phù hợp với các quán net có quy mô nhỏ và vừa. Thủ tục đăng ký đơn giản, thuận tiện.
  • Công ty TNHH: Phù hợp với hệ thống quán net lớn, có tiềm năng mở rộng quy mô hoạt động. Thủ tục phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều giấy tờ sổ sách đăng ký.

Tân trang máy móc linh kiện liên tục

Các tựa game mới ra đời ngoài việc đem lại cho người chơi những trải nghiệm mới, mà còn đòi hỏi các quán game phải cập nhật cấu hình máy tính linh kiện liên tục để đáp ứng theo.

Điều này đòi hỏi chủ tiệm game phải có kiến thức nhất định liên quan tới phần cứng máy tính, cũng như với các linh kiện bổ trợ. Ở lĩnh vực này, “dậm chân tại chỗ” tương đương với đứng nhìn hoạt động kinh doanh bị thụt lùi.

3. Những rủi ro khi kinh doanh dịch vụ Internet công cộng

Ngành kinh doanh nào mà chẳng gặp phải rủi ro. Kinh doanh dịch vụ Internet công cộng cũng vậy, cũng chứa đựng những bất chắc khó ngờ. Những yếu tố rủi ro khi mở quán net là gì? Hãy cùng Malu tìm hiểu những lý do sau:

Tỷ lệ hao mòn tài sản cố định cao

Tài sản cố định của một quán net thông thường là bộ máy tính, linh kiện, bàn và ghế chơi game. Với việc phải tiếp đón hàng trăm khách/ngày, bạn không thể đòi hỏi họ giữ gìn bàn ghế máy móc của bạn nguyên vẹn y như mới được.

So với những ngành kinh doanh dịch vụ khác, kinh doanh dịch vụ Internet công cộng đóng vai trò là ngành có tỷ lệ hao mòn tài sản cố định cao nhất. Với chi phí ban đầu bỏ ra cũng thuộc vào hàng lớn, mà tỷ lệ hao mòn cao, đây đích thị là rủi ro lớn nhất mà các chủ tiệm game gặp phải.

Thị trường cạnh tranh, nhiều đối thủ

Thị trường kinh doanh dịch vụ Internet hiện có quá nhiều đối thủ cạnh tranh khác nhau. Vốn không đòi hỏi mặt tiền kinh doanh lung linh, chỉ cần một mặt bằng rộng cũng đủ để một cửa hàng tạp hóa bình thường tân trang trở thành một quán net bình dân.

Ngoài ra, thu thập của người dân ngày một tăng khiến họ có đủ khả năng để sắp cho mình 1 con laptop, 1 bộ máy case tầm cỡ. Xu hướng “di động hóa thiết bị” cũng là thứ khiến khách hàng trẻ không còn lựa chọn quán net là địa điểm giải trí thường nhật của mình nữa.

Môi trường kinh doanh phức tạp

Một ngày quán game cũng phải đón bét nhất là tầm chục khách hàng. Lượng khách hàng này thuộc đủ các loại thành phần khác nhau, từ thiện lương tử tế, cho tới không được đàng hoàng lắm.

Quản lý đối tượng này là một bài toán khá là hóc búa với chủ quán net. Nhất là khi họ không có đủ nguồn lực để giám sát toàn bộ khách hàng trong quãng thời gian cung cấp dịch vụ.

4. Quản trị rủi ro khi mở kinh doanh quán net

Để giảm bớt những rủi ro có thể đem lại, chủ quán net có thể triển khai một số những phương cách gợi ý sau đây:

  • Cung cấp các dịch vụ đi kèm cho khách hàng chơi game. Thường trong quá trình chơi, khách hàng có thể đói, hoặc khát nước. Một số người có nhu cầu nạp tiền vào game để mua đồ. Cung cấp các dịch vụ kèm theo như trên có thể là cách giúp chủ tiệm net tối đa hóa lợi nhuận cho cửa hàng của mình.
  • Đầu tư trang thiết bị tốt ngay từ đầu. Sự cạnh tranh trong dịch vụ cung cấp Internet công cộng là điều rõ ràng. Muốn nổi bật giữa hàng tá những đối thủ trong ngành, bạn phải đem lại những trải nghiệm chất lượng cho khách hàng.
  • Quản lý chặt chẽ khách ra vào tiệm. Để hạn chế những rủi ro không mong muốn đến từ khách hàng, bạn phải biết cách quản lý họ. Đặt camera giám sát trong phòng máy 24/7, luôn có người trông coi quán trong thời gian mở cửa, từ chối cung cấp dịch vụ với những khách hàng không tôn trọng nội quy quán net là một số giải pháp gợi ý để quản lý khách hàng.
  • Thực hiện những chiến dịch quảng bá, truyền thông. Hệ thống quán game của bạn thành công? Bạn muốn nhân rộng mô hình kinh doanh. Các phương thức truyền thông qua Facebook, Google; hoặc giảm giá, khuyến mại phí dịch vụ là những phương thức quảng bá hữu hiệu cho cửa hàng của bạn.

Trên đây là một số kinh nghiệm “thực chiến” có thể giúp mô hình kinh doanh dịch vụ Internet công công của bạn thành công trong tương lai.

Cùng Malu tìm hiểu thêm những bài viết về kinh doanh.