Trải nghiệm người dùng (UX) đòi hỏi người thiết kế phải có vốn hiểu biết trong nhiều lĩnh vực. Thành thực mà nói, thật khó khăn để chúng tôi có thể liệt kê tất cả những nguyên tắc mà designer có thể áp dụng vào công việc nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng.
Tuy nhiên, những gạch đầu dòng dưới đây của Malu vẫn là những lưu ý quan trọng nhất mà bất kỳ người thiết kế nào cũng phải tuân theo trong tư duy cũng như trong công việc. Bạn tò mò muốn biết những nguyên tắc đó là gì? Hãy cùng khám phá trong nội dung của bài viết sau:
> 10 mẹo thiết kế website chuẩn UI/UX
1. UX không chỉ là UI
Nhiều người vẫn lầm tưởng: Khái niệm UX (User Experience) và UI (User Interface) là một. Các Designer buộc phải phân biệt sự khác nhau giữa 2 khái niệm kể trên.
Có thể nói ngắn gọn: UI đơn thuần chỉ thể hiện sự tương tác giữa người dùng và sản phẩm; còn UX thì rộng hơn, nó còn nghiên cứu cả những cảm xúc, phản ứng của người dùng sau khi tương tác với sản phẩm.
2. Thấu hiểu người dùng
Cũng chẳng có gì ngạc nhiên nếu người dùng (người trực tiếp tương tác với bản thiết kế của bạn) lại là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong UX Design. Nếu bạn muốn thiết kế một sản phẩm với mong muốn người dùng sẽ yêu mến nó, bạn phải hiểu rõ những gì người dùng họ thích và muốn.
Điều trên đồng nghĩa: Nghiên cứu khách hàng là một khía cạnh không thể tách rời đối với hoạt động thiết kế trải nghiệm người dùng.
Và đừng quên: Khách hàng mới là ưu tiên hàng đầu khi bạn design sản phẩm. Những gì họ thích hay muốn còn quan trọng hơn vẻ đẹp của bản thiết kế hay những tính năng có trong sản phẩm.
3. Bạn không phải là người dùng
Nhiều designer hay áp đặt những gì họ muốn với những gì người dùng muốn. Trên thực tế, hai khía cạnh này không hẳn lúc nào cũng đồng nhất.
Những suy nghĩ chủ quan của bạn không phải lúc nào cũng giống như suy nghĩ của hàng trăm, hàng nghìn con người với tính cách và hành vi khác nhau.
Nhận ra được sự thật này, các doanh nghiệp luôn thực hiện các bài trải nghiệm sản phẩm với những người dùng thực tế. Người dùng thực tế ở đây không phải là các những người đồng nghiệp hay bạn bè, người thân của bạn mà phải là đối tượng khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm của bạn.
Công việc này có thể tốn nhiều thời gian, nhưng “chậm mà chắc”, chỉ có cách này mới đảm bảo bản thiết kế của bạn là phù hợp với tâm lý của người dùng thực tế.
> App Design – Thiết kế giao diện phần mềm, ứng dụng
4. Đừng làm người dùng choáng ngợp với “bức tường” thông tin
Một nghiên cứu của Microsoft năm 2015 đã cho thấy: Hiện nay, người dùng chỉ có khoảng 8 giây để chú ý đến một nội dung cụ thể nào đó trên mạng Internet. Điều này có nghĩa: Designer phải thiết kế các sản phẩm làm sao để thu hút những ánh mắt của người dùng mạng Internet ngay từ những giây tiếp xúc đầu tiên.
Sự quá tải về thông tin có thể khiến người dùng cảm thấy nản với “những món thức ăn” mà bạn bày ra cho họ.
Ngày nay, sự tối giản là điều quan trọng nhất. Những thông tin bạn đưa ra cho khách hàng phải được chắt lọc, tối giản một cách cẩn thận, song chúng vẫn phải truyền tải đầy đủ những gì được coi là tinh hoa của sản phẩm.
5. Thiết lập quy trình thiết kế UX Design
UX Design không phải là một công việc có tính ngẫu hứng, nó phải tiến triển theo một quy trình cụ thể với những dữ liệu mang tính khoa học.
Việc mò mẫm trong bóng tối hay theo đuổi một quy trình mang đầy tính nghệ thuật không phải là điều mà các designer nên thực hiện.
Nhiều nhà thiết kế cho rằng: Có thể áp dụng 1 quy trình thiết kế chuẩn cho tất cả các trường hợp. Điều này không hẳn đã sai, nhưng bạn nên bám sát theo yêu cầu của đề bài, đặc điểm của người dùng để xây dựng quy trình thực hiện mang tính chuẩn xác nhất.
Ví dụ: Trong tay của bạn chưa có nhiều thông tin liên quan tới khách hàng (như các thông tin về nhân chủng học, sở thích, hành vi,…), bạn nên dành nhiều thời gian để thực hiện công việc khảo sát khách hàng.
Nếu bạn vẫn còn đắn đo về các phiên bản sản phẩm, việc thực hiện bài test A/B là cần thiết vào thời điểm này.
6. Tạo các bản thử nghiệm trước
Nhiều nhà thiết kế lựa chọn việc bỏ qua các phiên bản thử nghiệm mà lao vào thiết kế bản sản phẩm chính thức để tung ra thị trường. Đây có thể coi là nước đi sai lầm nhưng tương đối phổ biến của các designer.
Một khi bạn cố gắng thiết kế ra một thứ mà bạn cho là rất tuyệt, để rồi công chúng phản hồi không tốt đối với sản phẩm bạn tạo ra, bạn không chỉ cảm thấy hụt hẫng mà còn vô tình làm lãng phí rất nhiều nguồn lực như thời gian hay tiền bạc.
Việc tạo ra các bản mẫu thử nghiệm là cơ hội để bạn nhận ra những điểm cần khắc phục hay những điểm cần phát triển, từ đó, xây dựng phiên bản chính thức có thể chinh phục được đòi hỏi của những người dùng khó tính.
7. Áp nội dung vào bản thiết kế
Mọi bản thiết kế đều phải dựa vào phần nội dung (như text, hình ảnh, video) để định hướng phong cách. Thay vì sử dụng các dòng text mẫu kiểu Lorem Ipsum, tại sao bạn không áp thẳng phần nội dung thực sự vào bản thiết kế của mình để thực hiện những sự điều chỉnh cần thiết chứ?
Mục tiêu của bạn là chinh phục những khách hàng khó tính ngoài kia. Việc thiết kế dựa trên những nội dung content có thật sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong việc định hình phong cách cho bài thiết kế của mình.
> Sử dụng quy tắc màu sắc 60-30-10 trong thiết kế UI
8. Giữ nội dung thiết kế đơn giản và nhất quán
Trong việc sản xuất các nội dung trên nền tảng kỹ thuật số, sự đơn giản đồng nghĩa với sự dễ hiểu, dễ tương tác với người dùng. Thành công của người thiết kế UX là làm sao để người dùng không cần phải xem hướng dẫn sử dụng mà vẫn thành thạo các tính năng trong sản phẩm.
Ngoài ra, nội dung thiết kế cũng cần phải mang tính đồng nhất. Điều này sẽ khiến người dùng cảm thấy thân thuộc với nội dung của bạn (nhất là khi họ dành nhiều thời gian để làm việc với sản phẩm của doanh nghiệp bạn).
Vì thế, bạn hãy nhớ 2 yếu tố tối quan trọng khi thiết kế một sản phẩm digital: Đơn giản và nhất quán.
9. Hạn chế việc người dùng phải thực hiện các thao tác lại từ đầu
Vì sự hạn chế về khả năng ghi nhớ, con người ta rất ngại phải làm lại các thao tác trong 1 ứng dụng di động nhiều lần.
Thay vì để họ phải thực hiện mọi thao tác từ A đến Z, tại sao các nhà thiết kế không lồng ghép các tính năng giúp người dùng có thể tiếp tục công việc của mình từ lần làm việc trước?
Hãy lấy ví dụ là YouTube: Bạn đã từng bắt gặp phần nội dung của YouTube cho phép bạn tiếp tục theo dõi phần nội dung video mà bạn đang xem dở?
Đó chính là cách để YouTube nâng cao trải nghiệm của người dùng đối với nền tảng video trực tuyến của họ.
10. Thiết kế cần tập trung vào tính năng thay vì vẻ ngoài
Khi tập trung thiết kế, các designer thường bị “ám ảnh” về yếu tố thẩm mỹ của sản phẩm. “Liệu nó có đẹp mắt với người dùng?”, “phần này có vẻ hơi mất thẩm mỹ nhỉ?” là những câu hỏi mà người thiết kế rất quan tâm.
Trong khi, yếu tố tính năng của sản phẩm, rằng “nó có tốt không?”, “nó đáp ứng được nhu cầu của người dùng?” thường bị các designer bỏ bẵng.
Trên thực tế, yếu tố khiến người dùng cảm thấy hài lòng với trải nghiệm của một sản phẩm lại nằm ở khía cạnh tính năng, thay vì yếu tố thẩm mỹ ở vẻ bề ngoài, chính vì thế, tư duy của người thiết kế cần tập trung nhiều hơn vào yếu tố này.
11. Đừng tự mình giải quyết mọi vấn đề
Bạn đừng nên cố gắng tự mình giải quyết mọi vấn đề liên quan tới UX Design. Đừng quên, đứng đằng sau bạn là một đội ngũ những kỹ sư, designer giỏi chuyên môn, nhiệt tình và tháo vát.
Bạn hoàn toàn có thể tham khảo những ý kiến, quan điểm và đóng góp của họ để sản phẩm trở nên hoàn thiện hơn.
12. Đừng giải quyết tất cả các vấn đề cùng một lúc
Có một sự thật: UX Design không phải là một quy trình tuyến tính. Sẽ có những vấn đề xảy ra lặp đi lặp lại, không theo quy tắc hay trật tự gì. Chính vì thế, bạn phải chuẩn bị sẵn tâm thế: Sẽ phải giải quyết từng vấn đề trong một khoảng thời gian nhất định.
Và cũng đừng quên áp dụng nguyên tắc: Tìm hiểu nguyên nhân – Giải quyết vấn đề – Check giải pháp để giải quyết các vấn đề bạn gặp phải một cách triệt để.
13. Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Một khi sản phẩm của bạn báo lỗi, người dùng thường có suy nghĩ vô cùng tiêu cực.
Nhiều khả năng, họ sẽ không bao giờ quay trở lại sử dụng sản phẩm của bạn. Đó là lý do bạn nên “phòng bệnh” thay vì đến lúc “có bệnh” mới vội vàng tìm cách xử lý.
14. Sử dụng những biểu tượng mang tính tương tác
Trong UX design, người dùng đóng vai trò trung tâm của mọi hoạt động. Khi tương tác với nội dung của bạn, người dùng không muốn họ bị “bỏ lơ”. Người dùng đòi hỏi mọi thao tác của họ phải được bạn phản hồi ngay lập tức.
Đó là lý do vì sao bạn nên cân nhắc cài đặt một vài dấu hiệu để thông báo với người dùng: “Điều gì đang xảy ra với họ”.
Một ví dụ thú vị mà bạn có thể để ý ở một vài trang web, đó chính là biểu tượng “vòng tròn loading” khi các thao tác của người dùng đang ở trong chế độ chờ.
15. Đừng thực hiện những thay đổi mang tính đột ngột với người dùng
Một nghiên cứu đã cho thấy: Người dùng rất không hài lòng khi một ứng dụng thay đổi quá đột ngột các thành tố bên trong. eBay là doanh nghiệp thấm thía nhất bài học từ vấn đề này.
Chỉ vì họ thay đổi màu nền của website từ màu vàng sang màu trắng, rất nhiều khách hàng của doanh nghiệp đã gửi phàn nàn đối với bộ phận chăm sóc khách hàng.
Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp bạn có ý định thực hiện sự thay đổi lớn nào trên sản phẩm của mình, hãy làm chúng một cách từ từ.
Thất bại là một phần của quá trình tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Nếu bạn sợ mắc sai lầm, bạn sẽ chẳng bao giờ trở thành một nhà quản trị giỏi. Hy vọng, những gợi ý trên đây của Malu sẽ giúp ích nhiều cho các bạn UI/UX designer trong quá trình xây dựng và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng cho sản phẩm của doanh nghiệp mình trong tương lai. Chúc bạn thành công!