In UV là công nghệ in cho hình ảnh đẹp, sắc nét, lớp mực in bám chắc trên bề mặt chất liệu in, có thể cảm nhận được lớp mực hơi sần lên khi chạm vào.
Công nghệ in UV là gì?
In UV là công nghệ in phun trực tiếp, ngay khi mực được in trên vật liệu in, đèn sấy UV chiếu tia UV để làm khô mực in nhanh chóng ngay sau khi in. Theo đó, đèn sấy sẽ đi theo bộ phận phun mực, khi mực vừa được phun lên bề mặt chất liệu in, tia UV sẽ được chiếu xuống ngay lập tức để làm khô nhanh chóng. Khi sử dụng công nghệ này, bạn có thể in nhiều màu cùng một lúc và in trên nhiều vật liệu in với độ dày khác nhau. Cụ thể:
- Máy in phun: Máy in phun thường được cung cấp tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Âu là chủ yếu. Những máy in UV đến tại thị trường Trung Quốc thường cho ra tốc độ nhanh nhưng bù lại sản phẩm sau khi in không đạt chất lượng cao như các dòng máy đến từ châu Âu.
- Đầu phun mực: Cho các hạt mực in siêu mịn, máy có thể gắn 6 đầu phun hoặc 8 đầu tùy vào khổ in cũng như máy in được sử dụng, máy in càng hiện đại đời mới thì sử dụng càng nhiều đầu phun, cho ra tốc độ in cũng như sản phẩm in khác nhau.
- Mực in UV: Đối với công nghệ in UV cần sử dụng một loại mực in thích hợp, nó phải khô nhanh dưới tác động của tia UV. Loại mực in UV được gọi là mực Violet Ultra. Nó vẫn là mực in trên các loại vật liệu, nhưng mực khô thông qua một quá trình hoàn toàn khác. Thay vì các dung môi trong mực bay hơi vào không khí và hấp thụ vào giấy, mực UV khô (curing) qua một quá trình quang hóa. Khi mực được tiếp xúc với tia cực tím (UV), chúng từ một chất lỏng, hoặc sệt, thành rắn lại. Có rất ít sự bay hơi của dung môi và hấp thụ mực vào các vật liệu. thế mực in UV là có rất ít khí thải của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi ra môi trường vì không có sự bay hơi của dung môi giống như với loại mực thông thường.
- Đèn sấy UV: Đây là loại đèn UV ánh sáng xanh (đèn UV LED hoặc UV thủy ngân) được gắn trực tiếp trên đầu phun mực chiếu tia UV mục đích để sấy khô hạt mực nhanh chóng, đèn UV được gắn sát trên đầu phun gần bản in, tia UV cho cường độ chỉ đủ sấy khô hạt mực, không có cường độ quá cao để ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì vậy in UV đảm bảo thân thiện với môi trường cũng như người sử dụng.
Ban đầu, ý tưởng đèn sấy UV không bắt nguồn từ ngành in ấn mà từ lĩnh vực làm đẹp. Khi đó, đèn UV được sử dụng để làm khô các bộ móng nhanh chóng sau khi sơn, chống lem màu, phá hỏng thiết kế. Nhận thấy công dụng của nó, họ áp dụng nó vào lĩnh vực in ấn.
Tựu chung, có thể hiểu ngắn gọn, công nghệ in UV gồm 2 công đoạn cơ bản:
- Đầu phun máy in phun mực lên bề mặt chất liệu in
- Đèn sấy UV đi theo đầu phun, sau khi mực được phun sẽ sấy khô mực ngay sau đó.
In UV dùng để làm gì?
Tùy nhu cầu, chất liệu in mà in UV được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống:
- In UV trên kính: Để làm vách kính văn phòng, vách kính phòng tắm, bảng hiệu kính, vách kính tủ trang trí… trang trí nội thất văn phòng, nhà ở, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng…
- In UV trên Backlit Film: Dùng để làm hộp đèn quảng cáo, hộp đèn xuyên sáng.
- In UV trên vải: Làm tranh, in áo phông, cặp sách, balo, decal vải
- In UV trên giấy: In tem nhãn giấy (in tem bảo hành, in decal vỡ, in tem QC, in tem kiểm kê tài sản, in tem lỗi, in tem 7 màu), bìa sách, thiệp cưới, tranh dán tường…
- In UV trên bạt: Làm phông bạt quảng cáo, băng rôn, khẩu hiệu…
- In UV trên Mica: Làm bản hiệu, bảng tên nhân viên, bảng công ty, bảng số nhà…
- In UV trên nhựa: In tem nhãn nhựa (nhựa trong, nhựa sữa…)
- In UV lên gỗ: quà lưu niệm, tranh gỗ, hộp gỗ…
- In UV trên gạch: gạch ốp tường, gạch ốp tranh 3D…
Ưu – nhược điểm của công nghệ in UV
Ưu điểm khi in UV
In trên được nhiều chất liệu: Công nghệ in UV sử dụng mực UV, đây là mực gốc dầu có thể bám trên nhiều chất liệu như: kính, gỗ, vải, giấy… đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Cũng bởi mang tính ứng dụng cao vậy nên in UV sử dụng nhiều trong lĩnh vực quảng cáo: làm logo, biển chữ nổi, hộp đèn quảng cáo…
Mực in khô nhanh: Công nghệ in UV được trang bị hệ thống sấy khô bằng đèn UV nên tốc độ sấy cực nhanh, có thể làm khô hoàn toàn màu mực in và độ phủ của mực chỉ qua một lần sấy ở tốc độ tối đa của máy in. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, bản in có thể chuyển sang giai đoạn gia công hoặc giao cho khách hàng mà không phải chờ đợi. Đặc biệt, bản in không phát sinh nhiệt, không hấp thụ nhiệt, đảm bảo bề mặt sản phẩm không bị biến đổi, không sinh ra mùi độc hại.
Cho chất lượng bản in tốt: Đèn sấy UV giúp mực in bám màu tốt hơn, bền màu, lâu phai ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (nóng ẩm, nhiệt độ cao), màu sắc bản in rõ nét, tươi sáng, không bị lem, nó còn chống nước, chống xước. Hơn nữa, bạn có thể in đồng thời nhiều lớp màu hoặc nhiều màu một lúc tạo hiệu ứng 3D cho hình ảnh thêm sống động, nhất là những họa tiết, hoa văn luôn đảm bảo được độ sắc nét, thì khi cầm trên tay bạn bạn có thể thấy rõ và cảm nhận được sự khác biệt này, hình ảnh in luôn có độ sâu và độ tương phản tốt hơn. Độ bền trên sản phẩm in uv có thể kéo dài từ 5 – 15 năm khi treo trong nhà, độ bền từ 1 – 5 năm đối với ứng dụng quảng cáo ngoài trời.
Mực có độ dày lớn: So với những công nghệ in khác thì mực in UV được đánh giá cao hơn hẳn về chất lượng. Mực bản in tươi, khi sờ vào cảm nhận rõ độ dày của lớp mực, điều này tạo nên độ tương phản cao cho bản in.
An toàn với người tiếp xúc: Mực UV sản xuất theo quy trình chuẩn quốc tế, đảm bảo khắt khe, lượng chất thải vô cơ độc hại thải ra môi trường ít hơn. Do vậy công nhân làm việc trong các xưởng in UV cũng an toàn, đảm bảo sức khỏe hơn. Đối với người sử dụng thì các ấn phẩm được in bằng công nghệ UV cũng sẽ an toàn, không gây độc hại nhiều.
Tốc độ in nhanh chóng: In UV bạn không cần thao tác chuẩn bị bề mặt in. Thế nên, thời gian in được rút ngắn đi. Không chỉ thể, việc mực UV khô ngay trong quá trình in cũng góp phần tăng tốc quy trình in.
Nhược điểm của in UV
Ngoài ưu điểm trên thì in UV cũng có 1 số điểm yếu như:
- Mực in sẽ không tự khô nếu thiếu hệ thống đèn sấy thông minh UV cũng là một nhược điểm tương đối lớn của công nghệ in UV.
- Khó sửa bản in: Mực UV có đặc tính bám chặt vào vật liệu in nên trong quá trình in nếu có lỡ bị vấy bẩn ra ngoài thì rất khó lau chùi và xử lý, cách duy nhất là in lại từ đầu. Vì vậy yêu cầu người kỹ thuật in phải thật cẩn thận và khéo léo.
- Giá in UV cao hơn in thông thường: máy in UV có giá đầu tư khá cao, mực in UV, thiết bị, đầu phun, chất tẩy rửa cũng đắt hơn do phải nhập khẩu từ nước ngoài Do vậy chi phí in UV thường khá đắt hơn các loại hình in khác như: In offset, in Flexo…
In UV sử dụng chất liệu và mực in gì?
In UV là một trong những công nghệ in ứng dụng được trên nhiều chất liệu nhất hiện nay. Không giống in Flexo chủ yếu trên chất liệu mỏng, dẻo, có thể cuộn được hay in Offset yêu cầu chất liệu in dẻo và bề mặt nhẵn phẳng, in UV sử dụng trên nhiều chất liệu với độ dày và trạng thái khác nhau.
Ngoài các chất liệu cơ bản như giấy, nhựa dẻo, vải, xi bạc, in UV còn có thể ứng dụng trên các chất liệu cứng, dày và khó bắt mực như: gỗ, kính, mica, đá, kim loại,… Lớp mực UV sẽ bám chắc trên bề mặt, có hơi nổi lên trên bề mặt, bền màu, lâu phai.
Về mực in sử dụng cho công nghệ in UV, có hai loại là mực UV gốc dầu và mực UV gốc nước. Theo đánh giá chung thì mực UV gốc dầu bóng hơn mực UV gốc nước, cùng với đó khả năng hiển thị và độ bền tốt hơn.
Mực UV gốc nước còn được sấy bằng hệ thống đèn sấy hồng ngoại, giá thành in ấn khi sử dụng loại mực này rẻ hơn. Đối với mực in UV gốc dầu có chất lượng cao, chịu nắng, chống nước khá tốt, thời gian bền màu lâu, bản in sử dụng được trên 5 năm và giá thành in cũng cao hơn.
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn tại:
Khi nào thì nên sử dụng in UV?
Mặc dù giá thành in ấn sử dụng công nghệ UV cao hơn so với in Flexo hay in Offset, tốc độ in số lượng lớn cũng chậm hơn. Tuy nhiên, nó vẫn được nhiều khách hàng lựa chọn khi cần in ấn nhanh số lượng nhỏ và yêu cầu bản in chất lượng tốt, màu đẹp, bền màu, lâu phai.
- In nhanh số lượng nhỏ: Vì mực in được sấy khô ngay sau khi in, đồng thời tốc độ in ấn của máy in UV nhanh nên công nghệ này sẽ phù hợp với những khách hàng muốn in nhanh. Tuy nhiên, máy in UV có công suất nhỏ hơn, mặc dù tốc độ in nhanh nhưng nếu in số lượng lớn sẽ vẫn chậm hơn so với Flexo và Offset. Do đó, nó sẽ phù hợp hơn nếu in số lượng nhỏ.
- Chất lượng bản in đẹp: Mực UV được phun trực tiếp lên bề mặt chất liệu in theo cài đặt tự động của máy in. Do đó, hình ảnh in hiện lên sống động, chân thực, màu đậm và đúng với bản mẫu. Thêm vào đó, vì được sấy UV ngay sau khi in nên mực khô nhanh, bám chắc trên bề mặt, không bị nhòe, bị bay màu, bền với thời gian.
Quy trình in UV gồm những bước nào?
Quy trình in UV gần giống quy trình in phun thông thường, chỉ khác về phương pháp làm khô mực. In phun thông thường để mực bay hơi và khô dần theo thời gian, còn in UV sử dụng tia UV sấy khô mực nhanh. Sau khi mực được in trên giấy, đèn sấy sẽ chiếu tia UV lên bề mặt để làm khô mực in. Các bước cụ thể như sau:
- Bước 1: File thiết kế được chuyển từ máy tính sang máy in.
- Bước 2: Máy in tiếp nhận hình ảnh và chuyển tín hiệu đến các đầu phun.
- Bước 3: Các đầu phun nhận được tín hiệu và thiết lập vị trí đầu phun phù hợp với bản thiết kế.
- Bước 4: Mực được phun lên bề mặt chất liệu in đúng vị trí đã cài đặt nhờ tác động của xung điện và đầu dò điện áp kết hợp với chuyển động của dây và cần trục gắn đầu phun mực.
- Bước 5: Ngay khi mực được phun xuống bề mặt vật liệu in, đèn sấy UV sẽ chiếu tia UV làm khô mực in nhanh chóng.
Sau khi in xong, xưởng in có thể giao ngay cho khách hàng mà không mất thời gian chờ mực khô. Nếu muốn bảo vệ bề mặt in tốt hơn, khách hàng có thể yêu cầu cán màng bề mặt bản in.