PR được xem là một thành tố không thể thiếu nằm trong chiến lược Promotion của Marketing Mix 4P. Tuy nhiên, khác với Quảng cáo, PR sẽ giúp thương hiệu và sản phẩm tiếp cận khách hàng một cách gián tiếp hơn và mang lại hiệu quả trong dài hạn. Trong đó, các công cụ truyền thông chính được sử dụng trong chiến lược PR của các nhãn hàng hiện nay phải kể đến như: Social Media, Truyền thông báo chí, Câu chuyện thương hiệu, Tổ chức sự kiện,…
>>> Xem thêm: PR là gì? Điểm khác biệt giữa PR và quảng cáo như thế nào
Một số ví dụ về các chiến lược PR thành công
PR là công cụ được sử dụng phổ biến bởi hầu hết các thương hiệu trong mọi lĩnh vực hiện nay. Vậy các thương hiệu đã ứng dụng PR như thế nào để mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Cùng tìm hiểu về những hoạt động PR đã từng làm mưa làm gió trên thị trường nhé!
Chiến lược PR của Coca Cola
Coca Cola là một trong những thương hiệu sở hữu nhiều chiến dịch PR ấn tượng, độc đáo nhất hiện nay. Thương hiệu này có một nguyên tắc PR rất hiệu quả “Liquid & Linked” – Luôn mềm mỏng và linh hoạt để sẵn sàng thích ứng với mọi trường hợp, nhưng cũng cần sự liên kết xuyên suốt các hoạt động. Và đặc biệt, thương hiệu này rất chú trọng vào tính cảm xúc trong từng thông điệp và hoạt động PR, được ví như bậc thầy của các chiến lược truyền cảm hứng. Phải kể đến “Share a coke…” – một chiến dịch truyền thông từng gây bão năm 2011 và cho đến nay, chiến dịch này vẫn luôn là một case study kinh điển trong PR – Truyền thông. Trong đó, Big Idea sáng tạo được xem là yếu tố chủ chốt cho sự viral cực khủng của chiến dịch này. Share a Coke được lấy cảm hứng từ sự kết nối giữa con người trong thời buổi công nghệ số. Khi mạng xã hội, internet phát triển, mọi người ngày càng xa cách và thiếu sự kết nối trực tiếp với nhau hơn. Coca Cola đã lựa chọn những cái tên phổ biến nhất ở mỗi quốc gia, bắt đầu với 150 cái tên tại Australia để in lên vỏ chai cùng với thông điệp “shake a coke with…”. Nhanh chóng, chiến dịch khiến mọi người đổ xô đi tìm những chai Coca có in tên người thân, bạn bè,… Chiến dịch đình đám này giúp Coca Cola đã tăng tới 7% doanh thu bán hàng, nhận 18 triệu media impressions và tăng trưởng traffic Facebook tới 870%.
Chiến lược PR của Vinamilk
Vinamilk cũng sở hữu những chiến lược PR rất khéo léo, điển hình như chuỗi hoạt động “Vinamilk 40 năm Vươn Cao Việt Nam”. Chiến dịch này được thực hiện vào năm 2016, đánh dấu hành trình 40 năm của thương hiệu sữa đình đám Việt Nam. Vì vậy, thông điệp 40 năm & thương hiệu Việt trở thành big idea chính của chiến dịch. Quá trình triển khai được nhãn hàng phối hợp sử dụng nhiều công cụ truyền thông đa dạng như: TVC, Social Media kết hợp cùng hàng loạt KOL nổi tiếng và các Hotpage lớn, các hoạt động CSR hướng tới cộng đồng, tuyến bài PR rầm rộ cùng các hoạt động event offline,… Trong đó, “Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam” là hoạt động CSR rất ý nghĩa được Vinamilk sử dụng trong chiến dịch lần này. Qũy sữa giúp Vinamilk thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng khi trao tặng 40.000 ly sữa cho trẻ em nghèo tại 40 tỉnh thành khắp cả nước.
Lợi ích của chiến lược PR
Có 5 lợi ích chính khiến cho PR trở thành một trong những công cụ marketing được ưu tiên hàng đầu ở mọi doanh nghiệp hiện nay.
Thúc đẩy giá trị thương hiệu
PR giúp nhãn hàng mang những hình ảnh tốt đẹp của thương hiệu đến gần hơn với cộng đồng, thể hiện trách nghiệm của nhãn hàng đối với xã hội thông qua các hoạt động ý nghĩa như CSR. Từ đó, vị thế và giá trị của thương hiệu được gia tăng đáng kể. Đây cũng là công cụ giúp nhãn hàng bảo vệ danh tiếng khi đứng trước những rủi ro về khủng hoảng truyền thông, cải thiện hình ảnh trong mắt công chúng.
Thuyết phục và tạo dựng lòng trung thành của khách hàng
PR truyền tải thông điệp vào sâu bên trong nhận thức và trái tim của khách hàng. Vì vậy, chiến lược PR có khả năng tạo nên sự sự gắn kết sâu sắc, lâu dài hơn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Từ đó, PR không chỉ tăng khả năng chuyển đổi cho các chiến dịch Marketing mà còn xây dựng nên sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu.
Thu hút các nhà đầu tư
Đối tượng của PR không chỉ là người tiêu dùng, mà còn là các nhà đầu tư. PR thể hiện hình ảnh của một doanh nghiệp phát triển vững mạnh, khiến cho các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của doanh nghiệp.
Tối ưu chi phí Marketing
Chiến lược PR được đánh giá là tiết kiệm chi phí nhiều hơn so với quảng cáo. Một số hoạt động PR mà doanh nghiệp có thể tự thực hiện, không mất chi phí marketing thuê ngoài như sáng tạo nội dung.
PR có mức độ tin cậy cao
PR mang hình ảnh thương hiệu và sản phẩm tiếp cận gián tiếp tới công chúng. Thay vì trực tiếp quảng bá sản phẩm, góc nhìn mà PR mang lại có tính khách quan hơn. Công cụ trước tiên sẽ đem lại những giá trị thiết thực hơn cho cộng đồng, ví như: các hoạt động từ thiện, CSR, hội thảo,… Vì vậy, niềm tin của khách hàng đối với PR lớn hơn nhiều so với quảng cáo.
7 Loại hình PR thường gặp trong Marketing
7 loại hình chính được sử dụng phổ biến trong các chiến lược PR của doanh nghiệp hiện nay phải kể đến như:
Truyền thông báo chí
PR báo chí là khái niệm rất quen thuộc đối với người làm marketing và cũng chính là một bộ quan trọng trong chiến lược PR. Đây là hoạt động mà doanh nghiệp cần kết nối và xây dựng mối quan hệ với các trang báo chí, tin tức lớn. Từ đó khuyến khích và hợp tác với họ để đăng tải những thông tin, hình ảnh tích cực về thương hiệu. Các nội dung PR báo chí khá đa dạng như: Thông cáo báo chí, Phỏng vấn chuyên gia, Song hành các tuyến chuyên đề nội dung, PR trực tiếp về thương hiệu, sản phẩm,…
Social Media – Truyền thông qua mạng xã hội
Tốc độ viral mạnh mẽ khiến mạng xã hội trở thành một trong những công cụ PR mà doanh nghiệp không thể bỏ qua. Các hình thức PR trên Social Media ngày càng đa dạng từ việc sản xuất các nội dung chia sẻ kiến thức, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, cho tới các chương trình như mini contest, challenge,…
Truyền thông nội bộ
Truyền thông nội bộ là hoạt động PR nhằm củng cố các mối quan hệ bên trong doanh nghiệp thông qua các hoạt động gắn kết nhân viên. Điển hình như: Team building, hoạt động khen thưởng, tôn vinh nhân viên, chúc mừng ngày sinh nhật, các bản tin nội dung, chương trình chia sẻ,…
Quản trị khủng hoảng
Trước tiên PR mang đến hình ảnh tốt đẹp về thương hiệu, giảm thiểu rủi ro khi có khủng hoảng xảy ra. Tiếp đó, khi xảy ra khủng hoảng, các chiến lược PR có khả năng xoa dịu dư luận như: Thông cáo báo chí xin lỗi, đền bù thiệt hại, đưa ra văn bản giải thích,….
Tổ chức sự kiện
Tổ chức sự kiện là một hình thức PR gần gũi và chân thật hơn khi doanh nghiệp và khách hàng, đối tác có thể tương tác một cách trực tiếp. Qua đó, người tiêu dùng hay nhà đầu tư có thể hiểu hơn về thương hiệu, sản phẩm dịch vụ và hoạt động của doanh nghiệp. Một số loại hình sự kiện có thể kể đến như: Kỷ niệm doanh nghiệp, Hội thảo chia sẻ kiến thức liên quan đến sản phẩm,…
Trách nhiệm xã hội (CSR)
Cải thiện hình ảnh nhân văn của doanh nghiệp trong mắt công chúng với các hoạt động CSR là mục tiêu quan trọng trong chiến lược PR hiện nay. Các hoạt động CSR phổ biến như: bảo vệ môi trường, trách nghiệm bảo vệ người lao động, đóng góp cho các hoạt động xã hội,… Ví dụ như chiến dịch CSR của Tập đoàn Tôn Hoa Sen vào năm 2017: Nhãn hàng đã trao tặng 6.100 mét tôn cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi bão Damrey.
Quan hệ cộng đồng
Quan hệ cộng đồng là các hoạt động nhằm tạo dựng mối quan hệ thân thiết với cộng đồng địa phương. Các loại hình quan hệ cộng đồng có thể kể đến như: quyên góp cho các chương trình của cơ quan nhà nước tại địa phương, chăm sóc hoặc giảm giá đặc biệt cho người dân trong cộng đồng,…
>>> Xem thêm: Cách viết bài PR mẫu đúng chuẩn với 3 công thức cốt lõi
7 bước hoạch định chiến lược PR hoàn hảo
Để xây dựng một chiến lược PR hiệu quả, doanh nghiệp nên xây dựng theo quy trình 7 bước như sau:
Bước 1: Xác định mục tiêu PR
Có thể xác định mục tiêu của PR dựa trên mô hình SMART: Specific (Cụ thể), Measurable (Đo lường được), Actionable (Có thể thực hiện được), Relevant (Liên quan), Time-Bound (Thời hạn đạt được). Một số mục tiêu hướng đến của các hoạt động PR như: Tăng số lượt tương tác với thương hiệu trên social media, tăng lượng traffic đến website, tăng lượng đề cập tích cực & tìm kiếm về thương hiệu,…
Bước 2: Xác định đối tượng mục tiêu
Đối tượng mục tiêu quyết định thông điệp và cách thức truyền tải chúng. Vì vậy, trong chiến lược PR cần xác định rõ: Đối tượng mục tiêu của PR là ai? Nhu cầu và insight của họ là gì? Có thể tiếp cận họ thông qua những kênh truyền thông nào? Trong đó có hai nhóm đối tượng chính cần được quan tâm trong các chiến dịch PR là:
- Khách hàng: Họ là những người sẽ mua, sử dụng sản phẩm
- Các bên liên quan: Báo chí, nhà đầu tư, cơ quan chính quyền,….
Bước 3: Xây dựng thông điệp chính – Key Messages
Dựa trên insight khách hàng mục tiêu và đặc điểm thương hiệu, hãy xác định thông điệp chính sẽ bao phủ toàn bộ hoạt động và chiến lược PR của thương hiệu. Thông thường, một thông điệp PR hiệu quả sẽ bao gồm những đặc điểm sau:
- Ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ
- Độc đáo, ấn tượng
- Chạm đúng insight độc giả, truyền cảm hứng mạnh mẽ
Ngoài ra, cần lưu ý những điều cần tránh khi tạo thông điệp như: không sử dụng các từ ngữ địa phương, không sử dụng từ nhạy cảm,…
Bước 4: Lựa chọn các kênh truyền thông
Theo đối tượng và mục tiêu, hãy lựa chọn những kênh truyền thông có sự phù hợp nhất cho chiến lược PR của bạn. Ví dụ như đối tượng tượng mục tiêu là những khách hàng trẻ, nhãn hàng có thể lựa chọn một số kênh PR như: Mạng xã hội, Báo điện tử, Tổ chức sự kiện,… Còn đối với mục tiêu là các nhà đầu tư nhãn hàng có thể lựa chọn những kênh thông tin uy tín như thông cáo báo chí.
Bước 5: Xây dựng kế hoạch và phân bổ ngân sách cho từng hoạt động
Xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động bao gồm: thời gian thực hiện, nhân sự thực hiện,… Tiếp đó, doanh nghiệp cần đánh giá mức độ quan trọng của từng đầu mục công việc để đưa ra thứ tự ưu tiên, đồng thời phân bổ ngân sách chi tiết từng hoạt động.
Bước 6: Triển khai và theo dõi chiến lược PR
Quá trình triển khai chiến dịch cần được theo dõi sát sao để đảm bảo các hoạt động đang đi đúng tiến độ và đúng với mục tiêu ban đầu của chiến dịch.
Bước 7: Đo lường và đánh giá hiệu quả PR
Đo lường các chỉ số xoay quanh từng hoạt động trong chiến lược để đưa ra đánh giá hiệu quả. Ngoài những hoạt động có thể đo lường, nhãn hàng cũng cần theo dõi phản hồi của công chúng để có được cái nhìn khách quan hơn. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho các hoạt động về sau. Lời kết
PR vẫn luôn là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược Marketing tổng thể của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên để có được một chiến lược PR hiệu quả, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư kỹ lưỡng từ việc xác định các key message, kênh truyền thông phù hợp với đối tượng cho đến quá trình triển khai và theo dõi hiệu quả của từng hoạt động. Hi vọng với những kiến thức từ Malu sẽ giúp bạn xây dựng một chiến lược PR thành công.