Ra đời vào giữa năm 1996 – Trung Nguyên từng là 1 nhãn hiệu cà phê non trẻ của Việt Nam, nhưng đã nhanh chóng tạo dựng được uy tín và trở thành thương hiệu cà phê quen thuộc nhất đối với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Để đạt được thành công này, Trung Nguyên đã triển khai những chiến lược Marketing một cách hiệu quả. Hãy cùng phân tích và tìm hiểu chiến lược Marketing của Trung Nguyên trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu tổng quan về thương hiệu cà phê Trung Nguyên
Theo Wikipedia, Công ty Cổ Phần Tập đoàn Trung Nguyên xuất thân là một quán cà phê nhỏ được thành lập bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê Việt Nam. Trung Nguyên hoạt động chính trong lĩnh vực: sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê và nhượng quyền thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu Việt Nam.
Về lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê, Tập đoàn có những sản phẩm tiêu biểu như: cà phê Trung nguyên cao cấp (cà phê chồn Weasel, cà phê chồn Legendee, sáng tạo 8), cà phê rang xay, cà phê hạt nguyên chất, cà phê hòa tan G7, cà phê tươi. Đến nay, sản phẩm của Trung Nguyên đã được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, tiêu biểu như: Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản…
Về lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu, Công ty Cổ Phần Trung Nguyên Franchising đã được thành lập năm 2011 để quản lý chuỗi không gian cà phê Trung Nguyên. Đến nay, Tập đoàn đã nhượng quyền thành công hai thị trường vô cùng phát triển là Nhật Bản và Singapore.
Về quy mô sản xuất, Tập đoàn hiện có 3 nhà máy: 1 nhà máy cà phê tại Sài Gòn, 2 nhà máy cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương và Bắc Giang cùng với đó là trang thiết bị máy móc hiện đại có thể cung cấp ra thị trường những sản phẩm cà phê chất lượng nhất, thơm ngon nhất, xứng danh thương hiệu cà phê của người Việt.
Hành trình của Trung Nguyên từ khi khởi nghiệp tới nay luôn là một Hành trình Phụng sự cho cộng đồng và cam kết này đang được thúc đẩy mạnh mẽ qua “Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho Thanh niên Việt” để trao tới cộng đồng không chỉ ly cà phê năng lượng tuyệt hảo mà còn là công thức thành công cho mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức, cộng đồng thông qua những cuốn sách quý đổi đời.
Phân tích chiến lược Marketing của cà phê Trung Nguyên
Với khát vọng chinh phục thế giới, nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam trên toàn cầu, Tập đoàn Trung Nguyên liên tục sáng tạo và hoàn thiện hệ sinh thái cà phê toàn diện, khác biệt, đặc biệt và duy nhất, từ hệ sản phẩm – mô hình – dự án, cùng những chương trình phụng sự xã hội trong suốt 24 năm phát triển.
Để đạt được những thành công trên,Trung Nguyên đã xây dựng và triển khai những chiến lược Marketing Mix theo mô hình 4P hiệu quả. Vậy chiến lược Marketing của Trung Nguyên là gì? Trung Nguyên đã triển khai chiến lược Marketing Mix như thế nào?
Chiến lược Marketing của cà phê Trung Nguyên về sản phẩm (Product)
Sản phẩm luôn là cốt lõi của mọi doanh nghiệp, và một sản phẩm tốt cần đáp ứng được nhu cầu cũng như mong muốn của khách hàng, nếu không sẽ bị đối thủ giành mất thị phần hay thậm chí bị đào thải khỏi thị trường.
Hiện nay danh mục sản phẩm của cà phê Trung Nguyên rất đa dạng và phong phú bởi mục tiêu của thương hiệu này là tiếp cận mọi phân khúc khách hàng, đáp ứng tất cả nhu cầu của họ từ sản phẩm cao cấp đến sản phẩm phổ thông. Một số sản phẩm nổi bật có thể kể đến: Cà phê hòa tan G7, Cà phê chế phin, Cà phê S, Cà phê Legend… Những sản phẩm này đều có mức giá bình dân, từ đó cũng chinh phục mọi đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, Trung Nguyên cũng cho ra đời những sản phẩm cà phê thượng hạng như: Cà phê chồn (Weasel), một loại cà phê đắt và cũng hiếm nhất thế giới. Sản phẩm tinh tế, đẳng cấp này là tặng phẩm đặc biệt chỉ dành cho những người thực sự sành cà phê, những nhà lãnh đạo, những nhà kiến tạo tương lai của thế giới. Đây cũng là sản phẩm được bộ ngoại giao chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia và chọn làm đại sứ ngoại giao văn hóa.
Không chỉ chú trọng vào đa dạng hóa danh mục sản phẩm, Trung Nguyên luôn quan tâm đến chất lượng, mùi vị của cà phê. Từ việc chọn kỹ lưỡng từng hạt cà phê cho tới trang bị các thiết bị xay nghiền tối tân công với phương thức rang và sấy độc đáo đã tạo nên hương vị độc đáo riêng cho từng ly cà phê của Trung Nguyên.
Ngoài ra, Trung Nguyên đã áp dụng chiến thuật “cá nhân hóa” bằng cách để khách hàng tìm hiểu về sự khác biệt của từng loại cà phê khác nhau: Cà phê Robusta, Cà phê Arabica, Cà phê chồn,… Hay dòng sản phẩm G7 Passiona dành riêng cho phái đẹp với hàm lượng cafein thấp, bổ sung collagen, chất chống lão hóa, cùng với một số loại thảo mộc Phương Đông và đường ăn kiêng.
Chiến lược Marketing của cà phê Trung Nguyên về giá (Price)
Giá (Price) là một trong bốn yếu tố cấu thành quan trọng trong marketing mix. Nó đóng vai trò quyết định trong việc mua hàng của người tiêu dùng, còn đối với công ty, giá có vai trò quyết định việc cạnh tranh trên thị trường. Việc đưa ra chiến lược giá trong marketing có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo McKinsey, chỉ cần cải thiện yếu tố giá 1% sẽ làm tăng lợi nhuận lên 6% . Điều đó có tác động hơn cả việc giảm 1% chi phí biến đổi (làm tăng lợi nhuận 3,8%) hoặc giảm 1% chi phí cố định (làm tăng 1,1% lợi nhuận).
Đọc thêm: Định giá sản phẩm là gì? 10 chiến lược định giá sản phẩm phổ biến trong marketing
Có thể nhận thấy giá cả các sản phẩm của Trung Nguyên rất đa dạng. Tùy thuộc vào loại sản phẩm và phân khúc thị trường, cũng như khách hàng mục tiêu của loại sản phẩm đó mà mức giá cũng khác nhau nhằm tạo điều kiện phù hợp với khả năng chi tiêu của nhiều nhóm khách hàng.
Chỉ khoảng từ 7000 cho đến 14000 đồng, mọi người hoàn toàn có thể thưởng thức một ly cà phê của Trung Nguyên tại quán cà phê mang thương hiệu này. Hay nếu khách hàng ưa thích các sản phẩm cà phê hòa tan G7, họ cũng dễ dàng mua cho mình sản phẩm ưa thích với giá cả cực kì phải chăng ( 21.000 – 200.000đ).
Chính vì vậy, chiến lược giá của cà phê Trung Nguyên đã chiếm ưu thế cạnh tranh so với những dòng sản phẩm khác như: nescafe, vinacafe,…
Chiến lược Marketing của cà phê Trung Nguyên về hệ thống phân phối (Place)
Thông qua việc sử dụng đúng hệ thống phân phối, một công ty có thể tăng doanh số và duy trì những số liệu tích cực trong một khoảng thời gian dài hơn. Điều này có nghĩa là một thị phần lớn hơn và tăng doanh thu và lợi nhuận.
Xác định vị trí chính xác là một hoạt động quan trọng mà nó được tập trung vào việc tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu vào đúng thời điểm.
Hiện tại với 10 công ty thành viên, Trung Nguyên có tham vọng trở thành nhà cung cấp, phân phối lớn của Việt Nam. Với mặt hàng chính là cà phê, Trung Nguyên đã tận dụng cả những hình thức phân phối truyền thống và hiện đại nhằm đạt được mục tiêu của mình.
Để đảm bảo hệ thống phân phối làm việc hiệu quả nhất, Trung Nguyên đã thiết lập 5 chi nhánh tại hầu hết các thành phố lớn tại Việt Nam bao gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ.
Về các kênh phân phối, thương hiệu này hiện có 3 kênh phân phối chính: Kênh truyền thống, kênh hiện đại và hệ thống nhượng quyền.
Đối với kênh truyền thống
Trong kênh có 3 cấp để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng: nhà bán sỉ (nhà phân phối), nhà bán lẻ ( điểm bán hàng và cửa hàng bán lẻ như tiệm tạp hóa) và người tiêu dùng. Con số được cập nhật đến 2010, Trung Nguyên có 4 nhà máy sản xuất cà phê rang, 2 nhà máy chế biến cà phê hòa tan trên toàn Việt Nam, mạng lưới 600 quán cà phê tại Việt Nam, 121 nhà phân phối độc quyền, 7.000 điểm bán hàng và 59.000 cửa hàng bán lẻ sản phẩm.
Ở kênh truyền thống, cà phê Trung Nguyên chủ yếu phân phối các loại cà phê trung và đại trà, bởi các sản phẩm này được người tiêu dùng đón nhận nhiều nhất, cùng với mức giá vừa phải dễ tiếp cận tới đại đa số khách hàng.
Đối với kênh hiện đại (hệ thống G7 Mart)
G7 Mart là hệ thống bán lẻ theo hình thức nhượng quyền đầu tiên ở Việt Nam, với 200 nhà cung cấp cho toàn bộ chuỗi cửa hàng G7 trên cả nước. Theo tầm nhìn của Trung Nguyên, hệ thống G7 Mart ra đời để đáp ứng thói quen mua sắm nhỏ lẻ của người dân Việt Nam. Với thói quen mua sắm gần nhà, vì vậy, G7 Mart thường là cửa hàng có quy mô nhỏ như tiệm tạp hóa hay chuỗi cửa hàng tiện lợi. Với hệ thống này, Trung Nguyên phân phối tất cả các loại cà phê, ngoài ra còn phân phối các sản phẩm khác.
Chính vì vậy, G7 Mart khắc phục được nhược điểm còn tồn đọng ở hình thức phân phối truyền thống là các cửa hàng tạp hóa khi định giá bán thấp, đồng nhất, bảo đảm giống như 1 siêu thị và ứng dụng công nghệ trong quá trình quản lý. Việc ra đời hệ thống G7 mart thể hiện tầm nhìn chiến lược và tham vọng muốn giành thế vững trên hệ thống phân phối ở thị trường Việt Nam.
Đối với hệ thống nhượng quyền (quán cà phê)
Trung Nguyên là thương hiệu Việt Nam đầu tiên áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền trong nước và quốc tế từ năm 1998, chỉ hai năm sau khi xuất hiện trên thị trường. Chỉ trong một thời gian ngắn Trung Nguyên đã có khoảng 1,000 quán cà phê nhượng quyền trên cả nước và 8 quán ở nước ngoài như: Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Ba Lan, Ukraina.
Đối tượng khách hàng của hệ thống này nhắm vào những ai muốn thưởng thức hương vị và cảm nhận giá trị của cà phê. Vì vậy, các quán này chỉ phục vụ những loại cà phê chất lượng tốt nhất với công nghệ tối tân cùng đội ngũ phục vụ được đào tạo và am hiểu kỹ lưỡng về cà phê. Từ đó, thể hiện được giá trị tinh hoa của cà phê, không chỉ cung cấp cà phê mà còn là cung cấp sự thỏa mãn, giá trị tinh thần của cà phê.
>> Đọc thêm: Chiến lược phân phối của Trung Nguyên – Đưa thương hiệu cà phê Việt ra thế giới
Chiến lược Marketing của cà phê Trung Nguyên về xúc tiến hỗn hợp (Promotion)
Xúc tiến là một hoạt động kinh doanh cần thiết để bắt kịp nhịp độ với thị trường tiêu thụ. Tuy là một thương hiệu lớn, nhưng Trung Nguyên không quá chú trọng và đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông hay hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Một số chương trình nổi bật của thương hiệu này có thể kể tới: Mua 1 bình giữ nhiệt tặng 10 ly cà phê năng lượng, hay tổ chức mini game nhân ngày 20/10…
Bên cạnh đó, Trung Nguyên cũng hợp tác với các dịch vụ thanh toán như Moca cho ra mắt chương trình khuyến mãi 50% khi thanh toán qua nền tảng này.
Ngoài ra, Trung Nguyên cũng là một thương hiệu chịu khó đầu tư, thực hiện các TVC quảng cáo. Những clip này thường được chiếu vào khung giờ vàng tại các kênh thuộc đài truyền hình quốc gia như VTV1, VTV3…
Vì quá đẩy mạnh vào các chiến dịch, chương trình quảng cáo, thế nên Trung Nguyên chủ yếu tập trung vào hoạt động PR. Có thể nói để đạt được thành công hôm nay, một phần lớn là do kết quả của hoạt động “truyền thông, cổ động”.
Trung Nguyên đã thổi hồn dân tộc vào logo và slogan của mình, đề cao tính tự tôn dân tộc trong từng sản phẩm. So với slogan cũ dài dòng, Trung Nguyên đã thay thế bằng câu slogan mới “Khơi nguồn sáng tạo” dễ nhớ và gây ấn tượng với mọi người.
Tổng kết
Ra đời vào giữa năm 1996 -Trung Nguyên là 1 nhãn hiệu cà phê non trẻ của Việt Nam, nhưng đã nhanh chóng tạo dựng được uy tín và trở thành thương hiệu cà phê quen thuộc nhất đối với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Để đạt được thành công này, Trung Nguyên đã triển khai những chiến lược Marketing một cách hiệu quả.
Tham khảo thêm một số nội dung hay khác:
- Chiến lược marketing của Vietnam Airlines
- Chiến lược Marketing của Highlands Coffee
- Phân tích chiến lược marketing của Lazada