Anh Long cũng đề cập ở cuối bài viết rằng TripX có thể không phải là một sản phẩm thành công đối với cá nhân anh nhưng trải nghiệm này vẫn đem lại cho anh nhiều điều. Với những độc giả đang tìm hiểu về product cũng như có ước mơ khởi nghiệp của Careerly, Malu tin không phải chỉ những câu chuyện thành công mới mang lại cho các bạn nhiều bài học đắt giá. Với những độc giả đã có kinh nghiệm làm product, Malu hi vọng các bạn có thể tìm thấy đâu đó sự đồng cảm.
Quá trình tìm kiếm ý tưởng
Vào mùa thu năm 2017, khi đang trong quá trình làm việc tại Autonomous, mình nhận ra những công việc thường ngày không chiếm hết thời gian của mình, mình khá rảnh rỗi, đặc biệt là vào ban đêm và cuối tuần, mà nếu chỉ ngồi chơi thì rất phí thời gian. Mình nghĩ rằng nên làm gì đó để mang lại thêm giá trị nữa, bất kỳ cái gì.
Mình nghĩ ý tưởng theo 2 hướng chính. Mình tìm hiểu rất nhiều thứ xung quanh xem có những vấn đề nào chưa được giải quyết hay người dùng đang cần những gì để giải quyết nhu cầu của họ. Một cách tiếp cận khác là nhìn ra bên ngoài thế giới, nhìn vào Mỹ, vào Trung Quốc xem các thị trường nước bạn đang có những sản phẩm gì mà Việt Nam chưa có và xem mình có thể làm được gì tương tự ở Việt Nam không.
Cuối cùng, mình đi đến ý tưởng về sàn cho thuê xe tự lái tại thị trường Việt Nam. “Tự lái” ở đây có nghĩa là thuê xác xe và không có tài xế, người thuê xe phải tự lái xe, chứ không phải tự lái mang ý nghĩa trí tuệ nhân tạo (autonomous). Ở thị trường Mỹ có các bạn Turo, GetAround đang làm sản phẩm này và vẫn đang tồn tại tốt. Ở thị trường Việt Nam thì có bạn Mioto.vn cũng vận hành khá bài bản. Mình nghĩ cách tốt nhất để tìm hiểu là nên nói chuyện với Mioto.
Tháng 11 năm 2017, sau một quá trình tìm hiểu công ty Mioto, mình đã có số điện thoại của S — CEO của Mioto. Mình đã điện thoại trực tiếp cho S hẹn gặp nhau và nói chuyện. Sau ngày gặp S, mình nhận thấy tiềm năng của thị trường, và bắt tay vào việc xây dựng đội ngũ để build TripX.
TripX
Cái tên TripX cũng đến khá tình cờ. Nó được lấy cảm hứng từ tên SpaceX của Elon Musk*, một công ty mà mình rất ngưỡng mộ. TripX có nghĩa liên quan đến trip — chuyến đi, chuyến du lịch, và nó rất thân thiện, dễ đọc dễ nhớ. Thêm chữ X vào cuối tên làm nó khá bí ẩn và ma mị, và cũng ngắn gọn. Kết hợp với tên miền .vn làm sản phẩm có một chút gì đó tinh gọn, nhẹ nhàng.
Tụi mình build trang web và 2 app Android, iOS cho TripX trong vòng 4 tháng.
Build team
Ngay từ ngày đầu, mình đã nghĩ, để có thể xây dựng TripX trong ngành cho thuê xe tự lái này thì các nhân sự cốt cán mình cần là: công nghệ, vận hành và pháp lý. Mình nhắm được một số vị trí như backend, vận hành, Android, frontend web, UX/UI từ các bạn mình làm cùng trong ngành công nghệ từ trước, và mình còn thiếu iOS và pháp lý.
Để tiếp cận với các bạn này, mình đã xây dựng một slide dành riêng cho các bạn để nói về tiềm năng của thị trường và sản phẩm mà mình sắp xây dựng, để mời các bạn vào founding team. Để cho mọi người có thể cảm nhận sản phẩm tốt hơn, mình đã thuê một chiếc xe qua app Mioto để tự lái đi Vũng Tàu. Mình trình bày slide pitching cho các bạn tại quán cà phê ở Vũng Tàu về tiềm năng của thị trường, sản phẩm, tầm nhìn, và cùng mời mọi người vào team. Sau cùng, hầu như các bạn đều cùng đồng ý tham gia với mình, trừ vị trí vận hành.
Mình buộc phải đi tìm một người khác vận hành sản phẩm này, người mà mình nhắm về sau có thể làm được vị trí COO, đó là một chị từng làm cùng mình tại MoMo. Mình đã qua quán cà phê gần nhà chị, cũng pitch về ý tưởng sàn thuê xe tự lái này và chị đồng ý tham gia. Mình vui mừng khôn xiết vì chị là một người mà mình tin tưởng là rất giỏi, có chị trong team mình cực kỳ yên tâm.
Sau khi tiếp cận một vài lập trình viên iOS không thành công, bạn làm Android đã đề xuất là cậu ấy sẽ lập trình luôn cho iOS bằng cách dùng React Native — một framework có thể build được cả hai app cùng lúc, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hiển nhiên là mình vui vẻ như bắt được vàng.
Vậy là mình đã có đủ lập trình viên backend, mobile, web, design, vận hành và mình làm phần còn lại. Còn gì tuyệt hơn việc build được một team tech và vận hành tuyệt hảo như vậy chứ. Tụi mình bắt đầu làm việc tại ngôi nhà cấp 4 mà mình thuê nguyên căn. Tụi mình làm việc vào cuối tuần và buổi tối do ai cũng có công việc fulltime. Để duy trì team và tỉ lệ biểu quyết trong team, mình đã chia cổ phần cho mọi người và có trả một mức lương tượng trưng cho anh em, mỗi người từ 1–2 triệu.
Nhưng dòng đời nào có êm đềm được lâu. Được khoảng 1 tháng, chị làm vận hành quyết định rời team vì thấy bản thân không đủ commitment để đi với team được lâu dài. Khoảng 3 tháng, mình quyết định cho bạn backend nghỉ do bất đồng quan điểm dù cậu ấy build hệ thống từ đầu, thiết kế nên cả kiến trúc của TripX. Cậu ấy có những lúc tự ý làm một vài việc mà mình thấy ảnh hưởng đến sản phẩm và công ty, dù mình thử nói chuyện riêng vài lần nhưng không thể thay đổi. Vậy là mình phải đưa ra quyết định khó khăn để cậu ấy rời team vì điều này là cần thiết để tạo sự ổn định trong team.
Như vậy là team chỉ còn lại 3 người, một bạn sau chuyển từ frontend web sang fullstack lo cả web lẫn backend, một bạn lo cả Android lẫn iOS và mình làm đủ thứ còn lại, từ Operation, CS, Marketing, Design, Product, QA… Một team 3 người gọn nhẹ, nhưng đi được với nhau lâu dài. Qua quá trình tuyển dụng, sa thải, mình đã rút ra được rất nhiều bài học và giá trị về quản trị nhân sự.
Apply vào YC
YCombinator (YC) là một lò ấp (incubator) ở Silicon Valey của nhiều thiên tài về đầu tư như Paul Graham. Ai lọt qua được vòng phỏng vấn của YC thì sẽ được đào tạo, giúp đỡ rất nhiều, cả team được làm việc trong trụ sở của họ ở California và sẽ nhận được đầu tư thấp nhất là 120,000 USD. Các công ty từng nằm trong lò ấp của YC là Dropbox, Stripe… và rất nhiều công ty công nghệ đình đám khác. Rõ ràng YC là đích đến của nhiều startup và TripX cũng không ngoại lệ.
Mình đã submit vào YC rồi sau đó rủ bạn backend quay video giới thiệu về hai anh em lẫn TripX. Việc quay cũng vất vả do hai đứa đều phải học thuộc kịch bản tiếng Anh và quay qua phần mềm webchat whereby.com, lúc đó bạn backend lại không ở Việt Nam. Tuy nhiên, YC đã từ chối tụi mình. Không một tin tức nào phản hồi. Nhìn lại video tụi mình quay cũng sơ sài, và có thể do thị trường nhỏ, sản phẩm không quá nổi bật nên đã bị loại.
Vận hành sàn TripX
Ở thời điểm ban đầu, khi mà nền tảng chưa có xe nào, khách hàng nào, mình đã tiếp cận từng chủ xe để thuyết phục họ đăng tải xe lên TripX. Mình và chị vận hành đã gặp một đơn vị cho thuê xe truyền thống để giới thiệu về TripX và hiểu những khó khăn trong việc vận hành cho thuê xe. Qua quá trình tiếp cận chủ xe, mình đã học được rất nhiều điều về những vấn đề của chủ xe, cũng có nhiều insight mà mình chưa hề nghĩ tới, do đó sẽ cải tiến sản phẩm để phục vụ chủ xe tốt hơn.
Ngoài việc tiếp cận chủ xe trực tiếp tại công ty/nhà của họ (việc này mất khá nhiều thời gian), mình đã lên Chợ Tốt, vào mục cho thuê xe ô tô, để lấy tất cả các số điện thoại của chủ xe họ đã đăng tải lên mạng. Ngoài ra, số điện thoại chủ xe cũng dễ dàng kiếm được trên Facebook, các website mình tìm trên Google. Mình gọi điện thoại trực tiếp cho tất cả những số điện thoại mình lấy được, xưng là nhân viên của sàn TripX và mời họ đăng tải xe lên sàn.
Vào thời điểm đầu, nhiều chủ xe còn quan ngại khi họ không biết TripX là sàn nào, chưa nghe tên bao giờ, không biết có an toàn khi cho thuê xe không. Sau khi nghe mình trình bày cũng chân tình, nên dần dần họ cũng đã bị thuyết phục để đăng tải xe lên hệ thống. Quá trình thuyết phục các xe đăng lên hệ thống cũng mất một khoảng thời gian khá lâu.
Mình cũng đã chi một số tiền nho nhỏ để quảng cáo TripX đến với các chủ xe, thông qua Facebook, để từ đó chủ xe có thể tiếp cận với TripX và chủ động đăng xe lên. Lúc chủ xe đăng xe lên và app/web đang ở giai đoạn đầu thì lỗi tùm lum, crash hàng ngày, mình đã phải đến tận nhà của chủ xe để xem cụ thể họ gặp lỗi gì, trên thiết bị gì. Rõ ràng là sản phẩm khi tung ra thị trường thì người dùng sử dụng với rất nhiều kiểu mà mình cũng không ngờ được, và có khi không hiểu được tại sao trên máy người dùng lại bị lỗi.
Sau khi đã đạt được một lượng chủ xe đăng tải xe lên hệ thống, mình bắt đầu tiếp cận khách thuê. Bạn biết đấy, mô hình sàn luôn luôn là hai chiều, người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, TripX đóng vai trò trung gian. Ở mô hình của TripX, mình tiếp cận chủ xe trước để đăng xe lên hệ thống, sau đó mới tiếp cận khách hàng để hướng họ vào trang web thuê xe. Điều này gây ra một nhược điểm nho nhỏ, nhưng có thể chấp nhận được ở thời điểm ban đầu. Đó là thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng phàn nàn rằng sàn TripX ít khách, đăng xe lên mãi mà không thấy khách thuê. Điều này dễ hiểu thôi, ở thời điểm ban đầu khi mình mới tiếp cận chủ xe mà chưa có khách thuê thì hiển nhiên là không có ai thuê xe cả.
Mình PR TripX lên vài kênh như quảng cáo Facebook, đi spam/seeding ở các diễn đàn như otosaigon, otofun, ở các group cho thuê xe trên Facebook. Mình cũng đã định phát tờ rơi tại các cổng trường lái, ngã 3 ngã 4, cũng đã hỏi Zing News để đi bài PR,… nhưng các định hướng này đều chưa triển khai. Khách hàng đến với TripX cũng đều đặn, tầm 10–12 yêu cầu thuê xe/tuần. Lượng đặt xe này tuy chưa nhiều nhưng cũng vừa đủ với quy mô mà thời gian của mình dành cho TripX lúc đó, là lúc mà tất cả các thành viên của team đều làm part-time và có công việc full-time khác.
Đi gọi vốn
Gọi vốn là một trong những phần quan trọng của một công ty khởi nghiệp non trẻ. Mình đã tham gia các buổi pitching với các nhà đầu tư, cũng đã tiếp cận với một vài người như Viettravel, ESP, Shark Phi… nhưng vẫn không được các bác ấy ủng hộ. Một vài người nghĩ TripX sẽ không thành công, do chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Đổi mô hình trong thời kỳ mới
Sau khoảng 6 tháng xây dựng và vận hành TripX, mình nhận ra một điều là bản thân mình không phù hợp với mô hình kinh doanh mang tính chất vận hành offline nhiều như thế này. Team mình cũng không thể tập trung toàn tâm toàn ý vào một mô hình kinh doanh mà số giao dịch cũng không thực sự cao, nhà đầu tư thì chưa thật hứng thú, bản thân các bạn trong team cũng không quá giỏi về môn này. Do đó, mình quyết định đổi mô hình kinh doanh của TripX.
Vào tháng 11 năm 2018, mình đổi mô hình sàn giao dịch của TripX trở thành sàn listing (tắt tính năng quản lý người thuê, đặt cọc, nhận xe, trả xe, review…). Mô hình đơn giản là chủ xe đăng xe lên và sau khi được duyệt thì xe sẽ xuất hiện trên sàn TripX. Khách hàng muốn thuê xe chỉ cần lên chọn được xe ưng ý sẽ nhìn thấy số điện thoại của chủ xe và hai bên liên lạc với nhau trực tiếp. Bằng cách này thì chi phí vận hành của TripX gần như bằng 0, chỉ cần một nhân viên duy nhất là mình ngồi duyệt xe mỗi khi có xe mới đăng lên.
Bán TripX
Trong khoảng thời gian mình thay đổi mô hình đó, mình cũng bắt đầu liên lạc với các bên về mong muốn nhượng lại TripX cho những người phù hợp và có khao khát được dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh này.
Một trong hai người rất quan tâm là Quế. Quế từng có kinh nghiệm cho thuê xe lẫn thuê xe tự lái, giờ Quế đang có một công ty chuyên xây dựng và triển khai các hệ thống điện cho các toà nhà. Sau quá trình đàm phán, tìm hiểu lẫn nhau, cả hai bên đã nhất trí việc công ty của Quế sẽ mua lại và vận hành TripX. Sau một khoảng thời gian Quế vận hành, mình thấy quyết định bán TripX là sáng suốt. Sau khi vào tay Quế, TripX đã bắt đầu thay da đổi thịt và đặc biệt là mang lại doanh thu cho công ty Luster, là công ty của Quế.
Lời kết
Xây dựng một công ty từ lúc mới bắt đầu là một quá trình khó khăn nối tiếp khó khăn, nhưng đầy sự hào hứng và nhiều kỷ niệm. Trong quá trình thử ý tưởng này, ý tưởng khác, mình cũng đã khám phá ra bản thân mình thích hợp với cái gì, mạnh yếu chỗ nào. TripX có thể không thành công với Long, nhưng sẽ thành công với Luster. Mình không hề ân hận khi TripX đã là một phần thanh xuân của mình, và nếu có điều kiện để xây dựng lại một sản phẩm khác, mình cũng sẽ không ngại ngần lao đầu vào con đường gian khổ đó một lần nữa.
TP. HCM, tháng 7, 2020