Bạn đã từng bao giờ nghe về khái niệm Dropshipping? Rõ ràng, đây là một thuật ngữ về e-commerce (thương mại điện tử) vô cùng thời thượng trong vòng vài năm trở lại đây mà ai cũng từng một lần nghe thấy. Tuy nhiên, không phải người nào trong chúng ta cũng hiểu chính xác thế nào là Dropshipping. Thậm chí, có người còn hiểu sai hoàn toàn bản chất của mô hình kinh doanh dạng này.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Malu tìm hiểu sâu hơn về Dropshipping và những ứng dụng của nó. Biết đâu đó, bạn sẽ hứng thú và triển khai phương thức kinh doanh này trong tương lai sau khi đọc những chia sẻ này.
Dropshipping là gì?
Dropshipping là một phương thức kinh doanh cho phép các doanh nghiệp hoạt động mà không cần kho hàng dự trữ. Thậm chí, việc giao hàng của các công ty hoạt động theo phương thức Dropshipping cũng đối tác bên ngoài để thực hiện.
Cách mà mô hình Dropshipping hoạt động là:
- Đầu tiên, doanh nghiệp (với danh nghĩa là một nhà bán lẻ) hợp tác với đối tác dropshipping để sản xuất và (hoặc) lưu trữ kho hàng.
- Tiếp đến, khi khách hàng đặt mua sản phẩm, doanh nghiệp bán lẻ sẽ chuyển thông tin tới đối tác để họ thực hiện việc đóng gói hàng hóa.
- Cuối cùng, chính đối tác Dropshipping cũng là người giao hàng hóa trực tiếp tới tay người tiêu dùng (dựa trên danh nghĩa của doanh nghiệp bán lẻ).
Loại hình kinh doanh này hấp dẫn các doanh nghiệp đến vậy là bởi: Nó giúp các doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần phải mở xí nghiệp sản xuất, hay thậm chí, chẳng cần kho bãi để lưu trữ hàng hóa.
Thay vào đó, họ chỉ cần đúng 2 điều duy nhất để hoạt động: Đó là chiếc laptop và đường truyền kết nối Internet.
Ưu điểm của Dropshipping
Mô hình Dropshipping sở hữu nhiều lợi thế lớn, dưới đây là 8 ưu điểm chính:
1. Dễ dàng tham gia thị trường:
Người chủ doanh nghiệp không phải mất quá nhiều thời gian và công sức để tham gia thị trường.
Điều họ cần làm chỉ là: Tìm kiếm đối tác, thiết lập website và bắt đầu bán hàng, chỉ có vậy! Nếu bạn đang muốn gia nhập cuộc chơi thương mại điện tử, dropshipping chính là con đường ngắn nhất để bạn nhập cuộc.
2. Phí setup doanh nghiệp không đáng kể:
Ở mô hình kinh doanh truyền thống, bạn phải tốn rất nhiều chi phí ban đầu để setup doanh nghiệp, ví dụ như: phí đầu tư nguyên vật liệu, phí thuê nhà kho bến bãi, chi phí sản xuất, chi phí điện nước,… Dropshipping sẽ loại bỏ tất cả những chi phí sản xuất nó trên.
Bạn chỉ cần bỏ tiền để mua domain, web hosting, ứng dụng hỗ trợ xây dựng web, phí cho bên xây dựng trang web,… Nói chung, bạn đã đỡ đi một khoản chi phí đầu tư kha khá khi lựa chọn mô hình Dropshipping để kinh doanh.
3. Loại bỏ đáng kể các loại chi phí cố định:
Những chi phí chúng tôi liệt kê ở trên sẽ là vấn đề nan giải của doanh nghiệp hàng tháng chứ không dừng lại ở thời điểm họ mới thành lập.
Với mô hình Dropshipping, bạn như được “quẳng gánh lo” về các khoản tiền ra tiền vào liên quan tới các loại chi phí sản xuất.
4. Doanh nghiệp có thể hoạt động ở bất kỳ đâu:
Viễn cảnh không văn phòng, không nhà kho, không phải thuê người lao động sẽ là của bạn nếu bạn lựa chọn mô hình Dropshipping.
Doanh nghiệp của bạn sẽ hoạt động độc lập, không cần phải băn khoăn xem dịch vụ này nên lựa chọn địa điểm nào để hoạt động, địa điểm kia có thể mở văn phòng hoặc nhà xưởng hay không.
Miễn là địa điểm làm việc đó có kết nối Internet, bạn có thể làm việc ở bất kỳ nơi đâu bạn muốn.
5. Rủi ro của Dropshipping thấp hơn các mô hình kinh doanh khác:
Điều này có được bởi: Khi bạn không sở hữu nhà kho, bạn chẳng cần phải lo những rủi ro liên quan tới việc hàng hóa ế ẩm bị tồn kho mốc meo ở bến bãi. Việc luân chuyển hàng hóa đã có đối tác bạn lo.
6. Hàng hóa nào bạn cũng có thể bán được:
Với mô hình Dropshipping, bất kỳ hàng hóa nào bạn cũng có thể bán được. Đơn giản là bạn chỉ cần tìm nhà sản xuất chất lượng, vậy là đủ.
7. Có đủ thời gian và nguồn lực để phát triển doanh nghiệp:
Những chi phí bạn không phải bỏ ra cho việc đầu tư nhà xưởng có thể được sử dụng cho việc phát triển và mở rộng mạng lưới kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu bạn yếu kém ở điểm nào, bạn hoàn toàn có thể dùng nguồn tiền có sẵn của mình để chiêu mộ nhân tài.
8. Loại bỏ các rủi ro liên quan tới quá trình giao hàng:
Khi bạn kinh doanh theo mô hình Dropshipping, bạn sẽ không cần phải lo lắng tới việc hàng hóa mình vận chuyển tới khách có bị hỏng hóc hay rơi vỡ gì không.
Nếu chẳng may nó có bị thất lạc, trách nhiệm tìm lại đơn hàng sẽ là của nhà sản xuất.
Nhược điểm của Dropshipping
Cũng giống như những loại hình kinh doanh khác, Dropshipping có nhiều mặt tích cực nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro đối với các doanh nghiệp:
1. Lợi nhuận thu về thấp hơn:
Tất nhiên, khi các nhà sản xuất đã gánh hết toàn bộ trách nhiệm liên quan tới việc sản xuất và giao hàng hóa tới khách hàng, họ sẽ yêu cầu bạn chia khoản phần trăm hoa hồng cao hơn so với bình thường.
Lợi nhuận bạn thu về trên 1 đầu sản phẩm bán ra cũng sẽ ít hơn.
2. Liên đới trách nhiệm:
Với khách hàng, họ quy hết trách nhiệm các lỗi liên quan tới hàng hóa hay vận chuyển về bạn. Tất nhiên, trên thực tế đây là lỗi hoàn toàn thuộc về nhà sản xuất và bạn hoàn toàn có thể yêu cầu họ thay bạn chịu trách nhiệm 100%, nhưng hình ảnh doanh nghiệp bạn đã bị “vấy bẩn”.
Đó là lý do vì sao khâu lựa chọn nhà sản xuất là quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp theo mô hình Dropshipping.
3. Khó kiểm soát vấn đề thương hiệu:
Đối với các doanh nghiệp Dropshipping, thương hiệu là vấn đề cực kỳ nan giải đối với họ. Khách hàng thì có thể không hài lòng với doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, hoặc đơn giản là bởi shipper giao hàng quá chậm.
Làm sao để bạn có thể kiểm soát những vấn đề trên nếu như bạn không thực sự là nhà sản xuất và đơn vị giao hàng.
4. Đối thủ cạnh tranh lớn:
Vì sự gia nhập thị trường dễ dàng, bạn có thể sẽ phải đối mặt với lượng lớn các đối thủ cạnh tranh trong ngành.
Cuộc chiến giành giật nhà sản xuất chất lượng có thể sẽ rất cam go và khốc liệt.
5. Các vấn đề phát sinh khác:
Đối với các doanh nghiệp Dropshipping, họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề mà các doanh nghiệp truyền thống chẳng bao giờ phải đối mặt như: Đối tác sản xuất khác nhau sẽ yêu cầu mức phí dịch vụ khác nhau, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng sẽ phức tạp và đắt đỏ hơn so với bình thường, việc không kiểm soát kho bãi có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn đối với doanh nghiệp,…
Thông thường, lợi nhuận của một doanh nghiệp theo mô hình Dropshipping có thể chiếm từ 10 đến 40% tổng doanh thu. Thậm chí, trong một số loại hàng hóa đặc thù như đồ trang sức, đồ điện tử, biên lợi nhuận có thể đạt 100%.
Điều quan trọng đối với bạn ở đây là phải tìm đúng thị trường để kinh doanh: Nơi mà vẫn có những nhà cung cấp chất lượng đang chờ bạn ký hợp đồng làm đối tác và nơi không có quá nhiều đối thủ chỉ chực bạn nhảy vào bể “đại dương đỏ” mà “ăn tươi nuốt sống” bạn.
Phân biệt các loại hình đối tác trong Dropshipping
Một khía cạnh khác bạn cũng nên quan tâm, đó chính là các loại hình đối tác trong Dropshipping. Có 3 loại hình đối tác chính mà bạn có thể lựa chọn:
1. Manufacturer:
Đây là đối tác tham gia sản xuất từ A đến Z cho sản phẩm. Bạn đơn giản là liên hệ trực tiếp với họ, thực hiện các công đoạn Marketing và chốt đơn hàng.
2. Dropship Supplier:
Đối tác này nhập nguồn thành phẩm thô từ một nhà sản xuất khác. Việc của họ là đóng gói sản phẩm và ship hàng tới tay khách hàng.
3. Dropship Aggregator:
Đối tác này đóng vai trò là trung gian kết nối bạn với các nhà sản xuất khác. Những điểm yếu cố hữu trong Dropshipping như: Tính phí vận chuyển cao hơn trong 1 đơn hàng nhiều sản phẩm riêng lẻ,… Tuy nhiên, phí dịch vụ của Dropship Aggregator là cao hơn hẳn so với các loại hình đối tác khác.
Doanh nghiệp nào nên lựa chọn mô hình Dropshipping?
Dưới đây là những doanh nghiệp phù hợp với mô hình kinh doanh Dropshipping:
- Các doanh nghiệp không có nhiều vốn đầu tư nhưng muốn gia nhập vào thị trường thương mại điện tử.
- Các doanh nghiệp startup, mới gia nhập vào thị trường bán lẻ.
- Ngay cả với những doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm, muốn thử sức mình với mô hình kinh doanh hoàn toàn mới cũng có thể gia nhập thị trường.
- Những cái tên không nên áp dụng mô hình kinh doanh này bao gồm:
- Các doanh nghiệp lấy thương hiệu là trọng tâm của sự phát triển.
- Những doanh nghiệp muốn có biên lợi nhuận cao trong kinh doanh.
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất: Nếu các doanh nghiệp này tham gia vào thị trường Dropshipping, rất có khả năng họ sẽ phải cạnh tranh với chính đối tác của mình.
Các tiêu chí lựa chọn mặt hàng Dropship
Các yếu tố để các doanh nghiệp Dropshipping lựa chọn mặt hàng phù hợp để bán bao gồm:
1. Giá bán lẻ sản phẩm:
Nếu giá sản phẩm mà thấp, các doanh nghiệp có thể bán được nhiều hàng, nhưng biên lợi nhuận của họ chắc chắn cũng thấp (do phải trả nhiều phí dịch vụ cho các đối tác sản phẩm). Giá cao quá thì cũng khó mà thu được nhiều lợi nhuận (do lượng khách đặt hàng thì ít, phí dịch vụ thì vẫn cao như vậy).
Cho nên, lời khuyên của chúng tôi là: Bạn nên lựa chọn các sản phẩm có mức giá bán lẻ trên thị trường trong khoảng từ $50 – $100 cho 1 sản phẩm là hợp lý. Khi đó, biên lợi nhuận của bạn sẽ rơi vào khoảng từ 15 – 40%.
2. Kích cỡ, trọng lượng:
Như bạn đã biết, phí vận chuyển là một trong những vấn đề đau đầu nhất của các doanh nghiệp Dropshipping. Lời khuyên của chúng tôi là bạn nên lựa chọn các sản phẩm có kích cỡ nhỏ, trọng lượng nhẹ để tối đa hóa biên lợi nhuận.
3. Sản phẩm có thể áp dụng chiến lược Cross-selling:
Với các doanh nghiệp Dropshipping, chiến lược khôn ngoan ở đây là: Bán sản phẩm chính với biên lợi nhuận thấp, sau đó thuyết phục khách hàng mua sản phẩm kèm sản phẩm với biên lợi nhuận cao hơn. Điều này sẽ giúp bạn cân đối được vấn đề thu chi cho doanh nghiệp mình.
> Phân biệt Up-sell và Cross-sell
4. Các sản phẩm có thể lặp lại chu kỳ mua hàng:
Những sản phẩm có thể lặp lại chu trình mua hàng sẽ giúp doanh nghiệp bạn có thể tối đa hóa lợi nhuận. Một vài doanh nghiệp rất khôn ngoan khi cung cấp cho khách hàng các gói mua hàng dài kỳ (theo kiểu subscription).
5. Một số điều mà các doanh nghiệp Dropshipping nên tránh:
Đừng lựa chọn các sản phẩm dựa trên suy nghĩ cảm tính của mình. Mọi quyết định nên căn cứ theo các số liệu nghiên cứu rõ ràng.
Đừng lựa chọn sản phẩm chỉ vì chúng được bán bởi “tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường”. Đôi khi, việc nhảy vào thị trường “đại dương đỏ” có thể khiến bạn sớm ngã ngựa và rời khỏi thị trường trong tủi nhục. Nếu bạn muốn tìm sản phẩm nào đang là hot trend, công cụ Google Trends có thể giúp đỡ nhiều cho bạn.
Đừng bán các loại hàng giả, hàng nhái. Nó có thể có giá rẻ và giúp bạn thu được biên lợi nhuận cao, tuy nhiên, nó cũng là hành vi phạm pháp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hãy tránh xa hình thức buôn bán phi đạo đức này.
Những loại hàng hóa bạn nên cân nhắc để lựa chọn khi kinh doanh theo mô hình Dropshipping:
- Sổ viết tay, đồ văn phòng phẩm.
- Ốp lưng, phụ kiện điện thoại.
- Áo thun.
- Đồ trang sức.
- Đồ dùng thể thao, đồ tập gym, đồ du lịch, cắm trại.
- Healthy food.
- Đồ dùng cho bé.
- Mỹ phẩm, đồ dưỡng da.
- …
3 bước cơ bản triển khai Dropshipping
Hãy chắc chắn rằng các số liệu bạn thu thập được trong bản nghiên cứu thị trường sẽ giúp bạn tìm được đúng đối tượng khách hàng tiềm năng. Dưới đây là một vài gợi ý có thể giúp bạn tìm được thị trường Dropshipping như ý:
Bước 1: Xác định nhu cầu khách hàng trong ngành của bạn.
Trên nền tảng kỹ thuật số, điều bạn cần nhất là nghiên cứu xem khách hàng tìm kiếm gì trên các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing. Nói cách khác, bạn cần tìm các “cụm từ tìm kiếm” (hoặc “từ khóa”) có lưu lượng tìm kiếm hàng tháng lớn trên các công cụ tìm kiếm.
Một số công cụ giúp bạn thực hiện công việc này có thể kể đến như KWFinder hay Keywordtools.
Bước 2: Các yếu tố thời vụ có thể tác động tới hành vi của khách hàng.
Việc thực hiện các dự báo mang tính chủ quan có thể khiến bạn chệch hướng.
Chúng tôi khuyên bạn nên tận dụng Google Trends, công cụ listening hoàn toàn miễn phí. Việc thấu hiểu yếu tố mùa vụ có thể giúp bạn điều chỉnh hoạt động Marketing và sản xuất hàng hóa một cách hợp lý.
Bước 3: Xác định đối thủ cạnh tranh và tìm hiểu chiến lược kinh doanh của họ
Bạn có thể thực hiện thông qua việc nghiên cứu website đối thủ, tìm hiểu chiến lược tiếp cận khách hàng của họ thông qua các nền tảng mạng xã hội, các trang bán hàng trực tuyến như Shopee hay Lazada, sự đánh giá của khách hàng về sản phẩm,…
Những khía cạnh bạn cần quan tâm khi xác định khách hàng mục tiêu bao gồm:
Nhân khẩu học: Vị trí địa lý, giới tính, thu nhập, độ tuổi,…
Đối tượng khách hàng: Khách hàng của bạn là người tiêu dùng, doanh nghiệp hay các tổ chức chính phủ?
Lựa chọn đối tác Dropshipping
Một trong những khía cạnh phải nói là quan trọng nhất, đó chính là lựa chọn đối tác sản xuất hàng bán cho doanh nghiệp. Để tìm đối tác phù hợp, bạn nên tham khảo những lời khuyên sau:
Lựa chọn những đối tác sản xuất có kinh nghiệm lâu năm, có uy tín. Bạn có thể tìm những đối tác này thông qua các công ty môi giới.
Tìm những đối tác cung cấp hàng bán có chất lượng tốt. Rõ ràng, bạn không kiểm soát được vấn đề chất lượng sản phẩm khi lựa chọn mô hình Dropshipping. Cách duy nhất để hạn chế các vấn đề liên quan tới sản phẩm là phải tìm đối tác cung cấp hàng hóa có chất lượng tốt nhất mà thôi.
Lựa chọn các đối tác có hệ thống dây chuyền máy móc sản xuất tân tiến. Điều này bạn sẽ thấy rõ nhất khi nhu cầu khách hàng đối với các sản phẩm mà doanh nghiệp bạn cung ứng tăng vọt.
Những doanh nghiệp có đủ khả năng cung ứng hàng bán sẽ giúp doanh nghiệp bạn phát triển và mở rộng mạng lưới kinh doanh. Với những nhà cung ứng còn lại, đó có thể là một điều khó khăn.
Tìm đối tác có khả năng giao hàng đúng hẹn. Khách hàng sẽ chỉ thực sự hài lòng nếu hàng hóa họ đặt trên các trang thương mại đến tay mình trong vòng từ 24 đến 48 giờ.
Bạn hãy lựa chọn những đối tác có khả năng giao hàng tới khách hàng của mình trong khoảng thời gian đó.
Một số cách để bạn có thể đánh giá chất lượng đối tác cung ứng thông qua một số dấu hiệu dưới đây:
- Check thời gian domain website đối tác hoạt động. Một đối tác mới tạo website trong thời gian gần đây có thể không đáng tin cậy.
- Check review của các doanh nghiệp khác về đối tác cung ứng mà bạn đang tìm hiểu. Theo dõi thông tin nhiều chiều có thể giúp bạn hiểu thêm nhiều điều về đối tác của mình.
- Tìm hiểu thêm địa điểm mà đối tác đặt xí nghiệp sản xuất và khu lưu trữ kho vận của họ. Nếu địa điểm sản xuất mà đặt tại nhà dân thì đây có thể không phải là đối tác bạn nên cân nhắc hợp tác.
- Nếu bạn muốn chắc chắn hơn nữa, bạn có thể liên lạc trực tiếp tới số điện thoại của đối tác, hoặc tới địa điểm sản xuất của họ để xác thực thông tin.
Lưu ý khi bắt đầu kinh doanh trên mô hình Dropshipping
Một khi bạn trực tiếp bắt tay vào hoạt động kinh doanh, bạn cần lưu tâm một số khía cạnh như sau:
1. Quảng bá doanh nghiệp thông qua các hoạt động Marketing
Điều này giúp khách hàng nhận biết, tìm đến, tin tưởng và trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp bạn.
2. Sử dụng nền tảng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng:
Bạn có thể tiếp cận với khách hàng; phân phối những chiến lược Marketing hay đơn giản tương tác và chốt đơn hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Instagram.
Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của kênh truyền thông này.
3. Đặc biệt quan tâm tới đánh giá và review của khách hàng:
Đây là một trong những yếu tố quyết định việc doanh nghiệp của bạn có duy trì được lượng khách hàng hiện tại và mở rộng hoạt động kinh doanh tới đối tượng khách hàng mới hay không.
Những yếu tố có thể ảnh hưởng tới đánh giá của khách hàng có thể là: Thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm, hoạt động chăm sóc khách hàng,…
4. Email marketing:
Đây là công cụ có thể giúp bạn thông báo tới khách hàng những thông tin quan trọng liên quan tới: Các chương trình khuyến mại, giảm giá, sự kiện bán hàng lớn, các nội dung liên quan tới sản phẩm,… Nó liên quan mật thiết tới hoạt động tiếp thị lại của doanh nghiệp.
Một số công cụ bạn nên tham khảo để tạo và gửi nội dung Email marketing bao gồm: Mailchimp, Klaviyo, Converio,…
5. Sử dụng quảng cáo PPC:
Đây là cách hữu hiệu để bạn nhắm tới những đối tượng khách hàng mới đang phân vân trong việc tìm kiếm các thông tin liên quan tới sản phẩm và các nhà cung cấp sản phẩm họ cần.
6. Quan tâm tới các chính sách bồi hoàn, trả hàng hay đổi hàng:
Việc khách hàng mong muốn trả hàng, đổi hàng hoặc hoàn tiền là điều không thể tránh khỏi đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Quan trọng, bạn cần xử lý các hoạt động đó ra sao cho chuyên nghiệp và hợp lý.
7. Xử trí khi đối tác gây ra lỗi trong quá trình vận chuyển:
Bạn nên sẵn sàng bồi hoàn miễn phí sản phẩm cho khách hàng. Nên nhớ, vấn đề quản trị thương hiệu là vấn đề khó nhằn nhất đối với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Dropshipping.
Bạn nên hạn chế bất kỳ hành động nào có thể làm tổn hại tới hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp mình.
8. Quản trị đơn hàng:
Đây cũng là một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp Dropshipping. Bạn nên cân nhắc kết nối với hệ thống dữ liệu hàng tồn kho của đối tác cung ứng dịch vụ, tự động hóa quy trình luân chuyển đơn hàng thông qua các công cụ như Shopify,…
Trong trường hợp hàng trong kho đã hết, bạn nên đưa ra hai lựa chọn đối với khách hàng của mình: Hoặc họ có thể chờ tới thời điểm hàng sẵn có trong kho để bắt đầu quy trình vận chuyển hàng bán, hoặc là họ có thể nhận lại tiền mua hàng. Vấn đề chính là làm thế nào để bạn giúp khách hàng an tâm rằng: Hàng bán sẽ sớm có trong kho và họ không cần phải mất nhiều thời gian để chờ đợi.
9. Vấn đề chăm sóc khách hàng:
Bạn nên chuẩn bị sẵn các phương thức chăm sóc khách hàng như: Qua hotline tư vấn, qua email, qua tương tác trên mạng xã hội hoặc qua công cụ chat trực tuyến.
Càng nhiều kênh kết nối, vấn đề của bạn với khách hàng càng được giải quyết một cách nhanh chóng.
Phát triển hoạt động kinh doanh
Một khi đã vào guồng quay kinh doanh, ai mà chẳng muốn doanh nghiệp mình phát triển và mở rộng quy mô hoạt động trong tương lai. Một số mẹo giúp bạn mở rộng hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp của mình bao gồm:
Sử dụng các nguồn lực hỗ trợ.
Bạn có thể thuê thêm nhân lực chất lượng cao hoặc sử dụng các tool hỗ trợ.
Những khía cạnh công việc bạn cần phải tối ưu hóa nếu muốn doanh nghiệp mình phát triển bao gồm: Hoạt động quản trị mạng xã hội, hoạt động chăm sóc khách hàng, hoạt động phát triển nội dung và thiết kế website, hoạt động SEO/SEM, hoạt động quản trị đơn hàng.
Sử dụng nhiều kênh bán hàng khác nhau.
Bạn không nên quá phụ thuộc vào kênh bán hàng trên nền tảng website, có nhiều những công cụ khác bạn có thể tận dụng đồng thời như bán hàng trên nền tảng Shopee, Lazada, Amazon,…
> Hướng dẫn bán hàng trên Shopee, Hướng dẫn bán hàng trên Lazada
Sử dụng đa dạng các kênh truyền thông.
Các kênh truyền thông bạn nên quan tâm bao gồm: Kênh trả tiền (Google Ads, Facebook Ads,…), kênh SEO (qua Google), kênh trực tiếp (qua mail, điện thoại),…
Tổng kết
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và đúng đắn về mô hình kinh doanh Dropshipping. Điểm thú vị của Dropshipping đó chính là: Bạn có thể sử dụng Dropshipping như một phép thử trước khi thực sự tham gia sản xuất và kinh doanh trên mô hình bán hàng truyền thống.
Vì vậy, Dropshipping không chỉ phù hợp với các doanh nghiệp startup hoặc mới gia nhập thị trường, mô hình này còn hữu ích với cả các tổ chức, công ty đã hoạt động lâu năm trên thị trường. Cảm ơn các bạn theo dõi bài viết. Chúc bạn thành công!