20211123 id phuongdong thumb

Phật giáo là một trong năm tôn giáo lớn nhất thế giới, được khởi nguồn từ Ấn Độ – cái nôi của nền văn minh nhân loại. Sau hàng ngàn năm phát triển, các tư tưởng của đức Phật đã vượt ra ngoài lãnh thổ và được truyền bá rộng rãi đến các quốc gia phương Đông. Những triết lý, hình tượng từ Phật giáo xưa nay vẫn luôn là nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ở mỗi quốc gia khác nhau, theo từng thời gian khác nhau, những tác phẩm về đạo Phật luôn có những đặc trưng nhất định.

Hào hứng với chủ đề gần gũi nhưng lại ít được khai thác này, một nhóm các bạn sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ, khoá K24 tại trường Đại học Văn Lang đã quyết định lựa chọn chủ đề Phật giáo cho môn học Tạp chí và thiết kế tạp chí tại trường. Dù chỉ nằm trong khuôn khổ bài tập cho môn học và chỉ có 2 tháng để hoàn thành dự án, nhưng 212 trang artbook trong quyển Eastern World Buddhist Art – Summary of Buddhist artworks (Nền Phật giáo các nước Phương Đông – Giới thiệu sơ lược về các tác phẩm Phật giáo) đã cho thấy sự tâm huyết và chỉn chu của các bạn sinh viên trẻ.

Giới thiệu một chút về Eastern World Buddhist Art. Đây là một cuốn artbook nhằm mục đích mang đến cho độc giả những hình ảnh và thông tin sơ lược về các tác phẩm Phật giáo phương Đông. Qua đó, tác giả hy vọng bạn đọc sẽ có cái nhìn bao quát hơn về đạo Phật, nhìn thấy sự đa dạng các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo của các nước qua từng thời kỳ. Từ đó độc giả có thể cảm nhận được nét đẹp trong nghệ thuật Phật giáo và những nét riêng trong văn hóa Phật giáo giữa các quốc gia.

Các trang thông tin liên hệ

Hoàng Đô (leader dự án) | Hải Đăng | Khánh Vy | Trúc Ngọc | Hoàng Dung

Được biết, dự án Eastern World Buddhist Art (Nền Phật giáo các nước Phương Đông) là đề tài các bạn lựa chọn cho môn học Tạp chí và thiết kế tạp chí. Vậy vì sao các bạn lại chọn chủ đề này cho môn học? Trong nhóm các bạn, có ai theo Phật giáo không? (Nếu có) Nó đã tác động như thế nào trong quá trình các bạn thực hiện dự án?

Ban đầu, tụi mình đã chia nhau tìm và thu thập các ý tưởng khác nhau. Kết quả đa số các ý tưởng đều liên quan đến văn hoá. Trong đó, bọn mình tâm đắc nhất là chủ đề về Phật giáo bởi trong trường, chưa có ai từng làm qua chủ đề này. Bên cạnh đó, Phật giáo luôn có dấu ấn sâu sắc với nhóm vì đây là tôn giáo phổ biến nhất ở Việt Nam, hầu như ai cũng biết, cũng như những dấu ấn về nét đẹp nghệ thuật Phật giáo từ lâu luôn được phổ biến rộng rãi.

Mặc dù trong nhóm hầu như không ai theo đạo Phật nhưng gia đình có thờ cúng và theo đạo nên tụi mình cũng có kiến thức nền tảng về Phật giáo.

Điều tác động lớn nhất trong quá trình thực hiện đồ án là tính phức tạp của đề tài, nhóm đã lạc vào những định nghĩa, khái niệm một cách mơ hồ vì nếu nhắc về Phật giáo thì ai cũng nói về những định nghĩa, khái niệm, câu chuyện,… nhưng ít ai biết rõ vẻ đẹp, ý nghĩa của các tác phẩm thuộc về Phật giáo. Điều đó đã thôi thúc chúng mình thực hiện đề tài này.

Vậy vì sao các bạn lại chọn artbook mà không phải là một hình thức tiếp cận thị giác khác?

Do tính chất môn học sẽ được chọn hai hình thức thể hiện là artbook và tạp chí. Lúc đó, nhóm nghĩ, artbook sẽ giúp chúng mình thể hiện hết cá tính cũng như cái tôi của nhóm đối với đề tài hơn là tạp chí nên cuối cùng đã cùng nhau thống nhất lựa chọn hình thức tiếp cận là artbook.

Hoàng Đô có thể chia sẻ một chút về quá trình thực hiện một quyển artbook không? Cụ thể, từng bạn đảm nhận những công đoạn thế nào?

Sau khi lựa chọn được chủ đề Phật giáo làm đề tài cho môn học, mình đã phát triển dự án và liên hệ với những giáo viên có chuyên môn về mảng này để trao đổi. Nhờ vậy, đề tài được xác định cụ thể và rõ ràng hơn.

Ngoài ra, nhóm cũng cùng nhau tham khảo các artbook ở The Factory tại Quận 2. Nơi đây có một thư viện chứa những cuốn sách, artbook về nghệ thuật rất hay. Ở đây chúng mình học được cách xác lập contents, cách vận hành một quyển artbook.

Sau các công đoạn trên, các thiết kế đã được định hình. Mình tìm moodboard (bảng có chứa số liệu, hình ảnh, và nhiều kết cấu khác nhau để người xem có thể hình dung ý tưởng của designer) để có thể xác định cùng giảng viên mood & tone của đề tài, tiếp theo là tìm kiếm typeface (kiểu chữ), màu sắc,…. Cuối cùng là tổng hợp và xác định được Art Direction của dự án.

idesign phatgiao 12

Nhóm đã cùng nhau xác định phạm vi của đề tài nằm ở vùng Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á, hay còn được gọi chung là các nước Phương Đông. Sau đó lập bảng phân công để mọi người tìm thông tin, hình ảnh, phân theo cover, moodboard, style scape, template, content and image, layout master, pattern, mockup và tiến hành thực hiện.

idesign phatgiao 34 min

Cuối cùng, mình tổng hợp lại tất cả thông tin và dàn vào một file hoàn chỉnh. Công đoạn mockup được các bạn trong nhóm tìm và làm cùng nhau.

idesign phatgiao 36 min

Với số lượng 212 trang artbook đồng nghĩa với việc các bạn đã phải xử lý một khối lượng thông tin rất lớn. Các bạn đã tiến hành nghiên cứu và xử lý các thông tin đó như thế nào? Việc đặt để các hình ảnh và thông tin được lựa chọn dựa trên những tiêu chí nào?

Thật sự đây là một thử thách lớn của nhóm. Với lượng thông tin khổng lồ, bọn mình đã lên kế hoạch phân chia rõ ràng để có thể kiểm tra thông tin một cách dễ dàng mà không nhầm với phần khác. (Mỗi file sẽ được đặt tên theo từng nước, trong từng nước sẽ có tên từng tác phẩm).

Tụi mình đã cùng nhau tìm kiếm các trang có liên quan như MET, Google Arts & Culture,…để có được hình ảnh và lượng thông tin chính thống.

Việc lựa chọn hình ảnh và thông tin dựa trên tiêu chí:

1. Độ chính thống của tác phẩm

2. Mức độ ấn tượng

3. Chất liệu tác phẩm

idesign phatgiao 33 gif

Có thể thấy các bạn đã đầu tư rất nhiều công sức và tỉ mẫn trong từng trang artbook. Mỗi trang sách là một bộ pattern khác nhau để phù hợp với các hình ảnh và nội dung. Bạn có thể chia sẻ một chút về khía cạnh này?

Hình ảnh vân mây được lựa chọn xuất hiện với tần suất cao với mong muốn tạo được sự gần gũi với đề tài cũng như những trang không thể sử dụng pattern.

Với các bộ pattern khác nhau được vẽ lại bằng vector chi tiết của tác phẩm tại trang thể hiện, vừa làm bật lên được vẻ đẹp của tác phẩm vừa giúp cho layout được hoàn thiện hơn. Mỗi tác phẩm có hình dáng khác nhau, vì thế, mỗi hình ảnh tái hiện lại cũng có nét đặc trưng riêng nhằm gây ấn tượng cho người xem.

Vậy phong cách thiết kế của quyển artbook Eastern World Buddhist Art là gì? Vì sao các bạn lại chọn phong cách thiết kế này cho quyển artbook?

Quyển artbook là sự kết hợp của hai phong cách thiết kế: minimalism và line art. Theo bọn mình, để có thể truyền tải thông tin đầy đủ, hình ảnh sinh động thì layout phải rõ ràng, sạch sẽ; do đó phong cách minimalism được lựa chọn. Tuy nhiên, để tạo điểm nhấn và tránh việc artbook trông như một cuốn sách, bọn mình đã kết hợp thêm phong cách line art cho dự án.

Xuyên suốt quá trình thực hiện dự án, đâu là công đoạn khó khăn nhất?

Theo bọn mình, công đoạn khó nhất là xác định tên đề tài. Nếu như nói artbook Eastern Word Buddhist Art là tên đề tài thì chưa đủ, phải có sự hỗ trợ của tiêu đề phụ: Summary of Buddhist artworks thì bản thân tên đề tài sẽ rõ ý nghĩa hơn.

Và để có thể hình thành được ý tưởng, nhóm đã phải lạc vào chủ đề Phật giáo rất nhiều lần, với cả nhờ sự hướng dẫn của Giảng viên, chúng mình mới có thể được dẫn lối đến đề tài này.

Artbook tại Việt Nam có lẽ không còn là khái niệm quá mới, tuy nhiên đây là thể loại khá kén độc giả. Vậy các bạn đã có định hướng phát triển nào cho quyển artbook này trong tương lai?

Đúng là artbook vốn dĩ rất kén độc giả và số lượng người quan tâm đề tài này cũng không nhiều. Vì thế, để phát triển được quyển artbook này trong tương lai, đầu tiên sản phẩm của bọn mình phải đạt được độ chỉn chu. Tiếp theo đó mới liên kết với các nơi đầu tư để artbook có thể thương mại hoá. Ngoài ra, bọn mình cũng nghĩ đến hướng tiếp cận khác là đăng tải free book để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận hơn.

Cảm ơn Hoàng Đô! Hy vọng quyển artbook sớm được phát hành đến các độc giả trong tương lai!

Tham khảo chi tiết artbook tại đây


Nguồn: iDesign.vn