Để trở thành một trong những hãng hàng không nổi tiếng, Vietnam Airlines có những chiến lược kinh doanh vô cùng hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu và phân tích chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu tổng quan về Tổng công ty hàng không Việt Nam
Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia Việt Nam, trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam và được thành lập tháng 4 năm 1993. Hãng nằm dưới sự quản lý của Hội đồng quản trị với nhiệm kỳ 5 năm gồm 5 đến 9 người.
Vietnam Airline hiện đang khai thác hơn 97 đường bay tới 18 điểm nội địa, 35 điểm đến quốc tế với trung bình 360 chuyến bay mỗi ngày.
Vietnam Airlines là cổ đông lớn nhất trong Pacific Airlines với 98% cổ phần, nắm giữ 49% trong Cambodia Angkor Air (Hãng hàng không quốc gia Campuchia) và 100% trong VASCO – một hãng bay nhỏ chuyên bay khu vực miền Nam và miền Bắc tại Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2016 Vietnam Airlines vinh dự nhận giải “Hãng hàng không hàng đầu Châu Á về bản sắc văn hóa”, “Hãng hàng không có hạng Phổ thông hàng đầu Châu Á” của World Travel Awards và “Nằm trong top những Hãng hàng không lớn được yêu thích nhất châu Á năm 2018”. Điều này đã khẳng định vị thế cũng như chất lượng dịch vụ mà Vietnam Airlines mang đến cho khách hàng.
Trước năm 2002, Vietnam Airlines sử dụng hình ảnh con cò bay qua ánh trăng rằm làm biểu tượng. Đến 20/10/2002, Vietnam Airlines tổ chức giới thiệu biểu tượng mới “Bông Sen Vàng” đánh dấu sự thay đổi toàn diện, tái cấu trúc với chương trình hiện đại hóa đội ngũ bay, mở rộng đường bay và hoàn thiện chất lượng dịch vụ để trở thành hãng hàng không tầm cỡ khu vực và thế giới.
Là một trong 10 hãng hàng không truyền thống được gắn 4 sao trở lên tại khu vực Châu Á, Vietnam Airlines cho thấy sự lớn mạnh và phát triển theo một chiến lược riêng để cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác như Vietjet Air, Jetstar Pacific, BamBoo Airways… đang ngày càng được mở rộng trên thị trường.
Phân tích mô hình SWOT của Vietnam Airlines
Mô hình SWOT là một công cụ nổi tiếng được nhiều doanh nghiệp biết đến và áp dụng bởi tính hữu ích trong việc giúp các nhà quản lý phân tích các yếu tố quan trọng bên trong và ngoài doanh nghiệp để từ đó thiết lập nên các chiến lược cũng như kế hoạch kinh doanh phù hợp.
SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một mô hình nổi tiếng giúp doanh nghiệp có thể phân tích cũng như xây dựng được chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả.
Trong 4 yếu tố của mô hình SWOT, điểm mạnh và điểm yếu là 2 yếu tố để đánh giá nội bộ doanh nghiệp. Đối với 2 yếu tố này, doanh nghiệp có thể kiểm soát và thay đổi được. Thường các yếu tố này có liên quan tới hoạt động công ty, tài sản thuộc về doanh nghiệp, phát triển sản phẩm,…
Bên cạnh đó, 2 yếu tố còn lại là cơ hội và thách thức là các yếu tố tác động bên ngoài thường liên quan đến thị trường và mang tính vĩ mô. Doanh nghiệp có thể sẽ không thể kiểm soát được 2 yếu tố bên ngoài này. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội, nhưng cũng phải quan tâm và đề phòng tới những thách thức từ bên ngoài có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đọc chi tiết hơn về mô hình SWOT tại bài viết: Mô hình SWOT là gì & 7 bước phân tích SWOT
Đối với Vietnam Airlines, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thương hiệu này có thể được phân tích như sau.
Điểm mạnh (Strengths)
Có thể nói điểm mạnh nhất của Vietnam airlines là sự hậu thuẫn của Chính phủ với mạng đường bay trải rộng khắp toàn quốc và toàn cầu. Quy mô tài chính lớn và đội hình máy bay hiện đại, đa dạng tạo cho Vietnam airlines thế mạnh về hình ảnh, độ tin cậy.
Vietnam airlines đã được người dân khắp nước biết đến từ hàng chục năm nay, do vậy, không cần phải quảng bá nhiều cũng đã được lựa chọn trong đầu khách hàng. Vietnam airlines là thành viên chính thức của liên minh hàng không Skyteam do vậy mạng đường bay quốc tế sẽ rộng hơn.
Điểm yếu (Weaknesses)
Một điểm yếu của Vietnam Airlines là cơ chế điều hành nhà nước có thể dẫn đến việc ra quyết định chậm, phụ thuộc. Mức độ linh hoạt trong điều hành chắc chắn sẽ không cao.
Ngoài ra, Vietnam Airlines phải đối mặt với chi phí hoạt động cao. Hiện tại ở Việt Nam, Vietnam Airlines đang là hãng hàng không sở hữu nhiều máy bay nhất với 104 chiếc. Cơ cấu đội máy bay của Vietnam Airlines cũng gồm những dòng máy bay tân tiến nhất, trong đó dòng máy bay thân rộng có Boeing 787-9, Boeing 787-10 và Airbus A350. Do đó, chi phí để duy trì hoạt động là vô cùng cao.
Cơ hội (Opportunities)
Vietnam Airlines đang có cơ hội trải rộng đường bay khắp toàn cầu và các đường bay trong nước. Với việc sở hữu nhiều lợi thế và đường bay, cũng như hậu thuẫn của Chính phủ, Vietnam Airlines nếu biết tận dụng sẽ trở thành tập đoàn lớn trên châu lục.
Vietnam Airlines cũng cải thiện hình ảnh thông qua việc hỗ trợ Chính phủ và ngành y tế trong việc vận chuyển, đảm bảo trang thiết bị, vật tư trong thời gian đất nước và thế giới đang “gồng mình” chống lại dịch bệnh.
Thách thức (Threats)
Về thách thức, Vietnam Airlines có nguy cơ bị cạnh tranh gay gắt, mất dần thị phần khi các doanh nghiệp khác tham gia như: Mekong Air, Trãi Nguyên, VietJet Air Asia, Indochina Airlines…
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines phải đối mặt với áp lực lớn về tài chính. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỷ đồng.
Phân tích chi tiết chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines
Để trở thành một trong những hãng hàng không nổi tiếng, Vietnam Airlines có những chiến lược kinh doanh vô cùng hiệu quả. Vậy chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines là gì?
Triết lý kinh doanh của Vietnam Airlines
Về triết lý trong chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines, Vietnam Airlines cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các cổ đông, minh bạch công khai thông tin, duy trì và nâng cao các kênh đối thoại mở với cổ đông, tổ chức hoạt động kinh doanh an toàn, chất lượng và có hiệu quả trên cơ sở cân đối hài hòa lợi ích của cổ đông với việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Mục tiêu chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines
Đối với mục tiêu trong chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines, hãng hàng không này đưa mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu về thị phần (trên 50% thị phần nội địa; trên 25% thị phần quốc tế) và năng lực cạnh tranh trên cơ sở nâng cấp chất lượng dịch vụ.
Mặt khác, Vietnam Airlines hướng đến mục tiêu doanh nghiệp hàng không đạt nhóm 3 về quy mô doanh thu trong khu vực Đông Nam Á; phấn đấu đưa Tổng công ty đạt nhóm 10 hãng hàng không được ưa thích tại châu Á; trên cơ sở đặt an toàn chất lượng lên hàng đầu, củng cố dịch vụ 4 sao và từng bước đưa Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn hãng hàng không 5 sao trong nhiệm kỳ.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng có mục tiêu thực hiện chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ hướng tới là hãng hàng không công nghệ số và trở thành doanh nghiệp được ưa thích hàng đầu tại thị trường lao động Việt Nam.
Phạm vi chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines
Để có thể cạnh tranh, phạm vi chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines là các phân khúc thị trường mà thương hiệu này hướng tới. Trong đó, Vietnam Airlines tập trung vào các đối tượng khách hàng và khu vực, địa lý sẽ cung cấp sản phẩm. Từ việc xác định phạm vi chiến lược, công ty sẽ có những chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đối với Vietnam Airlines, tại Việt Nam, trong khi thị trường đang có sự phân hoá mạnh, thì Vietnam Airlines Group đang có các sản phẩm bao phủ mọi phân khúc khách hàng. Bên cạnh việc phối hợp thương hiệu kép với Jetstar Pacific để phục vụ phân khúc giá rẻ, Vietnam Airlines chủ yếu tập trung phát triển dịch vụ trung và cao cấp theo tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, được đánh giá cao bởi Tổ chức đánh giá hàng không uy tín trên thế giới Skytrax.
Đọc thêm về các phân khúc thị trường của những thương hiệu nổi tiếng khác tại bài viết: Phân khúc thị trường là gì? 4 loại phân khúc thị trường phổ biến
Hoạt động chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines
Đối với các hoạt động chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines, thương hiệu này đã chú trọng vào việc phát triển và cải thiện những hoạt động như sau.
Nghiên cứu và phát triển
Vietnam Airlines luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trung tâm nghiên cứu của Vietnam Airlines có vai trò tham mưu, giúp việc cho HĐQT và TGĐ. Bên cạnh đó, hoạt động của trung tâm cũng là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ – quản lý trong lĩnh vực hàng không. Đồng thời cung ứng dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Hiện trung tâm nghiên cứu của Vietnam Airlines đang hoạt động với 02 phòng chuyên môn chính là Phòng Giải pháp công nghệ và quản lý và Phòng Dịch vụ khoa học và công nghệ với tổng số có 20 cán bộ nhân viên.
Kỹ thuật công nghệ
Với việc đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kỹ thuật, VNA đã đẩy mạnh các hình thức làm thủ tục trực tuyến qua website, ứng dụng di động và tăng cường các quầy tự làm thủ tục Kiosk check-in tại nhiều sân bay trong và ngoài nước.
Từ năm 2019, Hãng đã cho ra mắt phiên bản ứng dụng di động mới có nhiều tính năng hiện đại, dễ sử dụng, giúp cho hành khách có thể nhanh chóng tìm kiếm chuyến bay, tra cứu hành trình, đặt vé trực tuyến, cập nhật kịp thời các chương trình ưu đãi,…
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn mở rộng nhiều phương thức thanh toán trên nền tảng công nghệ mới như: thanh toán bằng QR code thông qua cổng thanh toán nội địa Napas (ứng dụng Momo, Moca) và cổng thanh toán nội địa VNPay; đồng thời bổ sung dịch vụ thanh toán trực tuyến SOFORT Banking tại các thị trường Đức, Thụy Sỹ và Áo… để tạo thuận lợi tối đa cho hành khách.
Là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên trang bị hệ thống Wireless streaming trên máy bay A321neo, Vietnam Airlines đã làm thay đổi “khái niệm” và mang đến cho hành khách trải nghiệm giải trí trên chuyến bay hoàn toàn mới lạ.
Hoạt động Marketing
Về hoạt động Marketing trong chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines, hãng hàng không này đã xây dựng và triển khai những chiến lược Marketing nổi bật như sau.
Định vị hãng hàng không cao cấp
So với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường, Vietnam Airlines có ưu thế vượt trội khi được gọi với cái tên “Hãng hàng không quốc gia Việt Nam”.
Đây được xem là lợi thế của hãng trong việc thu hút khách hàng đến với các dịch vụ của mình. Vietnam Airlines khẳng định vị thế của hãng hàng không mang thương hiệu quốc gia, kèm với đó là chất lượng về an toàn bay và dịch vụ, giúp khách hàng thực sự yên tâm và hài lòng khi tham gia các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Phân phối đại lý toàn quốc
Với mạng lưới phân phối phát triển nhanh chóng với 10.240 phòng vé (tính đến tháng 12/2016) cùng 31 chi nhánh và văn phòng đại diện trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, Vietnam Airlines bao phủ thị trường tại 4 châu lục nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, Vietnam Airlines có 5 đơn vị trực thuộc, 25 chi nhánh và có mặt tại 20 tỉnh/thành phố lớn tại Việt Nam (theo Báo cáo thường niên của Vietnam Airlines năm 2019). Các phòng vé được đặt tại các thành phố lớn là điểm giao dịch chính thức của hãng, hỗ trợ khách hàng giải quyết các vấn đề liên quan đến đặt chỗ, xuất vé, hoàn vé, đổi vé
Ngoài ra, kênh phân phối của Vietnam Airlines cũng chú trọng vào việc chuyển đổi số, thực hiện “số hóa” qua nhiều dự án như cải thiện hạ tầng website và ứng dụng di động, tự động hóa chu trình chăm sóc khách hàng như đổi vé, thủ tục thanh toán trực tuyến giúp khách hàng có thể tiện lợi và nhanh chóng hơn khi thực hiện các dịch vụ của Vietnam Airlines.
Truyền thông, PR xây dựng hình ảnh “sạch”
Chiến lược truyền thông, PR của Vietnam Airlines mang dấu ấn với hình ảnh “sạch”, không chiêu trò giúp khách hàng cảm nhận được sự chuyên nghiệp và dịch vụ cao cấp của mình.
Vietnam Airline thực hiện các đoạn quảng cáo ngắn giới thiệu hình ảnh của hãng và tăng tần suất phát tin tức các hoạt động thương mại trên các bản tin thời sự trong và ngoài nước. Với vị thế là “Hãng hàng không quốc gia Việt Nam”, các TVC quảng cáo hay xuất hiện trên các bản tin thời sự của Vietnam Airlines đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người quan tâm và quảng bá rộng rãi đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Đọc chi tiết hơn về chiến lược Marketing nổi bật của Vietnam Airlines tại bài viết: Chiến lược marketing của Vietnam Airlines – Khẳng định vị thế “ông lớn” trong ngành hàng không
Tổng kết
Để trở thành một trong những hãng hàng không nổi tiếng, Vietnam Airlines có những chiến lược kinh doanh vô cùng hiệu quả.
Hy vọng qua bài viết này, anh/chị đã thêm về những chiến lược kinh doanh hiệu quả của Vietnam Airlines từ đó tham khảo để triển khai những chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp của mình. Ghé thăm blog của chúng tôi để cập nhật kiến thức hay mỗi ngày nhé!