Portfolio được ví như một tờ giấy thông hành để bạn gia nhập vào ngành công nghiệp thiết kế đồ họa. Vậy các designer cần những lưu ý gì để làm portfolio chuyên nghiệp và nổi bật? Tất cả sẽ được bật mí trong bài viết dưới đây nhé!
Portfolio là gì?
Portfolio hay còn gọi là hồ sơ năng lực, là một tập hồ sơ gồm nhiều trang, liệt kê thành tích, sản phẩm đã thực hiện (thông thường là các sản phẩm sáng tạo nghệ thuật) của cá nhân, doanh nghiệp hay một tổ chức. Mục đích chính của Portfolio là để thể hiện năng lực của công ty hay cá nhân đến khách hàng.
Portfolio được sử dụng rộng rãi trong tài chính, đầu tư và đặc biệt là một phần không thể thiếu với các nhân sự lĩnh vực nghệ thuật (đồ họa, nhiếp ảnh…) khi đi xin việc . Qua đó, bạn cung cấp cho người đọc thông tin về bản thân, các tác phẩm nổi bật của bạn để chứng tỏ cá tính, kinh nghiệm và kỹ năng của mình.
Portfolio cần có những thông tin gì?
– Giới thiệu: Lý lịch bản thân (tên tuổi, lĩnh vực hoạt động, tiểu sử, địa chỉ liên lạc)
– Kinh nghiệm: Kinh nghiệm chuyên môn, giải thưởng, thành tích, các sản phẩm
– Nhận xét khách quan: Các khách hàng, thương hiệu đã từng cộng tác
Các hình thức thể hiện Portfolio
In ấn: Đây là cách thức cổ điển nhất và đòi hỏi bạn phải rất cẩn thận trong việc chọn khổ giấy, loại giấy và chất lượng in. Đồng thời bạn cần có một sự chỉn chu trong khâu thiết kế vì sự thiết kế chuyên nghiệp giúp bạn dễ chiếm được cảm tình với đối tác hơn.
Bản PDF: Portfolio gửi qua email thường để ở định dạng PDF bởi định dạng này khó chỉnh sửa nội dung, chất lượng hình ảnh tốt và dung lượng nhẹ hơn nhiều.
Portfolio website:Theo một nghiên cứu gần đây 56% nhà tuyển dụng ấn tượng với portfolio online hơn bất cứ công cụ nào khác. Dạng Porfolio này đang được nhiều designer ưa chuộng, đặc biệt là các web design bởi tính tiện dụng, đẹp mắt và thỏa sức sáng tạo trải nghiệm người dùng độc đáo.
Nếu bạn muốn thử sức với portfolio này nhưng không nắm được các kỹ năng lập trình web, thì cũng không cần lo lắng. Hiện nay, đã có sẵn rất nhiều các nền tảng cho phép bạn tạo portfolio của riêng mình mà không mất nhiều thời gian như: Fabrik, Format, WordPress, Cargo, Dunked….
Làm thế nào để tạo một Portfolio nổi bật
Trưng bày những sản phẩm tốt nhất
Khi xây dựng một portfolio, bạn cần đảm bảo rằng mỗi tác phẩm bạn đưa vào sẽ giúp bạn tỏa sáng, thể hiện tối đa kỹ năng và khả năng của bản thân. Điều này có nghĩa, nếu bạn là lính mới trong ngành, portfolio của bạn có thể ngắn nhưng phải “chất”. Một trang duy nhất với các dự án thực sự xuất sắc khiến bạn tự hào. Đừng khiến người xem lướt đến hàng chục trang cũng không tìm thấy thứ gì ấn tượng cả.
Tuy nhiên, tất các sản phẩm trong portfolio không cần phải quá thú vị hay quá độc đáo. Một mẫu thiết kế danh thiếp hoặc một chiếc landing page dù đơn giản nhưng vẫn đủ để khách hàng biết được phạm vi công việc mà bạn có thể làm.
Và không nhất thiết những tác phẩm trong portfolio đều phải là sản phẩm thương mai. Bạn có thể thoải mái đưa những sản phẩm sáng tạo phi lợi nhuận của mình vào, miễn là nó thu hút và ấn tượng.
Đừng tham số lượng!
Đừng đưa quá nhiều ấn phẩm có cùng một phong cách vào portfolio. Nếu bạn thiết kế 50 logo, hãy chỉ chọn 5 logo tốt nhất với những phong cách thiết kế khác nhau. Đó có thể là logo nhà máy bia mộc mạc hay logo tinh tế cho một nhãn hiệu thời trang cao cấp. Điều này cho thấy khả năng và mức độ đa dạng trong công việc mà bạn có thể thực hiện.
Kể một câu chuyện
Hãy nghĩ về portfolio như cách bạn kể một câu chuyện. Nó cũng sẽ gồm ba phần mở, thân và kết. Và tác phẩm tâm đắc nhất của bạn nên được để dành cho phần kết. Vì sao vậy? Nếu ngay từ ban đầu, bạn đã show ra thứ tốt nhất, giá trị nhất của mình thì portfolio của bạn sẽ không giữ được sự hứng thú của người xem cho đến trang cuối cùng. Không phải tự nhiên mà người ta nói “Miếng ngon nhất luôn là miếng cuối cùng”.
phần chú thích cho sản phẩm nên ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Hãy để tác phẩm của bạn tự lên tiếng, nếu khách hàng muốn biết nhiều hơn về chúng, họ có thể sẽ chủ động liên lạc với bạn.
Bên cạnh đó, khách hàng không cần biết tất cả mọi thứ về bạn, vậy nên tránh sa đà vào việc kể lể những chuyện ngoài lề. Hãy chắc chắn thông tin liên lạc của bạn đầy đủ, dễ thấy và luôn cập nhật mới nhất.
Chọn nền tảng phù hợp
Hãy nghiên cứu các trang web bạn dự định sử dụng để lưu trữ portfolio của mình. Các nền tảng cho phép người dùng tạo hồ sơ và tải lên các mẫu thiết kế của mình – giống như Behance, đang là lựa chọn của nhiều designer hiện nay.
Một trang web kiểu gallery với nhiều mục nhỏ sẽ phù hợp với các thiết kế logo, tuy nhiên nếu bạn là một nhiếp ảnh gia và tác phẩm của bạn cần trình chiếu ở chế độ toàn màn hình, thì trang web này lại không đáp ứng được. Do đó bạn nên tìm hiểu kỹ để chọn một nền tảng hữu ích cho portfolio của mình
Liên hệ
Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với một trang portfolio nhưng lại thường bị giấu đi hay thậm chí bị bỏ trống. Địa chỉ liên lạc của bạn phải rõ ràng và dễ tìm, nên tốt hơn hết bạn đừng nên đặt nó xuống footer của trang web. Hãy giúp cho mọi người dễ dàng liên lạc với bạn để đề nghị công việc hay nói chuyện. Dùng hẳn một form tin nhắn để người xem tiện liên lạc với bạn (thay vì chỉ ghi địa chỉ email của bạn và khách hàng phải mở hộp thư của họ để viết mail).
Sử dụng mạng xã hội
Một khi mọi người đã thích thú với bạn cũng như những sản phẩm bạn làm, bạn nên khuyến khích họ đến các trang khác của mình. Hãy giúp họ dễ theo dấu bạn trên các trang Twitter, Facebook, Flickr, LinkedIn…
Tạm kết,
Portfolio có một tầm quan trọng to lớn đối với mỗi nhà designer. Nó chính là “bộ mặt” của nhà thiết kế phản ánh trình độ và phong cách của họ. Vậy nên dành thời gian chăm chút cho portfolio thật kỹ lưỡng tỉ mỉ không bao giờ là thừa đâu nhé.