khoi nghiep

Khởi nghiệp kinh doanh nhỏ là gì? 

Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó, việc khởi nghiệp kinh doanh thường được nhiều người mặc định là những dự án kinh doanh thu hút số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ, phức tạp, rủi ro cao.

Con đường khởi nghiệp kinh doanh nhỏ không hoành tráng, to tát như những gì xã hội vẫn nghĩ. Kinh doanh nhỏ là một hướng an toàn khi khởi nghiệp với một loạt các ưu điểm như cần ít vốn, thu hồi vốn dễ, không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm, dễ dàng chuyển đổi, cũng dễ dàng rút lui khi có sự cố.

Zara, thương hiệu bán lẻ thời trang thành công nhất thế giới được thành lập vào năm 1975 tại Tây Ban Nha bởi Amancio Ortega và Rosalía Mera. Kinh phí thành lập công ty chỉ vỏn vẹn 30 Euro. Đây một ví dụ điển hình của khởi nghiệp kinh doanh nhỏ. Quả thật, kinh doanh nhỏ, nhưng có thể tạo nên thành công lớn.

Những điều cần xác định trước khi khởi nghiệp kinh doanh nhỏ

Nếu đang suy nghĩ về khởi nghiệp kinh doanh, bạn có thể đã có ý tưởng về những gì muốn bán, hoặc ít nhất là thị trường muốn tham gia. Nếu vẫn còn mơ hồ, bạn có thể lướt qua Top 4 ý tưởng khởi nghiệp tại đây.

Để những ý tưởng trên không chết yểu, trước hết bạn nên tìm kiếm nhanh các cái tên hiện có trong ngành đã chọn. Bạn cũng cần tìm hiểu phương thức kinh doanh mà chủ nhân hiện tại của thương hiệu ấy đang làm.

lam sao de nhung y tuong khoi nghiep khong chet yeu
Làm sao để những ý tưởng khởi nghiệp không chết yểu?

Nếu cho rằng mô hình kinh doanh nhỏ của mình có thể cung cấp các sản phẩm mà các công ty khác không có (hoặc cung cấp cùng sản phẩm nhưng có tính cạnh tranh hơn), bạn có thể thêm vững tin vào ý tưởng của mình. Tuy nhiên, bạn vẫn cần xác định các điểm mấu chốt sau để sẵn sàng bước vào con đường khởi nghiệp kinh doanh nhỏ.

Để hiểu sâu hơn về các kỹ năng cần có khi khởi nghiệp, bạn có thể truy cập bài viết: “Các kỹ năng cần trang bị khi muốn khởi nghiệp kinh doanh“.

Xác định lý do tại sao bạn khởi nghiệp 

Trung Quốc là thị trường tỷ dân, nơi các nhà khởi nghiệp kinh doanh nhỏ gặp khó khăn khi tiếp cận với khách hàng. Nắm bắt được điều đó, Jack Ma đã bắt đầu sự nghiệp của mình với Alibaba, mô hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu của những doanh nghiệp nhỏ.

Còn Michael Dell, ông đã học cách hoàn thiện, nâng cấp máy tính sau đó bán cho những người cùng khu trọ có nhu cầu đổi mới máy tính với giá chỉ bằng ⅔ thị trường. Đây cũng là khởi đầu của thương hiệu máy tính Dell đình đám ngày nay.

Biết lý do tại sao bạn theo đuổi hành trình khởi nghiệp kinh doanh nhỏ là điều tối quan trọng. Trong quá trình này, sẽ tốt hơn nữa nếu bạn xác định được mô hình kinh doanh của mình xuất phát từ những lý do cá nhân hay lý do thị trường. Như những ví dụ trên, khi lý do tại sao lại khởi nghiệp của bạn tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu trên thị trường thì phạm vi kinh doanh sẽ luôn lớn hơn. Ít nhất là khi so với một công ty được khởi nghiệp để phục vụ nhu cầu cá nhân của người chủ.

Xác định khách hàng mục tiêu của bạn.

Có rất nhiều người bắt đầu con đường khởi nghiệp kinh doanh nhỏ mà không dành thời gian để suy nghĩ xem khách hàng của họ là ai và tại sao muốn mua hàng của họ hoặc thuê họ.

Xác định khách hàng mục tiêu quan trọng hơn nhiều những gì bạn vẫn nghĩ. Một nhà kinh doanh quần áo phụ nữ sẽ hướng quảng bá của mình vào phụ nữ. Tương tự, các công ty bán bảo hiểm nhân thọ cho những người gần đến tuổi nghỉ hưu mục tiêu là những người từ 50 tuổi trở lên. Các doanh nghiệp nhỏ còn có thể xác định thị trường mục tiêu thông qua thói quen mua hàng của người tiêu dùng.

dau la khach hang muc tieu cua ban
Đâu là khách hàng mục tiêu của bạn?

Điều này đặc biệt đúng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Một nhà hàng có thể thu hút các gia đình có con nhỏ hoặc các cặp vợ chồng trẻ đến ăn tối. Trong khi đó, nhà hàng kia lại đông khách vào buổi trưa, với khách hàng chính là dân văn phòng. Do vậy, khi lên kế hoạch kinh doanh, chủ hai nhà hàng cần có thực đơn cũng như cung cách phục vụ khác nhau.

Lập kế hoạch kinh doanh

Ở các phần trên, khi đề cập đến các câu hỏi như Mục đích kinh doanh của bạn là gì? Đối tượng khách hàng hướng tới?, bạn đã tiến những bước đầu trong việc lập kế hoạch kinh doanh. Ngoài việc đặt ra các câu hỏi mang ý nghĩa quyết định và trả lời chúng, một kế hoạch kinh doanh tốt cần tính đến hai công đoạn sau:

Nghiên cứu thị trường

Hiểu biết kỹ lưỡng về lĩnh vực kinh doanh và các thông tin về khách hàng tiềm năng là một phần quan trọng trong việc lập kế hoạch kinh doanh. Nghiên cứu thị trường giúp bạn hiểu được khách hàng mục tiêu. Việc nắm bắt được nhu cầu, sở thích và hành vi của họ sẽ giúp bạn đem đến những khác biệt cho người tiêu dùng.

hieu thi truong moi thu duoc loi tu thi truong
Hiểu thị trường mới thu được lợi từ thị trường

Bởi với mô hình kinh doanh nhỏ, nguồn lực của bạn sẽ không đủ lớn để cạnh tranh về mặt giá cả đối với những cái tên đã có từ lâu đời. Các doanh nghiệp nhỏ tốt nhất nên có sản phẩm hoặc dịch vụ khác biệt với đối thủ cạnh tranh.

Cân nhắc chiến lược rút lui

Thật khó để chấp nhận nếu bạn đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp kinh doanh nhỏ lại tính đến chuyện rút lui. Tuy nhiên, điều này cũng giống như việc khi lên máy bay, việc đầu tiên hãng hàng không chỉ cho bạn là các lối thoát hiểm để rời khỏi.

Đã có quá nhiều startup trẻ thất bại vì không có phương hướng giải quyết cho mô hình kinh doanh đang sa vào vũng lầy. Luôn tiềm ẩn những rủi ro khi bạn bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh nhỏ. Do đó, tính toán, hiểu biết và lập kế hoạch cho rủi ro là một bước quan trọng cần thực hiện trước khi bạn bắt tay vào kinh doanh.

Có trong đầu một số ý tưởng về cách bạn rời khỏi công việc kinh doanh cũng sẽ buộc bạn phải nhìn về tương lai. Điều này sẽ giúp bớt đi một vài sắc hồng trong cách nhìn thay vào đó là những suy nghĩ thực tế hơn.

Đánh giá nguồn lực tài chính của bạn

Khởi nghiệp kinh doanh nhỏ, quy mô không lớn, nhưng cũng yêu cầu bạn bỏ ra một khoản tiền. Do đó, bạn cần xác định xem mình sẽ xoay sở những chi phí đó ra sao. Bạn có nguồn lực tài chính đủ để đầu tư cho mô hình kinh doanh, hay bạn sẽ cần vay tiền? Nếu bạn đang có ý định rời bỏ công việc hiện tại để tập trung vào khởi nghiệp kinh doanh nhỏ, bạn liệu đủ tiền để nuôi sống bản thân cho đến khi công việc kinh doanh mới này kiếm được lợi nhuận?

kha nang tai chinh cua ban co du vung
Khả năng tài chính của bạn có đủ vững?

Nhiều dự án khởi nghiệp thất bại vì cạn kiệt tài chính trước khi thu được lợi nhuận. Do vậy, không bao giờ là một ý tưởng tồi nếu bạn có các bước đánh giá nguồn lực tài chính của mình.

Thực hiện phân tích hòa vốn

Một cách để xác định số tiền bạn cần cho việc khởi nghiệp kinh doanh nhỏ là thực hiện phân tích hòa vốn. Bạn có thể thực hiện phân tích bằng một công thức rất đơn giản:

Chi phí cố định ÷ (Giá trung bình – Chi phí biến đổi) = Điểm hòa vốn

Khi thực hiện phân tích hòa vốn theo công thức trên, bạn sẽ xác định được một số yếu tố quan trọng sau:

*Xác định khả năng sinh lời: Đây thường là mục đích cao nhất của mọi chủ doanh nghiệp. Qua quá trình tính toán, bạn hãy trả lời các câu hỏi như: Tôi cần tạo ra bao nhiêu doanh thu để trang trải tất cả các chi phí của mình? Sản phẩm hoặc dịch vụ nào hứa hẹn sẽ thu được lợi nhuận và sản phẩm hoặc dịch vụ nào có nguy cơ bị lỗ?

*Định giá một sản phẩm hoặc dịch vụ: Qua phân tích hòa vốn, bạn cần xem xét chi phí để tạo ra sản phẩm là bao nhiêu và các đối thủ cạnh tranh định giá sản phẩm của họ như thế nào. Hãy tự hỏi bản thân: Tỷ lệ cố định, chi phí biến đổi là gì, và tổng chi phí là gì? Chi phí của bất kỳ hàng hóa vật chất nào? Giá nhân công là bao nhiêu?

Xem xét các khoản chi tiêu

Đừng chi tiêu quá mức khi mới bắt đầu kinh doanh bằng cách tránh đổ tiền vào quá nhiều các thiết bị, dịch vụ phát sinh. Những khoản này sẽ không giúp bạn đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.

Jean Paldan, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Rare Form New Media cho biết: “Rất nhiều công ty khởi nghiệp có xu hướng tiêu tiền vào những thứ không cần thiết. Chúng tôi đã làm việc với một công ty khởi nghiệp có hai nhân viên nhưng đã sử dụng không gian văn phòng phù hợp với 20 người. Họ cũng thuê một máy in cao cấp chuyên nghiệp cho một nhóm 100 người. Hãy chi tiêu càng ít càng tốt khi bạn bắt đầu và chỉ vào những thứ cần thiết để doanh nghiệp phát triển. Sự xa xỉ có thể được chấp nhận khi thành công tới”.

Cân nhắc các lựa chọn các nguồn hỗ trợ kinh phí 

Vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp của bạn có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Nguồn vốn của bạn phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ tín nhiệm, số tiền cần thiết và các nguồn vay có sẵn. Bạn có thể chọn sử dụng các dịch vụ cho vay kinh doanh, các khoản trợ cấp kinh doanh hay các nhà đầu tư.

Đặt mục tiêu và kỳ vọng thực tế

Một trong những lý do lớn nhất khiến công việc kinh doanh thất bại chính là những kỳ vọng “ngây thơ”. Sự khác biệt giữa những người khởi nghiệp thành công và thất bại là sự kiên trì và tính thực tế trong cách nhìn.

Bạn có thể dựa trên các tiêu chí SMART để thiết lập mục tiêu kinh doanh. Tiêu chí SMART là viết tắt của Specific (cụ thể), Measurable (đo lường được), Attainable (có thể đạt được), Relevant (thực tế), Time-Based (thời gian hoàn thành).

thiet lap muc tieu voi tieu chi smart
Thiết lập mục tiêu với tiêu chí SMART

Ví dụ, bạn muốn khởi nghiệp kinh doanh nhỏ bằng cách nhận Order mỹ phẩm chính hãng sau đó bán trên các nền tảng thương mại điện tử. Mục tiêu và kỳ vọng kinh doanh của bạn nếu được phác thảo qua các tiêu chí SMART sẽ là:

*Specific (cụ thể) : Bạn sẽ bán mỹ phẩm của The Ordinary trên nền tảng Shopee.

*Measurable (đo lường được): Bạn đặt ra mục tiêu tháng đầu tiên cần bán được 100 sản phẩm. Do đó, mỗi ngày cần có ít nhất 3 sản phẩm được bán ra.

*Attainable (có thể đạt được): Con số 100 sản phẩm bán ra hoàn toàn hợp lý. Thứ nhất: giá thành của sản phẩm The Ordinary không quá cao, các sản phẩm của hãng được người dùng yêu thích. Thứ hai: sàn thương mại điện tử Shopee thu hút hàng trăm ngàn lượt truy cập mỗi ngày, đăng bán sản phẩm lên Shopee rất dễ thu hút được khách hàng. Thứ ba: Mỹ phẩm The Ordinary có nhiều loại, đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng.

*Relevant (tính liên quan): Bạn đã từng sử dụng sản phẩm của The Ordinary nên hiểu rõ về chất lượng. Bạn có thể giải đáp những thắc mắc của người mua đối với sản phẩm.

*Time-Based (thời gian hoàn thành): Cửa hàng trên Shopee của bạn sẽ đạt mốc 100 sản phẩm bán ra trong vòng một tháng.

Đặt tên cho doanh nghiệp 

Đặt tên cho doanh nghiệp có lẽ là một trong những phần thú vị và cũng là thử thách cho bạn khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh nhỏ. Có thể nói, cái tên, thương hiệu chính là linh hồn của mỗi doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên khi Central Retail đổi tên siêu thị Big C thành Tops Market, Đại siêu thị Big C thành Go! sau khi thôn tính được thương hiệu Việt này.

Do đó, bạn hãy nghĩ về những gì mong muốn đem lại với mô hình khởi nghiệp kinh doanh nhỏ đẻ sáng tạo ra một cái tên mới lạ. Theo tạp chí Inc., nhiều startup gặp khó khăn trong giai đoạn đặt tên và xây dựng thương hiệu. Một tip giúp công việc này trở nên dễ dàng hơn chính là hãy nghĩ ngay đến những cái tên dễ nhớ, gợi nhiều liên tưởng.

Bắt đầu quảng bá thương hiệu

Nếu bạn muốn có một doanh nghiệp nhỏ thành công, hãy bắt đầu làm quen với các bước quảng bá. Nền tảng mạng xã hội là một gợi ý hoàn hảo cho các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh nhỏ có ít ngân sách đầu tư cho lĩnh vực quảng bá. Cả Facebook và Google đều cung cấp các chương trình quảng cáo chi phí thấp có thể đưa thương hiệu của bạn đến với nhiều người hơn.

quang ba doanh nghiep giup mo rong mang luoi khach hang
Quảng bá doanh nghiệp giúp mở rộng mạng lưới khách hàng 

Một số kỹ năng công nghệ chủ doanh nghiệp nhỏ cần có 

Để khởi nghiệp thành công và duy trì mô hình kinh doanh phát triển trong thời đại 4.0, bạn cần làm chủ một loạt các kỹ năng công nghệ. Với những kỹ năng mềm ấy, bạn sẽ tăng cơ hội thành công trong kinh doanh bằng cách tiết kiệm thời gian cho mình, giảm sự phụ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài và có các cơ hội mới để thu hút được lượng lớn khách hàng, gia tăng doanh số.

Excel

Excel không phải là một phần mềm mới. Lần đầu tiên ra mắt vào đầu những năm 1990, phần mềm bảng tính này vẫn là một công cụ kinh doanh quan trọng để sắp xếp và tính toán, phân tích dữ liệu.

Nếu trước nay chỉ sử dụng Excel để tạo các bảng tính cơ bản, bạn vẫn nên đầu tư một chút thời gian để tìm hiểu thêm về các chức năng mạnh mẽ khác đấy. Excel có thể được sử dụng để làm mọi việc, từ lập lịch và theo dõi bán hàng đến tạo hóa đơn, biên lai, cân đối thu chi, báo cáo tài chính,…

Truyền thông mạng xã hội

Gần như mọi chủ nhân của các dự án khởi nghiệp kinh doanh đều cho rằng họ hiểu về truyền thông mạng xã hội, nhưng hầu hết lại không sử dụng nó một cách hiệu quả. Bằng cách coi mạng xã hội là phương thức quảng cáo ưu việt, bạn sẽ thu hút được một lượng người theo dõi trung thành. Những người này sẽ giới thiệu cho cộng đồng của họ các sản phẩm và dịch vụ của bạn. Không phải nghi ngờ gì nữa, đây chính là phương thức quảng bá hiệu quả nhất.

mang xa hoi la phuong thuc quang cao hieu qua
Mạng xã hội là phương thức quảng cáo hiệu quả

Để thành công trong việc quảng bá trên các mảng truyền thông số, bạn cần thành thạo, có hiểu biết và có nền tảng kết nối tốt trên các kênh truyền thông phổ biến như Facebook, Instagram, Twitter. Bạn có thể tham khảo các công cụ Marketing số phổ biến nhất tại đây.

Chiến lược marketing thông qua mạng xã hội mang lại hiệu quả cao trong kinh doanh, bạn có thể tham khảo thêm qua bài viết: “Nghệ thuật marketing mạng xã hội cho một khởi đầu kinh doanh tốt“.

Google Analytics

Nếu bạn đã đầu tư thời gian và tiền bạc vào một trang web, trang Fanpage, nội dung và SEO để quảng bá thương hiệu của mình như đã đề cập ở các phần trên, bạn hẳn là muốn theo dõi kết quả của những nỗ lực đã bỏ ra. Mặc dù có rất nhiều công cụ phân tích trên thị trường, nhưng Google Analytics vẫn là một trong những công cụ tốt nhất cho bạn khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh nhỏ.

Với Google Analytics, bạn sẽ có thể kiểm tra số lượng khách truy cập trang web, cũng như tìm hiểu sâu hơn về những người này là ai, họ đang xem gì trên trang web của bạn và thời gian họ dành cho mỗi trang. Bạn cũng sẽ có thể xem cách khách truy cập vào trang web của bạn và những phương thức nào đã giới thiệu họ đến bạn. Đây là tất cả dữ liệu có giá trị có thể giúp bạn xác định điều gì hiệu quả, điều gì không và bạn nên làm gì để tăng lưu lượng truy cập trang web.

Còn rất nhiều những kỹ năng khác mà bạn nên thành thạo khi bắt tay vào con đường khởi nghiệp.

Các câu hỏi thường gặp về khởi nghiệp kinh doanh nhỏ

Khởi nghiệp chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Và khi nhen nhóm ý định khởi nghiệp, dẫu được hướng dẫn kỹ càng nhưng hẳn bạn vẫn hoang mang với một loạt những câu hỏi. Những giải đáp dưới đây hẳn sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn đó.

Tôi có thể bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh với số vốn ít ỏi? 

Khi nung nấu ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh, hãy cứ tiếp tục làm việc ở vị trí hiện tại của bạn để giảm rủi ro tài chính. Khi bạn đã phát triển ý tưởng kinh doanh và đã sẵn sàng bắt đầu bạn sẽ cần phải chuẩn bị được nguồn vốn nhất định.

Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ việc vay từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính như một cách để đưa doanh nghiệp của bạn đi vào hoạt động.

Ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh nhỏ dễ bắt đầu nhất là gì? 

Công việc kinh doanh dễ dàng nhất để bắt đầu là một công việc đòi hỏi ít hoặc thậm chí là không cần khoản đầu tư tài chính, cũng như không cần phải đào tạo chuyên sâu để học hỏi kinh doanh. Một trong những loại hình kinh doanh mới dễ bắt đầu nhất là kinh doanh bán lẻ theo hình thức Dropshipping.

Dropshipping là một phương thức bán lẻ mà bên kinh doanh không bao giờ giữ sản phẩm mà họ bán. Thay vào đó, khi nhà bán lẻ bán một trong những sản phẩm mà họ có trên trang web của mình, họ sẽ mua mặt hàng đó từ nhà cung cấp bên thứ ba, sau đó sẽ giao hàng trực tiếp đến khách hàng cuối cùng.

de dang khoi nghiep voi dropshipping

Dễ dàng khởi nghiệp với Dropshipping 

Dropshipping không yêu cầu quản lý hàng tồn kho, giúp bạn tiết kiệm được những rắc rối khi mua, lưu trữ và theo dõi kho hàng. Thay vào đó, một công ty khác sẽ thực hiện đơn đặt hàng của khách hàng theo yêu cầu của bạn. Công ty này sẽ quản lý hàng tồn kho, đóng gói hàng hóa và vận chuyển các đơn hàng kinh doanh của bạn.

Mặc dù bắt đầu kinh doanh Thương mại điện tử không bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nhanh chóng trở thành công khi khởi nghiệp kinh doanh nhỏ trực tuyến, thì bắt đầu kinh doanh theo hình thức dropshipping là một gợi ý không tồi.

Khi nào là thời điểm tốt nhất để bắt đầu kinh doanh?

Mốc thời gian lý tưởng để bắt đầu một công việc kinh doanh mới của mỗi người sẽ khác nhau. Đầu tiên và quan trọng nhất, bạn nên bắt đầu kinh doanh khi bạn có đủ thời gian để dành sự quan tâm của mình cho con đường khởi nghiệp kinh doanh nhỏ sắp đi.

Tỷ lệ thất bại khi khởi nghiệp kinh doanh nhỏ là bao nhiêu?

Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất mà những người bắt đầu kinh doanh gặp phải là nguy cơ thất bại. Và nó không phải là một nỗi sợ hãi phi thực tế. Theo một số thống kê, hơn 50% doanh nghiệp nhỏ thất bại ngay trong năm đầu tiên và hơn 95% doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ thất bại trong vòng 5 năm kế tiếp.

Tuy nhiên, số liệu thống kê ấy không ngăn cản bạn bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Trong thực tế, những con số ấy nên có tác động ngược lại. Bằng cách biết tại sao phần lớn các doanh nghiệp nhỏ thất bại trong năm đầu tiên của họ, bạn có thể lập kế hoạch chiến lược kinh doanh để vượt qua những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Tất nhiên, những kinh nghiệm từ người đi trước sẽ không thể giúp bạn loại bỏ hoàn toàn tất cả rủi ro. Tuy nhiên, nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những gì bạn có thể làm trong các tình huống khác nhau có khả năng phát sinh.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp, công ty, cửa hàng nhỏ thất bại là gì?

Theo thống kê, nguyên nhân cơ bản khiến các nhà khởi nghiệp kinh doanh thất bại là do không hiểu biết về nhu cầu thị trường. Trên thực tế, 42% doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ phải đóng cửa vì lý do này. Vì vậy, một lần nữa cần khẳng định, bạn nên chắc chắn điều bạn đang cung cấp cho khách hàng là những gì thị trường cần chứ không đơn thuần là những gì bạn muốn.

nhieu nguyen do khien khoi nghiep that bai
Nhiều nguyên do khiến khởi nghiệp thất bại 

Lý do tiếp theo rất có thể khiến các doanh nghiệp mới thất bại là vì nguồn vốn yếu kém. Kết quả khảo sát cho thấy 29% dự án khởi nghiệp kinh doanh nhỏ được báo cáo đã thất bại vì thiếu nguồn lực tài chính. Các nguyên nhân khác dẫn đến sự thất bại của công ty khởi nghiệp bao gồm không thể tìm được đối tác phù hợp để làm việc cùng, các vấn đề liên quan đến chi phí sản xuất,…

Thách thức lớn nhất khi khởi nghiệp kinh doanh nhỏ là gì? 

Trong những năm đầu tiên khởi nghiệp, bạn sẽ đối mặt với một số thách thức có thể hạn chế sự phát triển của việc kinh doanh. Và như đã đề cập ở phần trên, một trong những thách thức hàng đầu mà các các startup kinh doanh phải đối mặt là tài chính. Vì các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ không có lợi thế bởi nguồn vốn dồi dào. Do đó, những startup trẻ thường phải vật lộn để tìm ra cách thể quản lý tài chính phù hợp.

Kết luận

Khởi nghiệp kinh doanh nhỏ nghe qua có vẻ quá sức và phức tạp. Tuy nhiên nếu bạn chia nó các công việc thành từng bước và linh hoạt trên con đường đã lựa chọn, kết quả hẳn sẽ không hề phụ lòng. Và mong rằng những chia sẻ trên đây của Malu Design sẽ đóng góp một phần nhỏ nào đó trong kết quả không phụ lòng ấy của bạn.