Bạn có biết: “80% khách hàng thừa nhận quên các nội dung quảng cáo mình đã xem chỉ trong vòng có 3 ngày?”
Giật mình, bạn tự vấn: Liệu những nội dung marketing mình ra sức truyền thông trong năm vừa qua liệu có được khách hàng khắc sâu ghi nhớ?
Thành thật mà nói, Brand Awareness – nhận diện thương hiệu là một khía cạnh khá trừu tượng với các doanh nghiệp. Nếu muốn khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu của mình, trước hết, bạn cần đảm bảo nội dung chiến dịch marketing trên phải bám sát những gì giá trị cốt lõi – Core Values mà doanh nghiệp đang muốn lan truyền tới cộng đồng.
Vì vậy, mà Core Values là một thành tố đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp. Không có giá trị cốt lõi, doanh nghiệp giống như một người đang mò mẫn giữa mịt mù bóng tối mà không tìm thấy hướng đi cho mình. Hãy cùng Malu tìm hiểu về khái niệm Core Values, ví dụ từ các công ty lớn về giá trị cốt lõi, và cách xây dựng chúng hiệu quả trong doanh nghiệp.
Những bài viết có liên quan:
- Brand Health: Đo Lường Sức Khỏe Thương Hiệu
- CSR Là Gì? Trách Nhiệm Với Xã Hội Của Doanh Nghiệp
- Market Research – 6 Bước Nghiên Cứu Thị Trường Hiệu Quả
- Ethical Marketing Là Gì? Khái Niệm Đạo Đức Trong Kinh Doanh
- Product Life Cycle – Khái Niệm Vòng Đời Sản Phẩm Trong Marketing
- Brand Extension: Chiến Lược Mở Rộng Thương Hiệu Là Gì?
- Brand Culture Là Gì? 6 Bước Xây Dựng Văn Hóa Thương Hiệu
- Brand Perception – 4 Bước Đo Lường Nhận Thức Thương Hiệu
Mục lục bài viết
Toggle1. Core Values là gì? Tầm quan trọng của giá trị cốt lõi trong doanh nghiệp
Định nghĩa Core Values
Core Values, đơn giản là những lý tưởng, giá trị mà doanh nghiệp của bạn đang đại diện. Giá trị cốt lõi đóng vai trò như kim chỉ nam điều hướng tất cả mọi hoạt động, hành vi và quyết định của doanh nghiệp.
Sẽ có những giai đoạn doanh nghiệp của bạn phải đứng trước những sự lựa chọn mang tính sống còn. Khi soi chiếu với giá trị cốt lõi, bạn sẽ biết được lựa chọn nào là quan trọng với công ty, khách hàng muc tiêu mà bạn đang theo đuổi là ai. Từ đó, bạn đưa ra những quyết định đúng đắn và sáng suốt nhất.
Thông thường, các doanh nghiệp thường gắn Core Values – giá trị cốt lõi với mission, vision, slogan và tagline của doanh nghiệp mình (chính là sứ mệnh, tầm nhìn, thông điệp mà doanh nghiệp muốn gửi gắm cho khách hàng, công chúng).
Tầm quan trọng của Core Values
Core Values đóng vai trò vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp, vì chúng tác động tới quan điểm của khách hàng đối với doanh nghiệp.
Một nghiên cứu từ đại học Harvard đã chỉ ra rằng, 95% khách hàng đưa ra quyết định mua hàng dựa trên tiềm thức của bản thân. Điều đó có nghĩa, những doanh nghiệp chia sẻ những giá trị cốt lõi gần với những lý tưởng mà khách hàng đặt niềm tin sẽ chiếm thế thượng phong trong các cuộc cạnh tranh trên thương trường.
Tương tự với các nhân viên đang làm việc trong công ty. Nhiều bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Core Values có tầm ảnh hưởng lớn tới sự gắn bó của nhân viên với công ty.
Rõ ràng, việc xây dựng giá trị cốt lõi là một điều cần làm với bất kỳ một doanh nghiệp nào. Nhất là trong giai đoạn khách hàng ngày càng trở nên hoài nghi với những giá trị mà doanh nghiệp đem lại cho cộng đồng.
2. Core Values đem lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Đầu tiên, cần phải khẳng định lại rằng: Core Values không chỉ đại diện cho bản thân những sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp bạn đang cung cấp. Không phải là bạn cứ cung cấp sản phẩm chất lượng thì khách hàng sẽ thề nguyện mãi trung thành với thương hiệu của bạn.
Muốn níu giữ khách hàng, bạn cần phải xây dựng mối quan hệ giữa mình và khách ở mức độ sâu hơn thế nữa.
Từ đại học Harvard, giáo sư Gerald Zaltman trong cuốn sách How Customers Think: Essential Insights into the Mind of Market (tạm dịch là Cẩm nang quan trọng để đọc vị tâm lý thị trường) cũng cho rằng: Muốn thành công, doanh nghiệp phải tạo dựng trong tiềm thức của khách hàng một hình ảnh khó có thể phai mờ.
Starbucks là người hơn ai hết thấu hiểu quan điểm trên. Khi bạn đi qua một cửa hàng cafe của hãng, bạn thấy không gian bài trí thật là khác lạ. Ừ thì đúng là cafe của Starbucks có ngon thật, nhưng chỉ vậy thôi là chưa đủ để lưu lại trong tâm trí bạn về một chuỗi cửa hàng phục vụ đồ uống sang chảnh, có không gian ấm cúng và thân thiện.
Điều quan trọng, Starbucks đã biết cách lồng ghép giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, về quan điểm đem lại một không gian ấm cúng và thân thuộc vào bộ nhận diện thương hiệu (logo, các sản phẩm thiết kế), các điểm chạm (không gian quán, thái độ đội ngũ nhân viên) của hãng.
Tóm lại, Core Values đem đến cho doanh nghiệp bạn 7 lợi ích tất cả:
- Đưa ra những quyết định đúng đắn dựa trên giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đã vạch sẵn.
- Gắn kết nhân viên với doanh nghiệp.
- Khắc ghi hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
- Xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.
- Giúp khách hàng thêm tin tưởng vào doanh nghiệp.
- Xây dựng tính nhất quán trong thương hiệu.
- Thúc đẩy sự trung thành của khách hàng với thương hiệu.
>>> Customer Experience: Nâng Cao Trải Nghiệm Khách Hàng
3. Xây dựng Core Values trong doanh nghiệp
Khám phá giá trị cốt lõi tiềm ẩn
Trước hết, bạn không phải là người tạo ra giá trị cốt lõi trong doanh nghiệp của mình. Core Values tự sinh ra và nằm ẩn khuất sâu phía bên dưới thương hiệu. Nhiệm vụ của bạn là phải tìm ra, và áp chúng vào những chiến lược quan trọng của doanh nghiệp.
Làm thế nào để khám phá giá trị cốt lõi của doanh nghiệp? Dưới đây là 4 gợi ý của Malu dành riêng cho bạn:
- Thực hiện Brainstorming: Tập hợp đội ngũ quản lý cấp cao của doanh nghiệp, yêu cầu họ đề ra 5 giá trị chính đại diện cho doanh nghiệp. Bạn có thể đặt những câu hỏi gợi mở như: Điều gì đem lại giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp? Khách hàng mục tiêu của chúng ta là ai? Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp là gì? Sử dụng công cụ mindmap – vẽ sơ đồ tư duy để hoạt động Brainstorming thêm hiệu quả.
- Học hỏi từ những thất bại. Nhìn vào những thất bại mà doanh nghiệp đã phải trải qua, tự mình trả lời những câu hỏi như: “Nguyên nhân của những thất bại đó là gì? Giải pháp nào có thể giúp bạn tránh mắc phải sai sót đó trong tương lai?”
- Ngẫm lại những điều bạn đã làm. Xem xét những điều mà doanh nghiệp bạn đang theo đuổi và tự hỏi tại sao mình lại làm như vậy. Ví dụ, bạn là công ty thời trang, và bạn đang tìm mọi cách để sản phẩm mình có thể giao đến tận tay khách trong vòng 24 giờ. Vậy chẳng phải giá trị cốt lõi của doanh nghiệp bạn đang là nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tối ưu hóa hoạt động giao hàng hay sao?
- Nhìn từ những thương hiệu bạn yêu thích. Đề ra một danh sách các tên thương hiệu bạn có cảm tình, viết ra lý do khiến thương hiệu đó trở nên đặc biệt trên thị trường. Sau đó, xác định chủ đề thông điệp xuyên suốt trong các thương hiệu trên, lập một dàn ý để có thể áp dụng vào thương hiệu của bạn.
Truyền tải Core Values tới khách hàng
Một khi đã quyết định những giá trị cốt lõi bạn muốn sử dụng cho doanh nghiệp, đã đến lúc truyền tải chúng một cách rõ ràng.
Giá trị cốt lõi không chỉ được thể hiện qua những câu từ đẹp đẽ, nó còn phải mang tính điều hướng và dễ ghi nhớ. Không chỉ những từ mang tính bay bổng như: “khác biệt”, “tiên phong” hay “sáng tạo”, bạn có thể sử dụng từ mang tính cổ động mạnh, như “tôn trọng”, “khẳng định mình”, “nỗ lực”,…
Câu từ sử dụng phải ngắn gọn, xúc tích và catchy. Câu từ càng “kêu”, càng thu được sự phản hồi của khách hàng một cách dễ dàng.
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp phải mang tính độc nhất. Nó không chỉ phản ánh “quốc hồn quốc túy” của công ty bạn, nó còn giúp thương hiệu nổi bật và tách biệt với các đối thủ cạnh tranh còn lại trong ngành.
Thông điệp của giá trị cốt lõi phải được đánh thẳng vào trọng tâm. Hãy đảm bảo từng câu từng chữ được sử dụng trong Core Values đều phải hàm chứa ý nghĩa nhất định, không bị sử dụng một cách thừa thãi, uổng phí.
4. Ví dụ 5 Core Values của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới
Hãy cùng Malu tìm hiểu ví dụ về 5 doanh nghiệp có giá trị cốt lõi ấn tượng, được khách hàng trên toàn thế giới biết đến và ghi nhớ:
Adidas
Nhận biết mình là doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm thể thao hàng đầu thế giới, Adidas đã lồng ghép trong giá trị cốt lõi của mình rằng: Khi sử dụng các sản phẩm của Adidas, các vận động viên sẽ được hưởng những đặc quyền lớn nhất trong các cuộc cạnh tranh thể thao đỉnh cao, để có thể vươn cao, xa và mạnh hơn:
- Chúng tôi cam kết đầu tư không ngừng nghỉ vào thương hiệu và sản phẩm để có thể cạnh tranh trên thị trường.
- Chúng tôi sản xuất những sản phẩm hướng tới khách hàng, không ngừng cải thiện chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đem đến cho họ những giá trị tốt nhất.
- Chúng tôi là người tiên phong trong thiết kế kiểu dáng và tính năng mới của sản phẩm, giúp các vận động viên đạt được thành tích cao nhất trong các cuộc tranh tài.
- Chúng tôi nỗ lực hết sức mình để có thể đạt được kết quả tài chính tốt nhất.
- Là một doanh nghiệp đa quốc gia, chúng tôi có trách nhiệm với xã hội và môi trường xung quanh, đảm bảo cân bằng với trách nhiệm tài chính và tính sáng tạo, đa dạng trong thiết kế sản phẩm.
Ben & Jerry’s Ice Cream
Là một doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm kem nổi tiếng ở Hoa Kỳ, Core Values mà Ben & Jerry’s theo đuổi cũng rất ấn tượng: gắn liền với cam kết đem lại chất lượng sản phẩm tuyệt hảo nhưng không quên nghĩa vụ với các cổ đông và toàn xã hội:
- Sứ mệnh của chúng tôi là đem đến cho khách hàng những sản phẩm kem tuyệt hảo – dành cho bất kỳ ai thưởng thức chúng.
- Chúng tôi cam kết tăng trưởng kinh doanh bền vững.
- Với cộng đồng, chúng tôi sử dụng những cách tiếp cận sáng tạo nhằm giúp thế giới trở nên tươi đẹp hơn.
Một trong những giá trị cốt lõi mà Google theo đuổi từ thủa mới thành lập là “don’t be evil” (tạm dịch là “đừng trở nên độc ác”). Nhưng trong những năm gần đây, thông điệp ấy được “tích cực hóa” lên, trở thành “do the right thing” (“làm những điều đúng đắn”). Cụ thể ở đây là:
- Tập trung vào người dùng hiện tại, và cả những người dùng tiềm năng trong tương lai.
- Tập trung vào một việc và làm chúng tốt nhất có thể.
- Nhanh tốt hơn chậm.
- Đảm bảo tính “dân chủ” trên môi trường web.
- Câu trả lời không nhất thiết phải nằm trên bàn làm việc.
- Có thể kiếm tiền mà không làm điều ác.
- Có rất nhiều thông tin bên ngoài kia.
- Nhu cầu tiếp cận thông tin là không biên giới.
- Bạn có thể nghiêm túc mà không cần phải mặc suit.
- “Great” là chưa đủ (ý của Google ở đây là bạn cần phải phấn đấu tốt hơn khả năng của bản thân).
Có thể thấy, Google đang áp dụng trực tiếp nhiều lý tưởng được trích dẫn ở phía trên cho hoạt động kinh doanh của bản thân, như: khuyến khích nhân viên ăn mặc thoải mái khi làm việc, đảm bảo tính chính xác và trung lập trong kết quả tìm kiếm, môi trường làm việc năng động,…
Starbucks
Starbucks có thể coi là một cuộc cách mạng trong thị trường kinh doanh đồ uống tại Hoa Kỳ. Dưới đây chính là Core Values là hãng đang theo đuổi, có thể giúp bạn phần nào hiểu được thành công của họ:
- Tạo một không gian ấm cúng và thân thuộc, nơi ai cũng được chào đón.
- Thách thức sự đứng yên, làm việc với tinh thần cầu tiến, tìm những phương cách mới để phát triển doanh nghiệp và bản thân.
- Luôn xuất hiện, kết nối với khách hàng bằng sự tôn trọng, phẩm giá và minh bạch.
- Cố gắng hết sức mình, dám làm dám chịu.
JPMorgan Chase
Là một trong những ngân hàng và tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, JPMorgan Chase cũng đặt ra cho mình những giá trị cốt lõi để theo đuổi:
- Cung cấp các dịch vụ cho khách hàng chuyên nghiệp.
- Tổ chức hoạt động xuất sắc.
- Cam kết minh bạch, công bằng và có trách nhiệm.
- Một tổ chức giỏi, với văn hóa doanh nghiệp xuất sắc
Bạn có thể thấy giá trị cốt lõi của JPMorgan Chase có phần khác với ví dụ về Starbucks ở phần trên: Một tổ chức thì đặt giá trị thuần túy của doanh nghiệp lên hàng đầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì hướng tới khách hàng, có câu từ khá bay bổng và mang tính văn thơ.
Điều này cho thấy: Tùy ngành nghề kinh doanh mà bạn định hướng Core Values – giá trị cốt lõi của doanh nghiệp một cách phù hợp. Với ngành dịch vụ, mục tiêu làm hài lòng và giữ chân khách hàng là quan trọng nhất. Với ngành sản xuất, mục tiêu về chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên hàng đầu.
Tổng kết
Core Values – giá trị cốt lõi, là một thành tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng tới chiến lược kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu, và các quyết định sống còn của công ty. Giá trị cốt lõi nhằm truyền tải lý tưởng của doanh nghiệp tới cộng đồng, nâng cao mối quan hệ bền chặt giữa công ty với khách hàng, níu giữ nguồn nhân lực tài giỏi, và thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với toàn xã hội.
Để xây dựng Core Values, các công ty cần khám phá giá trị cốt lõi ẩn sâu bên trong mình, truyền tải chúng với ngôn từ ngắn gọn, xúc tích, với câu từ mang tính định hướng và mạnh mẽ. Tùy vào lĩnh vực kinh doanh và định hướng phát triển mà doanh nghiệp có thể đề ra giá trị cốt lõi phù hợp.