Từ các trang báo: “Apple là thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2022”; “Google dẫn đầu danh sách thương hiệu truyền cảm hứng”,… cho đến những chủ đề được thảo luận xôn xao: “Thương hiệu của người Việt”,… dường như không quá khó để bắt gặp cụm từ “thương hiệu”.
Vậy rốt cuộc, “thương hiệu là gì?” – câu hỏi tưởng chừng vô cùng đơn giản này rõ ràng lại chính là trọng tâm của cả một quá trình xây dựng và quản trị về sau.
Chúng ta vẫn thường nghe rất nhiều người làm trong lĩnh vực kinh doanh hay marketing sử dụng thuật ngữ “Thương hiệu”, nhưng có một sự thật là không phải “người trong ngành” nào cũng hiểu chính xác về thuật ngữ này.
Trong phần tiếp theo, khái niệm này sẽ được làm rõ qua từng câu hỏi:
Một số bài viết liên quan:
- Brand Health – Cách đo lường sức khỏe thương hiệu hiệu quả
- Brand Research – 6 bước nghiên cứu thị trường bứt phá mục tiêu
- Employer Branding là gì? Phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng
- 5 Mẹo Thiết Kế Sản Phẩm, Bao Bì Đẹp Ấn Tượng Cho Thương Hiệu
- Brand Extension: Chiến Lược Mở Rộng Thương Hiệu Là Gì?
- Brand Culture Là Gì? 6 Bước Xây Dựng Văn Hóa Thương Hiệu
Brand là gì? Định nghĩa về thương hiệu
Thương hiệu là tổng hợp tất cả các dấu hiệu nhận biết, những cảm nhận và ấn tượng trong tâm trí về một sản phẩm, công ty hoặc cá nhân nào đó. Không chỉ là một cái tên hay một logo, thương hiệu chính là những liên tưởng về giá trị, về hình tượng mà những yếu tố này gợi lên.
Hãy cùng suy nghĩ và thử phân tích về một thương hiệu bất kỳ nào mà bạn biết. Ở đây, vì rất thích Apple nên chúng tôi sẽ lấy thương hiệu của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này làm ví dụ.
Thương hiệu Apple là gì?
Nếu câu trả lời cho câu hỏi trên là: máy tính, điện thoại và những đồ công nghệ tuyệt vời khác mà chúng ta không thể sống thiếu, thì có lẽ bạn nên đọc lại khái niệm. Đó chỉ là những sản phẩm do Apple sản xuất mà thôi.
Và đó cũng không phải là những quảng cáo TV bóng bẩy hay những bài thuyết trình được dàn dựng ấn tượng hay những mặt tiền cửa sang trọng. Các yếu tố trên chỉ nằm trong lĩnh vực marketing và quảng cáo. Nhưng chưa hết, ngay cả cái tên Apple hay logo cũng không thể bao hàm được ý niệm của chúng ta khi nói về Thương hiệu Apple.
Thương hiệu Apple không phải là một sự vật, không ai có thể cầm nó hoặc nghe nó hoặc thậm chí chạm vào nó. Đó là bởi vì thương hiệu sống trong tâm trí, thương hiệu là tất cả những điều ta cảm nhận về Apple (chất lượng cao, đắt tiền, liên tục cải tiến,…). Suy nghĩ sống trong tâm trí của tất cả những người trải nghiệm chúng: nhân viên, nhà đầu tư, giới truyền thông và có lẽ quan trọng nhất là khách hàng.
Nói một cách đơn giản, thương hiệu là nhận thức.
CEO của Amazon – Jeff Bezos đồng thời cũng đưa ra một định nghĩa về brand:
Thương hiệu của bạn sẽ là những gì người ta nói về khi bạn không ở đó.
>> Brand Awareness – Cẩm nang về nhận diện thương hiệu
Giá trị kinh doanh của một thương hiệu là gì
Thương hiệu sẽ trở thành một công cụ kinh doanh được dùng để thúc đẩy ROI (tỷ suất hoàn vốn) thành một chỉ số có thể đo lường được. Thương hiệu có thể chỉ là một yếu tố vô hình nhưng nó cũng có thể là thứ giá trị nhất mà Apple sở hữu.
Như chúng ta đã tìm hiểu ở phần trước, thương hiệu của Apple là cảm nhận của những người trải nghiệm về sản phẩm và về doanh nghiệp. Nhìn xa hơn, khi khách hàng dành một cảm tình đủ lớn cho thương hiệu, vậy thì việc trải nghiệm liền mạch các sản phẩm của họ là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Thương hiệu Apple chính là lý do khiến các doanh nghiệp khác không thể trả tiền cho nhiều khách hàng của Apple để sử dụng bất kỳ sản phẩm nào khác.
Vì lý do này, thương hiệu có thể coi là một lợi thế cạnh tranh “tối thượng” của Apple tính đến thời điểm hiện nay. Và hiển nhiên nó trở thành tài sản quý giá nhất của Apple, không một yếu tố nào có thể sánh bằng.
Một thương hiệu mạnh sẽ làm tăng khả năng khách hàng lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty đó so với các đối thủ cạnh tranh. Nó thu hút nhiều khách hàng hơn, với chi phí cho mỗi lần mua lại thấp hơn. Tỷ lệ người sẵn lòng trả nhiều hơn để sở hữu sản phẩm và tỷ lệ mua lại đều sẽ tăng lên.
Để hiểu rõ hơn về giá trị của thương hiệu, chúng ta cùng phân tích sâu hơn vào các thành tố của nó.
Các thành tố của một thương hiệu là gì?
Thương hiệu bao gồm nhiều thành tố khác nhau. Hãy nghiên cứu chúng thật kĩ vì đây sẽ là nền tảng quan trọng để khám phá một khái niệm tiếp theo trong bài đăng này, đó là: Xây dựng thương hiệu.
Các yếu tố cơ bản của thương hiệu bao gồm
- La bàn thương hiệu,
- Nguyên mẫu thương hiệu,
- Tính cách thương hiệu,
- Lợi thế cạnh tranh,
- Lời hứa thương hiệu,
- Nhận diện bằng lời nói
- Nhận diện bằng hình ảnh
- Trải nghiệm thương hiệu.
La bàn thương hiệu (Brand Compass)
Brand Compass có thể hiểu là một bảng tóm tắt những nội dung cơ bản nhất về thương hiệu của bạn, bao gồm:
- Mục đích
- Tầm nhìn
- Sứ mệnh
- Giá trị cốt lõi
- Mục tiêu chiến lược
Đó đều là kết quả của toàn bộ quá trình nghiên cứu và hoạch định chiến lược cho thương hiệu. La bàn thương hiệu thể hiện hướng đi và lí do lựa chọn hướng đi đó của công ty.
Vai trò của brand compass là “phiếu trả lời” cho câu hỏi cơ bản nhất mà công ty nào cũng phải đặt ra: Tại sao? Khi đã xác định được mục đích rõ ràng, tầm nhìn thương hiệu sẽ là hình ảnh/ trạng thái mà doanh nghiệp mong muốn đạt tới trong quá trình phát triển dài hạn. Vậy nhiệm vụ của chủ doanh nghiệp là vạch ra một bản kế hoạch để đạt được tầm nhìn qua từng mục tiêu chiến lược – cột mốc quan trọng – trên con đường phát triển đó.
Hình mẫu thương hiệu (Brand Archetype)
Lấy cảm hứng từ các nhà tư tưởng lớn như Plato, Freud, Jung và Joseph Campbell, hình mẫu là những nhân vật, ý tưởng hoặc khái niệm mà mọi người đều rất quen thuộc từ xa xưa, bất kể văn hóa hay xã hội.
Trong tất cả các công cụ phát triển thương hiệu, chỉ có hình mẫu (archetype) mới mang đến cho thương hiệu một sức mạnh đặc biệt. Bởi hình mẫu sẽ chứa đựng những giá trị, trải nghiệm đầy nhân văn và có chiều sâu đã được lan rộng từ hàng chục nghìn năm về trước.
Bằng cách xác định brand archetype mà thương hiệu muốn thể hiện, bạn sẽ xây dựng được một câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ về thương hiệu của mình. Câu chuyện đó không thể không tạo ra sức ảnh hưởng đối với khán giả, vì họ đã quen với khái niệm hay nhân vật trên từ rất lâu rồi.
Đọc thêm >>> Brand Archetype Là Gì – 12 Hình Mẫu Thương Hiệu Bạn Cần Biết
Tính cách thương hiệu (Brand Personality)
Nếu thương hiệu là một con người, vậy nó sẽ có tính cách như thế nào? Tập hợp đặc điểm thái độ và hành vi độc nhất của một thương hiệu đó được gọi là tính cách thương hiệu (Brand Personality).
Tính cách thương hiệu là yếu tố giúp Apple trở thành một nhà thiết kế sang trọng, tối giản hay Baemin trở thành một nhân viên giao hàng hài hước, năng động. Đây cũng chính là một đặc điểm nhận dạng thương hiệu dành cho khách hàng trung thành và là cơ sở hình thành mối quan hệ thân thiết – mang tính cá nhân hóa – giữa họ và thương hiệu.
Đọc thêm >>> Brand Personality – Tạo Dựng Tính Cách Cho Thương Hiệu
Lợi thế cạnh tranh (Competitive Advantage)
Lợi thế cạnh tranh là điều một doanh nghiệp làm tốt hơn bất kỳ doanh nghiệp nào khác.
Việc xác định lợi thế cạnh tranh bền vững rất quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Và việc thể hiện rõ lợi thế cạnh tranh cho khách hàng mục tiêu thấy được cũng quan trọng kém.
Đối với hầu hết các doanh nghiệp, một chiến lược giá trị riêng lẻ như chi phí thấp hoặc tốc độ giao hàng nhanh sẽ không bao giờ bền vững như một lợi thế cạnh tranh về thương hiệu. Bởi đó đều là những yếu tố quá dễ dàng để sao chép.
Để phát biển một lợi thế cạnh tranh dựa trên giá trị độc đáo nhất của doanh nghiệp, có lẽ cách tiếp cận tốt nhất là phân tích từ phía khách hàng mục tiêu và so sánh với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Lời hứa thương hiệu (Brand Promise)
Lời hứa thương hiệu được hiểu là lời cam kết trang trọng của một doanh nghiệp với khách hàng về hoạt động kinh doanh của mình. Ví dụ, hãy nghĩ về lời hứa “an toàn” của thương hiệu nổi tiếng Volvo. Trong nhiều thập kỷ, Volvo đã hứa cung cấp những chiếc xe hơi an toàn nhất trên thị trường đến tay khách hàng, và tất nhiên họ đã làm điều đó – cung cấp những loại xe tuân thủ lời hứa “an toàn”.
Lời hứa thương hiệu được thể hiện dưới nhiều hình thức: khẩu hiệu, thông điệp truyền thông, quảng cáo, phương tiện truyền thông xã hội và hơn thế nữa. Nó sẽ được thể hiện một cách rõ ràng hoặc nằm trong ngụ ý một cách tinh tế.
Tất nhiên, một lời hứa rõ ràng về thương hiệu sẽ hiệu quả hơn nhiều một lời hứa ngầm, bởi không phải khách hàng nào cũng có thể hiểu được. Nhưng hãy nhớ rằng Brand Promise càng rõ ràng, kỳ vọng của khách hàng đối với doanh nghiệp sẽ càng tăng cao.
Cuối cùng, quan trọng nhất, hãy đảm bảo rằng lời hứa thương hiệu ấy được tuân thủ mọi lúc – mọi nơi.
Nhận diện trực quan (Visual Identity)
Visual Identity của thương hiệu là hệ thống tích hợp các yếu tố trực quan làm cho thương hiệu dễ nhận biết và khác biệt. Chúng bao gồm logo , màu sắc đặc trưng , kiểu chữ, hình ảnh, biểu tượng, v.v. Một visual identity được đánh giá là hiệu quả khi thể hiện tốt tất cả các đặc điểm xác định của thương hiệu, bao gồm la bàn thương hiệu, tính cách, lời hứa và hình mẫu của thương hiệu.
Và chắc chắn bộ nhận diện trực quan sẽ là dấu ấn của thương hiệu trên toàn thế giới, vì một hệ thống hình ảnh có thẩm mỹ và đầy ý nghĩa có sức lan truyền mạnh mẽ và tức thì các cá tính thương hiệu cho bất kì ai trải nghiệm nó.
Đọc thêm >>> BRAND Visual Brand Identity là gì? Visual identity quan trọng với thương hiệu như thế nào
Nhận diện bằng lời nói (Verbal Identity)
Trái ngược với nhận diện trực quan, nhận diện bằng lời nói của thương hiệu là hệ thống tích hợp các từ ngữ và thông điệp mà thương hiệu thể hiện. Verbal Identity giúp phân biệt thương hiệu và làm cho thương hiệu dễ nhận biết đối với khán giả.
Verbal Identity bao gồm các yếu tố như tên, slogan, brand voice, câu chuyện thương hiệu và thông điệp mà thương hiệu muốn truyền đạt. Tên và slogan sẽ là một trong những hình ảnh đại diện trực tiếp của một thương hiệu đối với thế giới. Vì thế, chúng phải mang một ý nghĩa sâu sắc về bản chất hoặc là một “bản tóm tắt” bài bản về sứ mệnh của doanh nghiệp.
Nhận diện bằng lời nói cũng có khả năng nhân cách hóa thương hiệu, giúp cho khách hàng dễ dàng nhận ra nó. Trong mọi trường hợp khách hàng tiếp cận với verbal identity, dù là thông qua sản phẩm marketing, kịch bản quảng cáo hay trang web, khách hàng sẽ nhận ra thương hiệu của bạn ngay lập tức. Giống như khi nghe điện thoại, ta có thể nhận ra một người chỉ nhờ lời nói phát lên từ đầu dây bên kia.
Xây dựng thương hiệu là gì?
Branding – Xây dựng thương hiệu là quá trình định hình nhận thức và suy nghĩ của khách hàng về một công ty, tổ chức hoặc cá nhân nào đó.
Bản thân nhận thức không thể tự bước vào cửa hàng để mua sắm hay sử dụng dịch vụ. Nhưng nó chính là yếu tố ẩn sâu thúc đẩy chúng ta làm điều đó, bởi nhận thức sẽ quyết định hành vi.
Một nghiên cứu tâm lý học xã hội đã chỉ ra dù con người nghĩ rằng họ có thể kiểm soát mọi hành động của mình, nhưng thật ra hành vi của chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi những kích thích mà bản thân chúng ta hoàn toàn không nhận biết được.
Vì vậy, những cảm nhận của một cá nhân về thương hiệu – dù có ý thức hay vô thức – sẽ quyết định đến cách họ gắn bó với thương hiệu đó.
Sức mạnh của thương hiệu thể hiện một sự thật rất quan trọng về nhận thức: Nhận thức rất dễ uốn nắn.
Và chúng ta đều đã thầm công nhận điều đó trên thực tế. Dù biết hay không, khách hàng vẫn không ngừng tìm kiếm ý nghĩa và sự thay đổi của thế giới xung quanh. Vì nếu không nắm bắt được điều đó, họ sẽ không biết mình cần phải làm gì. Bất kỳ ai cũng muốn khẳng định sự hiểu biết của mình là đúng đắn.
Theo như cách liên kết trong tư duy, những gì con người nhận thức được chính là những điều có thật đối với họ. Và đây mới chính là điểm xuất phát cho sức mạnh của việc xây dựng thương hiệu. Xây dựng thương hiệu là quá trình hình thành nhận thức, từ nhận thức lại biến thành hiểu biết về thực tế, vậy còn có thể hiểu là: Xây dựng thương hiệu là định hình nhận thức.
Điều này nghe có vẻ hơi bị cường điệu hóa, nhưng đây là sự thật. Sức mạnh của việc xây dựng thương hiệu đối với hành vi thực tế của người tiêu dùng là lí do để các công ty như Apple chi hàng triệu đô la mỗi năm để xây dựng thương hiệu.
Cho dù là thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu dịch vụ hay bất kỳ loại thương hiệu nào khác, khi bạn tận dụng hiệu quả năng lực xây dựng hiểu biết thực tế, bạn có thể điều chỉnh hành vi mua của khách hàng một cách tối ưu nhất.
>>> Branding là gì? Chiến Lược Xây Dựng Thương Hiệu “Bứt Phá” Từ Con Số 0
Vậy tiếp theo, chúng ta cùng xem qua ba yếu tố quan trọng trong hoạt động xây dựng thương hiệu, bao gồm: định vị thương hiệu, kiến trúc thương hiệu và trải nghiệm thương hiệu.
Định vị thương hiệu (Brand Positioning)
Hoạt động định vị thương hiệu rất quan trọng để truyền đạt giá trị độc đáo của thương hiệu cho những khách hàng mục tiêu. Giống như định vị một địa điểm trên bản đồ, định vị thương hiệu sẽ giúp bạn xác lập và chiếm giữ một ví trí duy nhất trong tâm trí khách hàng.
Trả lời cho các câu hỏi: Bạn khác biệt như thế nào so với đối thủ của mình? Bạn là một thương hiệu cao cấp hay một thương hiệu bình dân? Bạn là thương hiệu “máu chiến” hay bảo thủ? Thương hiệu mộng mơ hay thực dụng?
Mỗi tính chất này tồn tại như những dải quang phổ trong tâm trí khách hàng. Việc thương hiệu của bạn nằm ở dải quang phổ nào sẽ quyết định loại hình thương hiệu và cách nó được định vị.
Định vị thương hiệu sẽ định hình sở thích của khách hàng, quyết định hành vi mua hàng và là cơ sở cho lòng trung thành của khách hàng. Các thương hiệu mạnh nhất thế giới được định vị theo những cách mang lại cảm giác phát triển vượt thời đại mà vẫn thực tế.
Đánh giá thương hiệu là một trong những cách tốt nhất để kiểm nghiệm vị trí thương hiệu và của các đối thủ cạnh tranh hàng đầu. Từ bước này, kết hợp với sự hiểu biết nhu cầu của khách hàng, đối thủ, sau đó đưa ra giá trị cá biệt của thương hiệu, đảm bảo doanh nghiệp sẽ có một định vị khác biệt và không thể bị lãng quên.
Đọc thêm >>> Brand Positioning Là Gì? Xây Dựng Chiến Lược Định Vị Thương Hiệu
Cấu trúc thương hiệu (Brand Architecture)
Cấu trúc thương hiệu được hiểu như một cơ cấu phả hệ hoặc sơ đồ tổ chức mà các vị trí trong sơ đồ là các thương hiệu. Nói cách khác, đây là cấu trúc tổ chức của nhiều thương hiệu theo một danh mục nhằm xác định rõ vai trò của từng thương hiệu và mối quan hệ giữa các thương hiệu.
Một kiến trúc thương hiệu cao cấp mang tính chủ định và trực quan cao, dựa trên nghiên cứu về trải nghiệm của khách hàng.
Brand architecture thường được phân loại thành: mô hình thương hiệu cá biệt, mô hình thương hiệu gia đình và mô hình đa thương hiệu. Kiến trúc thương hiệu cá biệt bao gồm một thương hiệu chính duy nhất và nhiều nhãn hiệu con. Kiến trúc đa thương hiệu được cấu tạo gồm các thương hiệu mẹ có liên hệ khác nhau với các bộ phận mà họ chủ trì.
Kiến trúc thương hiệu là cách tốt nhất để tập trung vào phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, cũng cho phép các thương hiệu quảng cáo chéo với nhau và giành quyền kiểm soát cách người tiêu dùng nhìn nhận về thương hiệu.
Đọc thêm >>> Brand Architecture Là Gì? 6 Bước Xây Dựng Cấu Trúc Thương Hiệu
Trải nghiệm thương hiệu (Brand Experience)
Trải nghiệm thương hiệu bao gồm tất cả các cách mà khách hàng có thể trải nghiệm thương hiệu của bạn. Nó trông như thế nào, có âm thanh, cảm giác, mùi và vị ra sao. Từ trải nghiệm trên trang web và thiết bị di động đến trải nghiệm tại cửa hàng và sản phẩm của bạn cũng như mọi thứ trong suốt quá trình tiếp xúc đó.
Những trải nghiệm thương hiệu tốt nhất là những hoạt động được tạo ra với mục đích có ý nghĩa, đáng nhớ, chân thực và trên hết là nhất quán.
Tích cực trau dồi brand experience là cách mạnh mẽ nhất để khơi dậy lòng trung thành của khách hàng và tạo tiền đề cho sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp.
Đọc thêm >>> Customer Experience: Quản Trị Trải Nghiệm Khách Hàng
Tại sao nên đầu tư vào xây dựng thương hiệu?
Như chúng ta đã thấy, bản chất của thương hiệu là nhận thức. Đáng buồn thay, chính sự chần chừ trong việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu của một số CEO cũng là vấn đề liên quan đến nhận thức.
Tất nhiên, rất khó để rút ra mối tương quan trực tiếp giữa việc xây dựng thương hiệu thành công và việc định lượng được lợi nhuận từ thương hiệu. Nhưng thực tế đơn giản là bạn không thể “định giá” được giá trị của việc phát triển một thương hiệu thực sự.
Vậy, tại sao phải đầu tư vào thương hiệu?
Muốn có được hiệu quả, phải tập trung vào từ khóa “đầu tư”. Có quá nhiều công ty coi khoản đầu tư cho xây dựng thương hiệu chỉ là một khoản chi phí nhỏ khác được tính gộp vào ngân sách marketing của họ. Nhưng khi bạn hiểu thương hiệu ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng như thế nào, bạn sẽ thấy rằng đó không chỉ là một phương pháp marketing.
Xây dựng thương hiệu là một chiến lược dài hạn sẽ mang lại lợi nhuận có thể đo lường được trong suốt thời gian phát triển của doanh nghiệp. Dưới đây, hãy xem năm trong số các lợi ích quan trọng mà bạn sẽ nhận được từ việc xây dựng thương hiệu:
Thu hút khách hàng lý tưởng
Trọng tâm của bất kỳ sáng kiến xây dựng thương hiệu nào đều là nghiên cứu khách hàng. Phỏng vấn chuyên sâu cá nhân, phỏng vấn nhóm tập trung và khảo sát trực tuyến cho phép công ty xác định chính xác tập khách hàng phù hợp với mục đích và giá trị của doanh nghiệp.
Với thông tin này, bạn có thể xây dựng đặc điểm chân dung đối tượng mục tiêu một cách rõ ràng và thiết kế những thông điệp phù hợp có mục tiêu cụ thể hướng đến họ.
Khách hàng lý tưởng không chỉ có nhiều khả năng mua những gì bạn đang bán, họ cũng trung thành hơn đáng kể trong mối quan hệ với thương hiệu của bạn. Và lòng trung thành chính là yếu tố có giá trị nhất với thương hiệu.
Tăng hiệu quả tiếp thị
Cách dễ nhất để làm cho các nỗ lực marketing cho hiệu quả hơn là đầu tư vào thương hiệu của chúng.
Khi thương hiệu của bạn nhất quán và rõ ràng, các ý tưởng marketing cũng sẽ như vậy. Các bước đầu xây dựng thương hiệu đã bao gồm xác định thông điệp cốt lõi, tính cách thương hiệu và phân khúc thị trường đầy hứa hẹn của doanh nghiệp.
Việc nghiên cứu khách hàng liên quan đến hoạt động xây dựng thương hiệu cho phép doanh nghiệp phát triển các chiến dịch marketing nhắm đúng mục tiêu vào các khách hàng đáng giá nhất của bạn trên nhiều phân khúc khác nhau.
Một bộ nhận diện thương hiệu thu hút làm cho mọi điểm tiếp thị trở nên hấp dẫn hơn, trong khi đó brand guideline sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho việc xây dựng nội dung và ấn phẩm để phục vụ tất cả các ý tưởng trong tương lai sắp tới.
Quyết định nhanh hơn
Hãy hỏi bất kì nhân viên bán hàng nào – những người tham gia trực tiếp vào “cuộc chiến” giành phần thưởng hoa hồng – họ sẽ khẳng định với bạn rằng: Các thương hiệu được định vị rõ ràng, có vị trí chiến lược tốt sẽ dễ bán hơn rất nhiều.
Đó là bởi vì các “đề xuất” có lợi cho khách hàng đã được xây dựng trong câu chuyện của từng thương hiệu có định vị tốt trong tâm trí khách hàng. Điều này đã đỡ một phần gánh nặng cho nhân viên vì một phần công việc đã được hoàn thành tốt trước khi họ tương tác trực tiếp với khách hàng tiềm năng. Ví dụ khi một người phụ nữ chuẩn bị mua trang phục công sở, cho dù mới là nhu cầu tiềm ẩn, nhưng hãng thời trang cao cấp như NEM đã có sẵn một “đề xuất” đầy hứa hẹn trong tâm trí họ rằng: Những sản phẩm được thiết kế tinh tế, thanh lịch theo phong cách Pháp chắc chắn sẽ mang đến cho bạn sự tự tin, cảm giác trang nhã và thoải mái nhất. Như vậy, nhân viên bán hàng có lẽ sẽ không phải tư vấn hay mời gọi quá nhiều.
Thương hiệu mang lại cho lực lượng bán hàng của doanh nghiệp một lợi thế đặc biệt, giúp họ có thể “chốt đơn” một cách nhanh chóng và tự tin hơn.
Gia tăng giá trị sản phẩm
Đúng như những gì họ nói: khách hàng không mua sản phẩm, họ mua thương hiệu. Và khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho những thương hiệu mà họ cho là có đẳng cấp vượt trội.
Một chiếc đầm của Marc Fashion có giá thấp nhất khoảng 350 nghìn VNĐ. Trong khi đó, một chiếc đầm mang thương hiệu NEM sẽ mang lại ít nhất 1 triệu VNĐ cho doanh thu của họ.
Xây dựng thương hiệu hiệu quả cho phép bạn định vị công ty của mình như một công ty hàng đầu trong ngành, với những đề xuất giá trị nhất mà không đối thủ cạnh tranh nào có thể cung cấp.
Định vị khác biệt có ý nghĩa này đã chứng minh bản thân nó được tích hợp một giá trị hữu hình. Nó giúp củng cố giá trị sản phẩm và cho phép doanh nghiệp đặt giá cao hơn cho hàng hóa và dịch vụ của mình.
Gia tăng giá trị doanh nghiệp
Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của tài sản thương hiệu. Ngoài việc tăng giá trên các dịch vụ của bạn, thương hiệu cũng có thể có tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu của bạn.
Các thương hiệu càng mạnh, hiệu quả tài chính càng lớn hơn. Kết quả lâu dài của việc xây dựng thương hiệu là bản thân công ty đã có giá trị hơn nhiều khi bạn sẵn sàng “nghỉ hưu”.
Không giống như chi phí cải tạo nhà, đầu tư vào thương hiệu mang lại lợi nhuận có giá trị lâu dài, kể cả khi doanh nghiệp bị bán đi.
Ví dụ về thương hiệu hoàn hảo
Cách đơn giản nhất để trả lời cho câu hỏi “Thương hiệu – brand là gì?” chính là đưa ra những ví dụ để các bạn dễ hình dung hơn. Và chắc chắn rồi, Apple là một trong những thương hiệu lớn nhất thế giới không thể không nhắc tên.
Mọi thứ Apple làm đều hình thành lên thương hiệu của họ. Đối với những người không biết (chắc chẳng có ai đâu, nhưng mình vẫn viết vậy) Apple là một trong những công ty về công nghệ lớn nhất thế giới, thiết kế, sản xuất và bán các sản phẩm điện tử, từ laptop tới điện thoại tới cả đồng hồ. Apple được thành lập bởi Steve Jobs và Steve Wozniak vào tháng tư năm 1976 và giờ đây nó đã trở thành tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới.
Mọi thứ Apple làm đều cần sự tính toán và phải thêm được những giá trị cho truyền thông thương hiệu và đặc tính thương hiệu. Cách họ đặt tên cho các dòng sản phẩm (iPhone, iPad, iPod, iMac) thông qua phong cách thiết kế sạch sẽ, ứng dụng cao trên website thêm giá trị vào thương hiệu Apple.
Khi nhắc tới smartphone, thứ nảy lên đầu của rất rất nhiều người đó chính là iPhone. Khi nhắc tới một sản phẩm thông minh nhưng thiết kế cho người mù công nghệ vẫn sử dụng tốt, chỉ có thể là Apple.
Tất cả những gì vừa liệt kê ở phía trên là branding. Khách hàng của Apple tới với hàng bằng nhiều lý do khác nhau, và thật sự Apple đã xây dựng được những điểm chạm thương hiệu xung quanh các insight đó.
>> 7 Nguyên tắc về chiến lược kinh doanh hiện đại