Shopee đã trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Để đạt được thành công này, Shopee đã triển khai những chiến lược Marketing hiệu quả và đáng học hỏi. Hãy cùng tìm hiểu và phân tích về những chiến lược Marketing của Shopee ở bài viết dưới đây.
1. Giới thiệu tổng quan về Shopee
Theo Wikipedia, Shopee là ứng dụng mua sắm trực tuyến, và sàn giao dịch thương mại điện tử có trụ sở đặt tại Singapore, thuộc sở hữu của Sea Ltd (trước đây là Garena), được thành lập vào năm 2009 bởi Forrest Li.
Shopee được giới thiệu lần đầu tại Singapore vào năm 2015, và hiện đã có mặt tại các quốc gia: Singapore; Malaysia; Thái Lan; Đài Loan; Indonesia; Việt Nam; Philippines; Brazil; Mexico; Colombia; Chile và Ba Lan.
Vào năm 2015, Shopee được ra mắt tại Singapore với định hướng là sàn thương mại điện tử phát triển chủ yếu trên thiết bị di động, hoạt động như một mạng xã hội phục vụ nhu cầu mua bán mọi lúc, mọi nơi cho người dùng. Tích hợp hệ thống vận hành, giao nhận và hỗ trợ về khâu thanh toán, Shopee là bên trung gian giúp việc mua sắm trực tuyến dễ dàng và an toàn hơn cho cả bên mua lẫn bên bán.
Tại Việt Nam, mô hình ban đầu của Shopee Việt Nam là C2C Marketplace – Trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau. Tuy nhiên, hiện nay Shopee Việt Nam đã trở thành mô hình lai khi có cả B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Người bán trên Shopee cần phải trả một số loại phí như phí thanh toán, phí cố định, phí dịch vụ. Kể từ khi xuất hiện, Shopee đã đạt được sự tăng trưởng vượt trội. Theo báo cáo Metric về Ngành Thương mại điện tử năm 2022, Shopee hiện đang là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam khi chiếm đến gần 73% tổng doanh số 4 sàn, tương đương 91 nghìn tỷ.
Từ ứng dụng Shopee, người dùng có thể truy cập được vào rất nhiều các gian hàng/ nền tảng khác nhau để tìm kiếm các dịch vụ, sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Một số gian hàng/ nền tảng chính bao gồm:
- Shopee Mall: Shopee Mall là một gian hàng với các sản phẩm đều là hàng chính hãng từ các thương hiệu và nhà bán hàng uy tín trên thị trường như Samsung, Xiaomi, Oppo, Pampers, Maybelline, Rohto, Unilever,… Vì vậy, khách hàng hoàn toàn có thể an tâm khi chọn mua các sản phẩm trên Shopee Mall.
- Shopee Premium: Gian hàng đặc biệt dành cho các thương hiệu cao cấp được tuyển chọn độc quyền từ Shopee.
- Shopee Supermarket: Shopee Supermarket hỗ trợ người tiêu dùng đặt mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiện lợi hơn và giao hàng nhanh chóng từ các nhà bán hàng.
- Shopee Food: Nền tảng đặt món và giao đồ ăn trực tuyến từ Shopee
- Các gian hàng chuyên về đồ điện tử TechZone, làm đẹp, thời trang, nạp thẻ & dịch vụ, hàng quốc tế…
Một số điểm nổi bật đáng chú ý của ứng dụng Shopee bao gồm:
- Được xây dựng cho thiết bị di động: Giao diện người dùng Shopee được xây dựng cho thiết bị di động, giúp người dùng trải nghiệm mua sắm di động nhanh chóng và trực quan cao.
- Trò chuyện trực tiếp trên Shopee: Người dùng có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện trong thời gian thực thông qua tính năng tích hợp sẵn của Shopee – khả năng nhắn tin trong thời gian thực.
- Shopee đảm bảo: Shopee Đảm bảo bảo vệ người dùng bằng cách giữ thanh toán cho đến khi nhận được đơn đặt hàng.
- Hệ thống hậu cần/vận chuyển tích hợp: Shopee hợp tác với các công ty hậu cần hàng đầu để có một ứng dụng tích hợp trong ứng dụng hệ thống hậu cần. Người dùng có thể dễ dàng chọn nhà cung cấp dịch vụ hậu cần ưa thích sau khi đặt hàng.
- Ứng dụng miễn phí cho mọi người dùng.
- Có sẵn để tải xuống miễn phí trên App Store và Google Play.
1.1 Khách hàng và thị trường mục tiêu
Đối tượng khách hàng chính mà Shopee hướng đến là những người trong độ tuổi từ 18 – 35, có lối sống năng động, thành thạo sử dụng các ứng dụng online, quan tâm nhiều về giá cả và ưa thích sự tiện lợi. Thị trường hoạt động chủ yếu của Shopee là ở khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là khu vực mà khách hàng có nhu cầu cao về mua sắm online.
1.2 Đối thủ cạnh tranh
Mặc dù đang thống trị thị trường Việt Nam, Shopee vẫn phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh. Hai đối thủ mạnh có sự hỗ trợ và đầu tư khổng lồ từ các tập đoàn lớn là Lazada và Tiki.
Bên cạnh đó, dù chỉ mới ra mắt gần đây, Tiktok shop đã thể hiện mình là một đối thủ đáng gờm khi đạt mức doanh thu trong 1 tháng tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki, theo báo cáo của Metric. Ngoài ra, một số sàn thương mại điện tử nội địa khác cũng đang góp mặt trong “cuộc chơi” dành thị phần bao gồm Sendo, Chotot…
- Phân tích chiến lược kinh doanh của Shopee – Sàn thương mại điện tử nổi tiếng
- Phân tích mô hình Canvas của Shopee
- Phân tích mô hình PEST của Shopee đầy đủ, chi tiết nhất 2023
2. Phân tích ma trận SWOT của Shopee
Ma trận SWOT thường được sử dụng để đánh giá môi trường bên trong và bên ngoài của một công ty, từ đó thiết lập các chiến lược tiếp thị và kinh doanh phù hợp. Bốn yếu tố chính trong ma trận này là điểm mạnh (S-Strengths), điểm yếu (W-Weaknesses), cơ hội (O-Opportunities) và thách thức (T-Threats). Bảng dưới đây phân tích tóm tắt ma trận SWOT của Shopee:
Điểm mạnh | Điểm yếu |
|
|
Cơ hội | Thách thức |
|
|
3. Phân tích mô hình Marketing Mix của Shopee
Chiến lược Marketing của Shopee là một trong những yếu tố quan trọng giúp thương hiệu này đạt được thành công như hiện tại. Vậy Shopee đã thực hiện chiến lược Marketing Mix của mình như thế nào? Hãy cùng phân tích 4 yếu tố P: Product, Price, Place và Promotion trong mô hình tiếp thị hỗn hợp của Shopee ngay dưới đây.
3.1 Chiến lược Marketing của Shopee về sản phẩm (Product)
Đối với chiến lược Marketing của Shopee về sản phẩm, nền tảng thương mại điện tử này tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để tăng chất lượng sản phẩm của mình.
Ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam, đã sớm nhận định rằng thương mại di động sẽ là một xu thế tất yếu khi các công nghệ về ứng dụng di động phát triển, điện thoại thông minh ngày càng có màn hình lớn hơn, chế độ bảo mật tốt hơn… Thêm vào đó, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Pinterest… cũng đã bổ sung các nút “thích”, “mua”,.. như một cách cổ vũ người sử dụng mua sắm nhiều hơn, thoải mái hơn khi họ đang lướt Internet.
Đội ngũ nhân viên bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Shopee cũng nhận ra là người dùng đang dành nhiều thời gian hơn trên chiếc điện thoại thông minh và quen dần với các thao tác “chạm” để xem, để mua sắm. Điện thoại thông minh vô hình trung trở thành công cụ cũng là môi trường di động truyền tải thông tin đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng hơn so với trên các thiết bị cố định như máy tính cá nhân.
Khi bắt đầu hoạt động, Shopee chỉ có phiên bản trên di động trước khi có thêm phiên bản cho máy tính như hiện nay. Tuy nhiên, theo số liệu mà công ty tự công bố, 95% đơn hàng Shopee phục vụ được thực hiện qua các nền tảng di động. Như vậy, Shopee là sàn thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam sở hữu sàn thương mại điện tử có cả phiên bản mobile app và online website, dẫn đầu xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động (M-Commerce & Mobile Commerce).
Ngoài những tính năng cơ bản mà mọi sàn thương mại điện tử khác cung cấp như Shopee Mall (nơi cung cấp hàng chính hãng 100%), Flash Sale (ưu đãi khuyến mãi, số lượng có hạn theo khung giờ), danh mục mọi ngành hàng, nạp thẻ và dịch vụ, ưu đãi đối tác,… Shopee cũng cấp những tính năng mà chỉ có ở Shopee người dùng mới được trải nghiệm bao gồm:
Shopee Live và Shopee Chat
Shopee là sàn TMĐT đầu tiên cho ra mắt cả tính năng trò chuyện (Shopee Chat) và live-streaming (Shopee Live).
Chăm sóc khách hàng qua Chat là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng doanh số của người bán, bên cạnh đó còn xây dựng được tập khách hàng trung thành và giảm tỷ lệ đổi/trả hàng. Hơn thế nữa, Shopee Chat có thêm công cụ trả giá duy nhất chỉ có ở Shopee.
Mô hình bán hàng qua livestream không phải là mới trên thế giới. Xuất phát từ các nước Phương Tây, livestream trở thành xu hướng bán hàng được các nhà kinh doanh và cả các sàn thương mại điện tử lựa chọn.
Ra mắt người dùng vào đầu năm 2019, Shopee Live là một trong những tính năng mà Shopee cho rằng đúng với định hướng của công ty khi muốn những trải nghiệm mua sắm trên di động với Shopee trở nên rất nhanh chóng và trực quan. Shopee Live đã đạt được những con số ấn tượng tư cộng đồng người dùng với hơn 200 triệu lượt xem trên toàn khu vực tính đến thời điểm hiện tại.
Shopee Feed
Người dùng trên toàn khu vực có cơ hội tận hưởng trải nghiệm mua sắm mang tính xã hội hóa cao thông qua tính năng Shopee Feed trong Quý I/2020. Shopee Feed cung cấp các tính năng mang tính xã hội cho người dùng như tạo nội dung để tương tác với bạn bè, người mua hàng và người bán hàng trên ứng dụng mua sắm Shopee.
Shopee Feed là một nền tảng trên ứng dụng Shopee giúp người bán chia sẻ thương hiệu, sản phẩm với cộng đồng Shopee thông qua các bài viết có nội dung trực quan, hấp dẫn. Người mua có thể xem sản phẩm qua hình ảnh hoặc video, dễ dàng truy cập vào trang sản phẩm bằng cách bấm vào hình ảnh, lấy voucher của Shop, tìm kiếm sản phẩm bằng hashtag, xem đánh giá từ người mua khác…
Nhờ Shopee Feed, Shopee ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu hoàn thiện hóa sàn thương mại điện tử của mình, không chỉ là một ứng dụng mua sắm online, Shopee còn là một mạng xã hội – nơi người mua, người bán và cả những đại sứ thương hiệu được kết nối, tương tác.
3.2 Chiến lược Marketing của Shopee về giá (Price)
Đối với chiến lược Marketing của Shopee về giá (Price), Shopee đã định giá sản phẩm theo chiến lược định giá cạnh tranh.
Định giá sản phẩm cạnh tranh là một phương pháp định giá tận dụng giá của đối thủ cạnh tranh cho cùng một sản phẩm tương tự để làm cơ sở định giá. Chiến lược định giá này tập trung vào các thông tin từ thị trường hơn là chi phí sản xuất (định giá theo chi phí) và giá trị của sản phẩm (định giá dựa trên giá trị).
>> Đọc thêm về các chiến lược định giá sản phẩm phổ biến trong Marketing tại bài viết: 10 chiến lược định giá sản phẩm phổ biến trong marketing
Với trường hợp của Shopee, công ty hiểu rằng với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt như hiện nay thì ngoài việc cung cấp tới khách hàng nền tảng thông minh, dễ sử dụng, phù hợp với thói quen của họ thì chiến lược cạnh tranh về giá là rất cần thiết.
Shopee đã khuyến khích các chủ hộ kinh doanh lựa chọn hợp tác với mình bằng những mức giá ưu đãi khi là thành viên của hãng. Thêm vào đó, Shopee cũng giúp đỡ về giá ship, các code freeship để gia tăng sức mua của khách hàng khi dùng app của mình.
3.3 Chiến lược Marketing của Shopee về hệ thống phân phối (Place)
Khi phân tích chiến lược Marketing của Shopee về hệ thống vận chuyển, Shopee nhận thấy phí vận chuyển vẫn là một rào cản lớn đối với cả người mua hàng và người bán hàng khi chuyển từ mua hàng truyền thống sang mua hàng online.
Phân tích của Shopee cho thấy hàng nằm sẵn ở kho của website sẽ hiệu quả hơn cho khách mua nhưng lại gây ra vấn đề cho người bán. Người bán muốn hàng giao nhanh hơn phải đưa sản phẩm của mình tới mọi kho. Nếu chỉ đưa sản phẩm tới các kho ở thành phố lớn thì việc giao hàng ở các địa phương sẽ chậm hơn. Việc để cho người bán chủ động hoàn toàn trong việc hoàn thiện đơn hàng thay vì phụ thuộc vào các kho của website là cách giúp giảm chi phí cho người bán.
Không những thế, Shopee còn muốn chiếm lấy thị phần nông thôn mà các đối thủ cạnh tranh “ngó lơ”. Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Vận hành kiêm Tài chính của Công ty TNHH Shopee cho rằng: “Nếu khách hàng ở thành phố mua đơn hàng ít nhưng giá trị cao thì khách hàng ở tỉnh chi ít hơn cho mỗi món hàng nhưng lại mua nhiều hơn nên giá trị không chênh lệch nhiều”.
Đáp án của Shopee cho bài toán vận chuyển đó là Shopee “bắt tay” với các đơn vị vận chuyển cả quốc tế và nội địa; như Vietnam Post, Viettel Post, Giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm, J&T express và Grab Express…
Việc hợp tác này đã giúp Shopee tiết kiệm thời gian và chi phí xây dựng đơn vị vận chuyển riêng cho mình, đồng thời tận dụng ngay được hệ thống sẵn có của đối tác có chuyên về vận chuyển, số lượng kho bãi khổng lồ trải rộng từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến nông thôn.
Quan trọng nhất, nhờ có sự hợp tác đa phương mà Shopee nhanh chóng loại bỏ rào cản về vận chuyển, đáp ứng mọi nhu cầu: vận chuyển tiết kiệm với các đơn hàng khối lượng nhỏ, vận chuyển nhanh trong 2h với Grab Express, nhận hàng trong 4h, 24h,… kết hợp nhiều hình thức thanh toán như thanh toán bằng Shopee Pay, mua trước trả sau với SPayLater, thanh toán khi nhận hàng,…
3.4 Chiến lược Marketing của Shopee về xúc tiến hỗn hợp (Promotion)
Chiến lược Marketing của Shopee về xúc tiến hỗn hợp là triển khai các chiến dịch quảng cáo và chương trình khuyến mãi.
Chiến dịch quảng cáo
Những chiến dịch quảng cáo TVC bắt trend là một trong những chiến lược Marketing hiệu quả của Shopee về xúc tiến hỗn hợp.
Một trong những chiến dịch nổi tiếng và tạo được tiếng vang lớn nhất của Shopee phải kể đến TVC quảng cáo: “Baby Shark” với sự góp mặt của ca sĩ Bảo Anh và thủ môn Tiến Dũng nổi tiếng.
Yếu tố làm nên sự thành công của chiến dịch này chính là nhờ Shopee đã áp dụng một công thức chung hoàn hảo: bài hát Baby Shark.
Bài hát này vốn là bài nhạc thiếu nhi đã viral trước đó, nay được Shopee khéo léo lồng thương hiệu của mình vào. Việc chọn một bài hát thiếu nhi cũng là một quyết định thông minh: nhạc thiếu nhi thường ngắn gọn, bắt tai mà lại dễ thuộc, là công thức hoàn hảo cho các chiến dịch viral.
Kèm theo đó, cái tên Shopee lặp đi lặp lại suốt bài cũng làm tăng nhận biết cho thương hiệu và khiến người tiêu dùng dễ dàng liên tưởng đến Shopee mỗi khi nghe thấy giai điệu bài hát.
Sau chiến dịch, theo số liệu từ Google Trends thì chỉ trong vòng 1 tháng sau khi quảng cáo này xuất hiện ở Việt Nam thì từ khóa “quảng cáo Shopee” đã được tìm kiếm nhiều hơn gấp 3 lần. Đây chính là chiến dịch giúp Shopee quảng bá thương hiệu của mình một cách hiệu quả.
Chương trình khuyến mãi
Vào những ngày siêu sale này, khách hàng thường xuyên nhớ tới Shopee và sử dụng nền tảng thương mại điện tử này để mua sắm và “săn sale”. Bên cạnh đó, những ngày khuyến mãi khủng thường là có ngày trùng với tháng nên khách hàng sẽ cảm thấy dễ nhớ hơn.
Những chương trình khuyến mãi này của Shopee đã thu hút cả người bán lẫn người mua. Người bán có cơ hội kích cầu, thu hút người mua đưa ra hành động mua hàng cũng như người mua có cơ hội mua được mặt hàng mà mình có nhu cầu với nhiều lợi ích đi kèm.
4. Các chiến lược Marketing nổi bật của Shopee
Shopee là thương hiệu có hoạt động truyền thông mạnh mẽ với nhiều chiến dịch marketing thành công. Các chiến dịch truyền thông của Shopee thường bắt kịp xu hướng, súc tích, ngắn gọn, dễ gây ấn tượng và tiếp cận người dùng.
4.1 Tận dụng Influencer Marketing
Chiến lược Marketing đầu tiên của Shopee phải kể đến việc tận dụng Influencer Marketing.
Influencer Marketing là một trong những hình thức tiếp thị thông qua mạng xã hội. Influencer Marketing tận dụng người có tầm ảnh hưởng trên các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, Instagram để tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng cũng như để quảng cáo sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp.
Influencer Marketing sẽ chú trọng vào việc nhận diện các cá nhân có sức ảnh hưởng đối với nhóm khách hàng tiềm năng và định hướng các hoạt động marketing xung quanh những người có ảnh hưởng đó.
Thông qua các chiến dịch Influencer Marketing, doanh nghiệp sẽ gửi gắm thông điệp quảng cáo đến khách hàng và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm / dịch vụ của mình bằng cách tận dụng sự uy tín và sức ảnh hưởng của Influencer. Qua chiến dịch, các Influencers cũng sẽ được trả một khoản hoa hồng theo thỏa thuận.
>> Đọc chi tiết hơn về Influencer Marketing tại bài viết: Influencer Marketing là gì? Vai trò & 5 bước triển khai Influencer Marketing
Về chiến lược Influencer Marketing của Shopee, tại Việt Nam, nắm được xu hướng tiêu dùng thường bị ảnh hưởng bởi người nổi tiếng, Shopee mời những người nổi tiếng khác nhau làm đại diện cho các chiến dịch từ âm nhạc, phim ảnh đến thể thao, … để tiếp cận nhiều người nhất có thể.
Cụ thể, khi nhận thấy khách hàng trẻ tuổi chiếm đến 30% thị trường Việt Nam, Shopee đã quyết định chọn Sơn Tùng, Tiến Dũng và Bảo Anh, đều là những gương mặt ngôi sao được giới trẻ đặc biệt chú ý để làm gương mặt đại diện.
Bên cạnh đó, Shopee cũng đầu tư mời cả những ngôi sao, nhóm nhạc hàng đầu của Hàn Quốc như BLACKPINK và NCT để làm gương mặt đại diện cho mình trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình.
Vì thế, Shopee dễ dàng mở rộng thị trường một cách rộng rãi và tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng trẻ tuổi.
4.2 TVC quảng cáo bắt trend
Sử dụng TVC quảng cáo bắt trend cũng là một chiến lược Marketing hiệu quả của Shopee.
Tận dụng sức nóng của xu hướng, sức ảnh hưởng có sẵn của trend, Shopee đã cho ra đời những TVC quảng cáo “bắt trend” cực kỳ thành công. Không cần cố gắng gây sự chú ý mà vẫn có thể lan truyền rộng rãi và thu hút người dùng một cách tự nhiên nhất.
Một số TVC quảng cáo “bắt trend” hot nhất của Shopee có thể kể đến như: Đoạn TVC quảng cáo sự kiện “mừng sinh nhật 12.12” với bản hit “DDU-DU DDU-DU” của Blackpink. Hay một TVC được coi là một cú nổ lớn của Shopee trên toàn Đông Nam Á đó là sự kết hợp giữa Bùi Tiến Dũng, Bảo Anh với bài hát làm mưa làm gió Baby Shark,…
Bên cạnh đó, câu slogan: “Thích shopping, lướt shopee” ngắn gọn, vui nhộn và nghe rất bắt tai của Shopee cũng là một yếu tố thu hút khách hàng. Tính chất ngắn gọn của các câu slogan của Shopee cũng được thể hiện qua những lời bài hát có trong những quảng cáo TVC của thương hiệu này. Đây cũng được coi là một thông điệp mà Shopee muốn gửi đến khách hàng của mình.
4.3 Chiến lược marketing Shopee nội địa hóa
Shopee tích cực địa phương hóa và tùy chỉnh ứng dụng để đáp ứng nhu cầu mỗi thị trường. Thay vì một ứng dụng cho tất cả người dùng, Shopee có ứng dụng riêng biệt cho mỗi thị trường mà nó tham dự.
Để đảm bảo ứng dụng có khả năng phục vụ cho mọi quốc gia khác nhau, Shopee thuê nhân viên làm việc ở các địa phương, những người am hiểu về văn hóa và phong tục của quốc gia. Shopee cũng hợp tác với các ngân hàng địa phương và các đối tác hậu cần ở mỗi nước để đảm bảo trải nghiệm mua sắm và giao hàng thuận lợi và hiệu quả.
4.4 Chương trình miễn phí vận chuyển
Đây được coi là chiến lược Marketing của Shopee đem lại hiệu quả rõ rệt. Thông qua một vài khảo sát, Shopee nhận thấy rằng phí vận chuyển hàng hóa là rào cản tương đối lớn với cả người mua hàng và bán hàng khi chuyển đổi từ hình thức mua hàng truyền thống sang mua hàng online.
Hiểu được điều đó, Shopee đã bắt tay vào việc xây dựng hệ thống giao hàng chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Đồng thời, thương hiệu này cũng nhấn mạnh yếu tố miễn phí hoặc giảm phí vận chuyển trong những chiến dịch quảng cáo sản phẩm của mình.
4.5 Chiến lược marketing Shopee mạng xã hội đa kênh
Ngay từ bước đầu thâm nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Shopee đã nhận ra tiềm năng phát triển của các kênh mạng xã hội và lựa chọn mạng xã hội như là môi trường chính để thực hiện các chiến lược tiếp thị. Đến nay, Shopee đã triển khai các chiến lược marketing trên tất cả các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, YouTube, Zalo, Instagram và Tiktok.
Ví dụ, thông qua hoạt động quảng cáo trên YouTube, Shopee hướng đến truyền tải thông điệp truyền thông để tiếp cận và thu hút khách hàng tiềm năng. Shopee thêm các quảng cáo của mình vào video của YouTuber và hiển thị các áp phích quảng cáo trên giao diện của YouTube. Các quảng cáo của Shopee thường ở dạng các bài hát có giai điệu và trình bày bởi người nổi tiếng.
Hay trên Facebook, ngoài trang Fanpage, Shopee còn tạo các group công khai để tiếp cận các khách hàng quan tâm mua sắm.
Ngoài ra, Shopee cũng triển khai các chương trình săn thưởng qua các trò chơi giải trí như Nông trại Shopee, Số gì đây, Máy gắp thú… nhằm tăng sự tương tác, thời gian sử dụng ứng dụng và mức độ sử dụng thường xuyên của người dùng.
Các hoạt động này thu hút không nhỏ lượt tham gia của các thành viên yêu thích mua sắm. Chỉ riêng 2 trò chơi phổ biến nhất trên Shopee thu hút 28 triệu giờ chơi trong khuôn khổ sự kiện 12/12 tại Đông Nam Á, theo chia sẻ của đại diện Shopee trên Zing.vn.
5. Kinh nghiệm và bài học từ chiến lược marketing của Shopee
Cách Shopee triển khai các chiến dịch marketing cũng như cách nền tảng này nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu khu vực là một ví dụ thành công điển hình mà nhiều doanh nghiệp có thể học hỏi. Một số điểm đáng khen của Shopee mà doanh nghiệp nên tham khảo:
- Sử dụng công nghệ tiên tiến: Shopee luôn ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới, nâng cao trải nghiệm người dùng.
- Tập trung vào người dùng: Shopee hiểu rất rõ về đối tượng khách hàng tiềm năng của mình và luôn tập trung giải quyết nhu cầu, mong muốn của họ.
- Tận dụng nguồn lực hiệu quả, hợp lý: Mặc dù các chiến dịch Marketing của Shopee tiêu tốn khá nhiều tiền, nhưng chúng cũng đem về những thành công vang dội nhờ sự thông minh và hợp xu hướng.
- Tạo những cú “hit” viral đột phá: Những đoạn quảng cáo hoặc Slogan viral đóng vai trò quan trọng để thương hiệu thâm nhập vào tâm trí khách hàng.
- Sử dụng các thẻ giá trị: Những thẻ voucher giảm giá hay giao hàng miễn phí có thể tạo sức hút đối với khách hàng và giúp khách hàng ra quyết định mua sắm nhanh hơn.
Tổng kết
Shopee đã trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Để đạt được thành công này, Shopee đã triển khai những chiến lược Marketing hiệu quả như:
- Tận dụng Influencer Marketing
- TVC quảng cáo bắt trend
- Chương trình miễn phí vận chuyển
- Chiến lược nội địa hóa
- Chiến lược marketing mạng xã hội đa kênh
Chiến lược Marketing của Shopee luôn đáng để chúng ta học hỏi và phân tích.